Phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công mới đạt 84,8%
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, đến nay nguồn vốn đầu tư công đã phân bổ được trên 391.192 tỷ đồng, mới đạt 84,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao.
Hiện còn gần 70.108 tỷ đồng vốn chưa được phân bổ, chiếm 15,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, vốn trong nước gần 63.430 tỷ đồng (chưa bao gồm vốn chương trình mục tiêu quốc gia), vốn ngoài nước trên 6.678 tỷ đồng.
Theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan trung ương và UBND các tỉnh, thành phố phải phân bổ chi tiết danh mục, mức vốn bố trí của từng dự án cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc và UBND cấp dưới trước ngày 31/12/2020, gửi phương án phân bổ chi tiết cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 10/1/2021. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, hiện còn một số tồn tại trong triển khai phân bổ vốn, nên hơn 15% số vốn vẫn chưa được phân bổ.
Bộ Tài chính cũng nêu một số nguyên nhân của việc chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư năm 2021.
Theo đó, nguồn vốn ngân sách trung ương do các bộ, cơ quan trung ương và địa phương mới giao kế hoạch vốn đợt 1. Đồng thời, nhiều dự án số vốn còn lại chưa phân bổ cho các dự án chưa đủ điều kiện bố trí vốn kế hoạch đầu tư công nguồn NSNN năm 2021 theo quy định của Thủ tướng Chính phủ (do các dự án khởi công mới chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; các dự án quá thời gian thực hiện với quy định; các dự án, nhiệm vụ quy hoạch chưa đủ thủ tục; các dự án ODA chưa ký hiệp định hoặc đang điều chỉnh hiệp định).
Hiện vẫn còn 34 bộ và 38 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã giao. Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ kế hoạch vốn chưa triển khai phân bổ khá cao như: Bộ Thông tin và Truyền thông (94,77%); Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc (88%); tỉnh Lâm Đồng (100%), tỉnh Phú Thọ (84,3%)…
Đối với nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương, còn 18 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn như Bắc Ninh còn đến gần 72% số vốn; Quảng Bình còn trên 63% và Sóc Trăng còn gần 53%.
Bộ Tài chính cho biết, qua rà soát báo cáo phân bổ vốn của các bộ, ngành, địa phương cho thấy còn nhiều tồn tại. Đơn cử như việc phân bổ vốn không đảm bảo theo thời gian quy định. Theo quy định, việc phân bổ vốn phải hoàn thành trước ngày 31/12 hàng năm nhưng nhiều địa phương vẫn triển khai chậm như: Hà Nam, Cà Mau, Ninh Bình, Gia Lai (phân bổ đợt 2 ngày 5/3/2021); Tây Ninh (phân bổ đợt 2 ngày 1/2/2021).
Nhiều bộ, ngành, địa phương phân bổ vốn không đúng quy định (phân bổ vốn cho một số dự án khởi công mới chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020); bố trí vốn quá thời gian theo quy định của Luật Đầu tư công không thuộc nhóm dự án hoàn thành trong năm 2021; bố trí thu hồi vốn ứng trước của một số dự án có chênh lệch so với số liệu Bộ Tài chính theo dõi; không được Thủ tướng Chính phủ giao thu hồi nhưng vẫn phân bổ vốn để thu hồi.
Về phân bổ vốn nước ngoài, một số dự án ODA không đảm bảo đúng tỷ lệ cấp phát, cho vay lại đã được duyệt; dự án chưa được phân bổ vốn cho vay lại từ nguồn ngân sách địa phương.
Trước thực trạng nguồn vốn đầu tư công chưa được phân bổ hết sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giải ngân, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 và thực hiện nhập kế hoạch vốn trên Tabmis (hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc).
Đối với chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chủ trì xây dựng chương trình đề xuất phương án bố trí kế hoạch vốn năm 2021 để báo cáo cấp có thẩm quyền phân bổ cho các địa phương triển khai thực hiện.
Bộ Tài chính lưu ý các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành việc thu hồi vốn ứng trước, thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản của các dự án được giao kế hoạch trong năm 2021, triển khai thực hiện dự án ngay sau khi nhận được thông báo chi tiết kế hoạch vốn đầu tư.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận