menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lê Nam

Phân cấp phân quyền đăng kiểm: Các địa phương nói gì?

Phân cấp, phân quyền đăng kiểm cũng có nhiều thuận lợi. Nhưng yếu tố tiên quyết vẫn là con người. Bởi nếu vẫn để xẩy ra tiêu cực thì có làm cách gì cũng bung bét hết cả.

Đẩy mạnh phân cấp phân quyền hoạt động đăng kiểm được coi là “át chủ bài” để ngành đăng kiểm thoát khỏi khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, chủ trương này cũng mang lại không ít tâm tư, lo lắng cho các địa phương.

Phân cấp phân quyền đăng kiểm: Các địa phương nói gì?
Phân cấp phân quyền công tác đăng kiểm về các địa phương là giải pháp được kỳ vọng mang đến thay đổi lớn cho ngành đăng kiểm.

Nghị định 30/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới đưa ra lộ trình chính thực thực hiện phân cấp phân quyền hoạt động đăng kiểm cho các địa phương là từ năm 2026.

Như vậy, các địa phương sẽ có khoảng 1,5 năm để chuẩn bị trước khi chính thức tiếp nhận công tác tổ chức quản lý hoạt động kiểm định xe cơ giới; thanh tra kiểm tra và xử lý vi phạm trong việc thực hiện quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới và quy định của pháp luật liên quan khác trên địa bàn. Tuy nhiên, ngay từ thời điểm này, nhiều địa phương vẫn còn khá băn khoăn, lo lắng.

Bài toán nhân lực và trình độ chuyên môn

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Trần Thanh Kiên - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Điện Biên cho biết, để đáp ứng đủ năng lực kiểm tra, kiểm soát hoạt động đăng kiểm theo quy định về phân cấp phân quyền tại Nghị định 30 thì các địa phương sẽ cần sự hỗ trợ rất nhiều từ các cơ quan liên quan, đặc biệt là Cục Đăng kiểm Việt Nam. Bởi, việc phân cấp, phân quyền này liên quan đến rất nhiều vấn đề như chuyên môn, nhân lực, cơ sở vật chất… Đây là những điều kiện không phải địa phương nào cũng đáp ứng được ngay.

“Trước kia, đơn vị chịu trách nhiệm chính về chuyên môn trong công tác đăng kiểm là Cục Đăng kiểm Việt Nam. Bây giờ, theo chủ trương phân cấp phân quyền thì các địa phương phải chịu trách nhiệm chính. Để làm được điều này, các địa phương phải có thời gian và sự chuẩn bị” – ông Trần Thanh Kiên nhận định.

Một trong những khó khăn mà các địa phương đang phải đối mặt chính là vấn đề nhân sự. Ông Trần Thanh Kiên cho biết, theo yêu cầu của chủ trương tinh giản biên chế công chức, Sở GTVT tỉnh Điện Biên sẽ phải giảm 5% trong thời gian tới. “Trước đó, từ 2019 đến 2022 chúng tôi đã giảm 10% biên chế công chức rồi, giờ giảm tiếp 5% nữa. Người sẽ tiếp tục giảm đi mà nhiệm vụ sẽ tăng lên. Đây là một khó khăn không nhỏ” – ông Trần Thanh Kiên nói.

Ngoài khó khăn về nhân lực, yêu cầu về chuyên môn trong hoạt động đăng kiểm cũng sẽ là một bài toán khó đối với các địa phương khi được phân cấp, phân quyền hoạt động đăng kiểm. Lãnh đạo Sở GTVT một số địa phương cho hay, để tiếp nhận công tác đăng kiểm từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, Sở GTVT các địa phương sẽ phải có đủ cán bộ chuyên môn trong lĩnh vực này.

Với tình hình hiện nay, đây cũng là điều kiện không dễ đáp ứng trong thời gian tới. Đăng kiểm viên phải có thời gian đào tạo. Riêng đăng kiểm viên cao cấp ngoài thời gian được đào tạo còn phải có trải qua một thời gian nhất định làm việc tại các đơn vị đăng kiểm. Theo quy định của Nghị định 30 thì Sở GTVT các địa phương sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động của trung tâm đăng kiểm tại địa phương. Muốn kiểm tra, giám sát được các trung tâm đăng kiểm thì phải có trình độ chuyên môn cao hơn họ. Bây giờ, tìm được một kỹ sư cơ khí ô tô là cực kỳ khó.

Phân cấp phân quyền đăng kiểm: Các địa phương nói gì?
Các địa phương vẫn còn nhiều băn khoăn, lo lắng khi thực hiện việc phân cấp phân quyền hoạt động đăng kiểm.

Còn nhiều việc phải làm

Những băn khoăn nêu trên là lo lắng chung của Sở GTVT nhiều địa phương. Trong Hội nghị phổ biến điểm mới của Nghị định 30 về điều kiện kinh doanh đăng kiểm được tổ chức vào giữa tháng 6/2023 vừa qua, đại diện các Sở GTVT nhiều địa phương đã đề nghị Cục Đăng kiểm sớm có thông tư hướng dẫn cụ thể thực hiện công tác quản lý kiểm định xe cơ giới trên địa bàn. Vì hiện nay mọi thứ vẫn còn khá mới mẻ và chưa đủ nhân lực, kinh nghiệm để quản lý, nhất là hoạt động đánh giá cấp mới, cấp lại giấy chứng nhận hoạt động trung tâm đăng kiểm.

Đại diện Sở GTVT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, Phòng Quản lý phương tiện của sở sẽ là đơn vị được tỉnh giao phụ trách lĩnh vực đăng kiểm. Tuy nhiên, hiện nay, nhân lực đang rất mỏng với chỉ 5 người, trong đó có 2 lãnh đạo (Trưởng phòng và Phó phòng) và 3 nhân viên. Điều này đồng nghĩa, sẽ chỉ có 3 người vừa thực hiện nhiệm vụ quản lý phương tiện người lái, công tác đào tạo lái xe giờ thêm đăng kiểm. Chỉ riêng công tác đăng kiểm thôi đã có rất nhiều việc phải làm như thẩm định, cấp phép (thành lập hội đồng), kiểm tra, giám sát các trung tâm đăng kiểm… khối lượng công việc rất nặng nề.

Để chuẩn bị cho công tác phân cấp, phân quyền công tác đăng kiểm cho các địa phương, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã xây dựng hệ thống phần mềm về quản lý kiểm định, tra cứu dữ liệu, camera giám sát. Hiện các Sở GTVT đã được cấp tài khoản camera giám sát để truy cập quan sát quá trình hoạt động tại các trung tâm đăng kiểm cùng các công cụ tra cứu dữ liệu phương tiện.

Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đang phát triển hệ thống quản trị riêng để xây dựng nền tảng dữ liệu cung cấp đến từng Sở GTVT địa phương, giúp các sở nắm bắt được số lượng trung tâm đăng kiểm trên địa bàn, trung tâm nào đang hoạt động hay dừng hoạt động, có đang sử dụng hệ thống bổ trợ của Cục Đăng kiểm Việt Nam hay không; năng suất kiểm định của từng trung tâm đăng kiểm; số lượng và thông tin các đăng kiểm viên tại mỗi đơn vị đăng kiểm…

Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyến Chiến Thắng khẳng định, khi thực hiện phân cấp phân quyền hoạt động đăng kiểm về các địa phương thì Sở GTVT là đơn vị đầu mối, chủ trì để thực hiện, bên cạnh đó còn có sự phối hợp của các sở, ngành liên quan. Bên cạnh đó cần có sự phối hợp của các Sở Tài nguyên & Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Khoa học Công nghệ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Cục Thuế để đánh giá tổng thể các hạng mục (đất đai, vị trí xây dựng, trang thiết bị kiểm định, nhân lực, thuế,…) theo quy định pháp luật. Những nội dung này đã được quy định rõ trong Nghị định 30.

“Nghị định 30 có hướng mở cho các địa phương khi đưa ra lộ trình chuẩn bị từ nay đến hết 2025. Sau 2025 nếu địa phương nào chưa đáp ứng được đủ điều kiện thì có thể báo cáo đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp tục hỗ trợ. Trong thời gian này, chúng tôi sẽ tiếp tục phải có sự nghiên cứu, tính toán để có sự sắp xếp lại cho phù hợp. Hiện nay chúng tôi vẫn đang chờ Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 30" – Giám đốc Sở GTVT tỉnh Điện Biên Trần Thanh Kiên
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại