"Phải tăng đầu tư cho hai động lực tăng trưởng"
Theo PGS. TS. Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, đầu tư công là một trong bốn lĩnh vực cần ưu tiên trong gói kích thích hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Trong đó, phải tăng đầu tư cho hai khu vực quan trọng nhất và đang quyết định 80% tổng thu ngân sách là Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Hồng.
Trao đổi với BizLIVE, PGS. TS. Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh đến tầm quan trọng của gói kích thích và tái thiết nền kinh tế từ năm 2022, gắn với các dư địa và cân đối chính sách, khuyến nghị các điểm đến tối ưu…
Thưa ông, từ trong 2021 nhiều nền kinh tế lớn đã phục hồi mạnh và tính tới thu hẹp các chính sách nới lỏng, tăng lãi suất và kiểm soát lạm phát. Còn Việt Nam thì vẫn đang bàn tính việc triển khai gói nới lỏng thực sự và mới. Vậy ta có lệch nhịp không?
Thứ nhất từ yếu tố bối cảnh thế giới, dịch bệnh kéo dài hai năm. Nhưng trước đó vốn dĩ thế giới chưa bình yên với Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Kinh tế thế giới đến 2020 bắt đầu giảm sâu, âm. Năm 2021 thế giới bắt đầu phục hồi trở lại. Thế giới ung dung kinh tế sẽ bùng cháy vào 2021 – 2022, nhưng lại xuất hiện biến thể Omicron, mọi thứ khựng lại. Nếu Omicron là biến thể mới dàn xếp được các Delta, Gamma… theo chiều hướng giảm dần, như vậy kết thúc được đại dịch. Cho nên các dự báo gần đây của thế giới đều thận trọng cho năm 2022.
Có một điều đáng tiếc là biến chủng mới xuất hiện đã cướp đi mùa Giáng sinh của các nước châu Âu, rồi tại Mỹ với mùa tiêu dùng thường mạnh và nhu cầu đi lại du lịch khổng lồ. Việt Nam bị ảnh hưởng vì nằm trong chuỗi cung ứng hàng hóa cho các thị trường này.
Bối cảnh thứ hai, thế giới đã tung nhiều gói kích thích kinh tế từ 2020. Vì sao? 2020 là năm thế giới ảnh hưởng nặng nhất trong khi Việt Nam năm 2020 thành công khi đạt mục tiêu kép gồm kiểm soát dịch, kinh tế tăng trưởng dương 2,91%. Việt Nam tự hào là “ngọn hải đăng”, điểm sáng toàn cầu, là một trong mười nước tăng trưởng dương.
Nói chung mình đạt “huy chương vàng năm 2020 trong giải bóng đá chống COVID”. Nhưng giải đó đấu nhiều hiệp, Việt Nam chỉ mới thắng hiệp một, sang hiệp hai bên kia có năng lượng, tăng cường chích vaccine, trong khi Việt Nam đầu năm thiếu vaccine nên bị “knock out” ở hiệp hai. Rồi Omicron lại xuất hiện.
Việt Nam có những lúc nhịp không đồng điệu với thế giới, người ta xuống rất sâu thì mình đi lên, bây giờ người ta lên thì mình đi xuống, có phần chệch nhịp với thế giới, cũng do dịch bệnh.
Từ những tác động đa chiều đó nên chúng ta cần có gói kích thích hỗ trợ, chờ đợi gói đủ mạnh, dù Chính phủ đã hành động và đã có các gói thời gian qua nhưng so với nước ngoài là không nhiều, chưa đủ lớn.
Vậy theo ông quy mô gói kích thích đó phụ thuộc vào các yếu tố nào và những điểm gì cần chú ý?
Nó phụ thuộc vào tiềm lực kinh tế của các quốc gia. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chia sẻ chưa bao giờ Việt Nam có tiềm lực, cơ đồ, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay. Đúng như vậy, vì quy mô kinh tế Việt Nam hiện là 360 tỷ USD, nằm trong top 40 quốc gia hàng đầu có quy mô lớn nhất thế giới, dân số đứng thứ 15. Chúng ta đã mở rộng quan hệ đối ngoại, ký kết nhiều FTA, hiệp định song phương, tạo vị thế uy tín quốc tế nhiều.
Dư địa chính sách tiền tệ còn. Lạm phát mục tiêu 4%, hiện là dưới 2% như vậy có thể nới lỏng, có thể giảm lãi suất điều hành.PGS. TS. Trần Hoàng Ngân
Thứ hai là phụ thuộc không gian tài khóa, dư địa cho phép. Nợ công trần cho phép là 60% GDP, hiện giờ là 43,7% GDP. Như vậy còn dưa địa. Nhưng có một con số mà ít ai để ý, là tỷ lệ an toàn nợ công, chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ/tổng thu ngân sách phải dưới 25%.
Ví dụ nhà mình 10 tỷ đồng, hiện đã vay 6 tỷ đồng, tức xét dưa địa còn có thể vay thêm, nhưng thu nhập khả năng trả hàng tháng như thế nào? Hiện tỷ lệ của Việt Nam là 24,8% là điều cần lưu ý, đã tiệm cận 25%.
Điều nữa là dư địa chính sách tiền tệ còn. Cụ thể lạm phát mục tiêu 4%, hiện là dưới 2% như vậy có thể nới lỏng, có thể giảm lãi suất điều hành.
Như vậy, không gian tài khóa, tiền tệ vẫn còn cho phép. Thêm nữa, dự trữ ngoại hối hiện trên 100 tỷ USD, chúng ta có thể can thiệp vào thị trường để giữ ổn định tỷ giá khi cần.
Trên hết còn một yếu tố nữa là khát vọng. Chúng ta có muốn nghèo hoài không? Câu trả lời là không. Chúng ta phải vươn lên, phải có khát vọng vươn lên.
Theo ông đâu là những điểm đến trọng tâm của gói kích thích?
Đầu tiên là phải làm cho doanh nghiệp yên tâm không còn giãn cách, không còn ngăn sông cấm chợ, nếu có F0 thì bóc tách để vẫn tiếp tục hoạt động. Cho một thông điệp để người dân dám bỏ tiền đầu tư, người nước ngoài dám đầu tư vào Việt Nam.
Như vậy, thứ nhất là ngành y tế. Phải dành một nguồn lực cho ngành y tế. Phải giải quyết bài toán vaccine, trang thiết bị, máy móc vật tư sinh phẩm. Yếu tố nữa là con người, nhân lực ngành y tế; phải có chính sách đãi ngộ với ngành y tế về thu nhập, đãi ngộ, tuyển dụng.
Thứ hai là an sinh xã hội. Dịch bệnh hai năm tác động nhiều mặt đời sống, đặc biệt ảnh hưởng tới công tác giảm nghèo. Hộ nghèo, cận nghèo có xu hướng tăng, nên phải có chính sách hỗ trợ. Nhưng nổi lên nữa là hộ có người thân mất vì COVID cần quan tâm; nỗi đau của trẻ em mồ côi, các em 18 tuổi trở lên, nhất là sinh viên đại học có cha mẹ mất thì rất sốc và có thể đứt gãy giữa đường… Và an sinh xã hội còn cần quan tâm người lao động thất nghiệp, chưa bao giờ số lượng này tăng cao như vậy.
Thứ ba là về doanh nghiệp. Chỉ có ít doanh nghiệp nắm được, tận dụng được cơ hội nhờ có ứng dụng công nghệ cao, đã phát triển được thương mại điện tử, giao dịch từ xa, làm việc tại nhà. Những doanh nghiệp này thích ứng nhanh, chuẩn bị tốt như ngành công nghệ, ngân hàng, tài chính, chứng khoán, y tế... Nhưng con số này chỉ khoảng 10- 20%, 80% còn lại vẫn vất vả hai năm qua.
Cho nên các doanh nghiệp cần có gói hỗ trợ. Chia làm nhiều gói hỗ trợ trực tiếp, những gì cần nộp cho ngưng lại, hoãn, giãn, giảm. Doanh nghiệp phục hồi cần vay vốn, mở rộng, cần giúp họ hỗ trợ lãi suất. Đại đa số quan điểm chung là hỗ trợ 2% trên dư nợ vay mới, kéo dài khoảng 2 năm.
Những doanh nghiệp nào được vay thì có cơ hội phục hồi, không vay được thì không phục hồi nổi. Với doanh nghiệp không vay được thì cho giãn, hoãn; doanh nghiệp muốn vay nhưng không đủ điều kiện vay thì phải bảo lãnh.
Doanh nghiệp nước ngoài cần nguồn nhân lực chất lượng cao, chúng ta phải hỗ trợ tái đào tạo đội ngũ lao động phục vụ dự án thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, khai thác cho được thị trường trong nước 100 triệu dân.
Đồng thời, làm sao có quỹ đất để cho doanh nghiệp sản xuất tập trung, có khu đất dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Với khu công nghệ cao chủ yếu doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp lớn còn doanh nghiệp nhỏ và vừa thường thấy đất ở đâu giá rẻ thì làm, nhưng như vậy sẽ tác động tới môi trường.
Thứ tư là đầu tư công. Đầu tư công mang nhiều nhiệm vụ, thực hiện các dự án lớn mang tầm quốc gia, có ảnh hưởng rộng, hiệu quả xã hội hơn là hiệu quả kinh tế, nên cần tăng đầu tư công. Quốc hội đã có quyết định vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 là 2,8 triệu tỷ đồng, bình quân mỗi năm khoảng 550.000 tỷ đồng. Nhưng bây giờ là gói tăng thêm.
Như vậy đầu tư công là trọng tâm và có gói tăng thêm, nhưng điểm đến cần như thế nào thưa ông?
Hiện nay đại đa số ủng hộ tăng cho đầu tư tuyến giao thông, cụ thể là 12 tuyến cao tốc và là hợp lý.
Như đề cập ở trên, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ đã cao, 24,8%/tổng thu ngân sách. Như vậy nếu nâng được tổng thu thì tỷ lệ này sẽ giảm. Vậy phải tính đầu tư công tăng thêm cho chỗ nào có khả năng làm tăng tổng thu ngân sách. Hai khu vực quan trọng nhất là Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Hồng, hai khu này quyết định 80% tổng thu ngân sách. Phải tăng đầu tư công cho hai khu vực này, cho những động lực tăng trưởng.
Trong đầu tư công, nếu còn nguồn thì giải quyết bài toán về đầu tư xã hội, về nhà ở. Hiện nhà ở để cho ngân sách địa phương lo. Theo quan điểm của tôi, hiện nay nên đầu tư nhà ở dưới dạng ký túc xá cho công nhân. Làm ký túc xá cho công nhân dễ hơn, họ chỉ trả tiền thuê giống như thuê trọ nhưng cuộc sống tốt hơn, điều kiện tốt hơn, giải quyết vấn đề vệ sinh, trật tự, đảm bảo phòng chống dịch. Tôi ủng hộ làm ký túc xá hơn là làm nhà bán cho công nhân, tiền đâu họ mua, có thể bán không đúng đối tượng nên nhà ở vừa qua thất bại vì vượt quá sức chi trả của người lao động.
Ngoài ra, có một giải pháp phi tiền tệ, đó là về thể chế, tháo gỡ các điểm nghẽn về luật pháp, xung đột hệ thống luật. Cuộc họp chuyên đề của Quốc hội lần này dành thời gian ban hành luật sửa 8 luật như Luật Đấu thầu, Xây dựng, Đầu tư công… Khi tháo được thì các dự án bị vướng sẽ chạy.
Nếu có thêm nguồn lực thì tăng đầu tư, tái thiết và thúc đẩy lại quá trình thì nền kinh tế sẽ đi nhanh hơn. Ví dụ đầu tư thêm cho hạ tầng số, chuyển đổi số, hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp muốn làm nhưng không biết làm sao thì phải hỗ trợ. Doanh nghiệp ứng dụng được chuyển đổi số thì giảm được chi phí. Để chuyển đổi số được là phải có tiền, có tư vấn, những điều này Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ.
Xin trân trọng cám ơn ông về cuộc trao đổi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận