Phải xử lý hình sự dự án 'ma', tín dụng đen
Hôm qua (12.7), tại kỳ họp HĐND TP.HCM, ý kiến của đại biểu đề nghị cơ quan công an phải khởi tố, điều tra xử lý dự án “ma”, tín dụng đen.
Công khai quy hoạch để người dân nắm rõ
Trước tình trạng phân lô bán nền, lừa đảo mua bán dự án “ma” khiến hàng ngàn người dân bị lừa trên địa bàn TP, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Tố Trâm (Q.Bình Tân) phản ánh tình trạng mua bán nhà đất dự án “ma” bùng phát tại các Q.Bình Tân, H.Hóc Môn, Q.9... ĐB Trâm đặt câu hỏi liệu cơ quan điều tra có thể xem xét khởi tố hình sự được hay không.
Theo ĐB Tố Trâm, hiện nay có nhiều đối tượng “vẽ” dự án trên đất không phù hợp quy hoạch, phân lô bán nền trên các khu đất công. Tuy nhiên, khi mở bán dự án “ma”, các đơn vị quảng cáo, rao bán rầm rộ, tiến hành san đất, làm đường để người dân tin tưởng vào dự án. Từ đó dẫn đến việc hàng ngàn khách hàng bị lừa mua dự án “ma”. Trước tình trạng đó, người dân gửi đơn thư đi kêu cứu khắp nơi, nhưng những đơn vị bán dự án “ma” vẫn bình chân như vại, không bị cơ quan công an xử lý.
ĐB Tố Trâm còn nêu ví dụ, mới đây nhất là dự án làm trên khu đất P.An Lạc (Q.Bình Tân) quy hoạch công viên, nhưng Công ty Angel Lina vẫn “vẽ” lên đó dự án khu dân cư Triều An. Có khách hàng đặt cọc hơn 1 tỉ đồng, gia đình xảy ra chuyện cũng vì bị lừa mua dự án.
ĐB Tố Trâm đề xuất cơ quan điều tra cần phải xem xét khởi tố các đối tượng cố tình bán dự án “ma” nhằm răn đe và phòng ngừa chung cho toàn xã hội. Ngoài ra, TP.HCM nên tiếp tục có biện pháp công khai quy hoạch để người dân nắm rõ, không bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đã kỷ luật nhiều cán bộ vi phạm
Giải trình chất vấn của ĐB, ông Dương Hồng Thắng, Chủ tịch UBND H.Hóc Môn, cho biết trên địa bàn H.Hóc Môn, tình hình lừa đảo đất đai, mua bán dự án “ảo” vẫn còn diễn ra. Các đối tượng lợi dụng việc đặt cọc mua đất nông nghiệp của người dân, lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân tiến hành phân lô “ảo”, sau đó bán lại cho người dân. Huyện ủy Hóc Môn đã có chỉ đạo để khắc phục tình trạng vi phạm quy định về đất đai trên địa bàn.
|
Ông Dương Hồng Thắng khẳng định 100% công trình vi phạm, dự án “ảo” cần phải có biện pháp xử lý. Từ đầu năm 2019 đến nay, tình hình quản lý đất đai ở H.Hóc Môn đã có chuyển biến tích cực. Huyện đã luân chuyển 19 lượt cán bộ cấp xã, tất cả công trình vi phạm được phát hiện xử lý kịp thời. Từ tháng 6.2018 đến nay đã xử lý kỷ luật 14 trường hợp cán bộ, trong đó khiển trách 10 người, cảnh cáo 4 người, sắp tới sẽ xử lý tiếp 4 cán bộ buông lỏng quản lý địa bàn để xảy ra xây dựng không phép, sai phép.
Ngoài ra, H.Hóc Môn cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý 6 cá nhân và 1 tập thể vi phạm trong quản lý đất đai xây dựng; đồng thời tập trung giải quyết được hàng ngàn hồ sơ tồn đọng từ 2016 tới nay. Công an H.Hóc Môn cũng tiếp nhận có 5 vụ việc mua bán, lừa đảo đất đai. Cơ quan công an cũng đã xác minh hơn 100 trường hợp vi phạm về đất đai, mà theo thẩm quyền thì huyện không xử lý được, vì vậy ông Thắng kiến nghị Công an TP nhanh chóng xử lý, khởi tố để răn đe. Tương tự, chủ tịch UBND Q.Bình Tân Lê Văn Thinh cũng cho biết, trên địa bàn Q.Bình Tân đang có 10 trường hợp bán dự án “ma”. Để chấn chỉnh, ngăn chặn, ông Thinh cho hay giải pháp của quận là đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức công khai quy hoạch và cảnh báo người dân trong vùng quy hoạch. Tuy nhiên, có trường hợp khi quận lắp biển cảnh báo về các khu vực đất quy hoạch công viên cây xanh, công trình công cộng thì nhóm đối tượng đi ô tô tới cố tình xịt sơn xóa cảnh báo, hoặc tháo dỡ bảng cảnh báo, khiến quận phải lắp camera để phát hiện, hiện đã giao công an quận điều tra xử lý.
Với các công ty có dấu hiệu lừa đảo, mua bán dự án “ma”, ông Thinh cho biết đã báo cáo UBND TP, kiến nghị Công an TP điều tra xử lý nghiêm.
Tại sao không xử lý hình sự nạn “tín dụng đen” ?
Tại phiên họp, không chỉ dự án “ma” mà vấn nạn tín dụng đen cũng làm “nóng” nghị trường.
ĐB Tăng Hữu Phong (Phó bí thư Quận ủy Tân Phú) nhận định tình trạng “tín dụng đen” so với giai đoạn đầu đã bớt gay gắt, nhưng vẫn còn nhức nhối. Hầu như ngày nào cũng nghe thông tin về đòi nợ thuê, giang hồ tạt chất bẩn vào nhà người vay nợ... ĐB Phong đặt câu hỏi: “Liệu 6 tháng cuối năm chúng ta có kiềm chế được tình hình tội phạm không?”.
ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm cũng nói thêm, “tín dụng đen” thường gắn với đòi nợ thuê, nhưng nhiều đối tượng tín dụng đen chỉ mới bị xử phạt hành chính, ít bị xử lý hình sự.
Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP.HCM, cho biết bất cứ dấu hiệu nào có liên quan đến “tín dụng đen”, Công an TP.HCM đều phải có biện pháp ngăn chặn chứ không chờ xảy ra mới ngăn chặn. Theo ông Phong, 6 tháng đầu năm 2019, số vụ “tín dụng đen” giảm 20%. Số vụ vi phạm như tạt chất bẩn đã giảm hơn 22%, đã xử lý hình sự được một số vụ. Tình hình “tín dụng đen” đã đỡ phức tạp hơn so với cuối năm 2018.
Trung tướng Lê Đông Phong cũng thừa nhận để tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, có trách nhiệm của lực lượng Công an TP.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận