Phải đẩy nhanh tiến độ sân bay Long Thành
Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị đẩy nhanh tiến độ xây dựng sân bay Long Thành để giải quyết tình trạng quá tải cũng như tạo tiền đề phát triển đất nước
Ngày 12-11, Quốc hội (QH) thảo luận tại Hội trường về Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) giai đoạn 1.
Phải là vốn quý cho thế hệ sau
Sân bay Long Thành được QH quyết định chủ trương đầu tư từ năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, ĐB Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) đánh giá là quá chậm. Theo ông, cử tri đặt nhiều hy vọng vào dự án này, bởi nó không chỉ bổ sung cấp thiết cho hệ thống hạ tầng hàng không mà còn là lời khẳng định doanh nghiệp (DN) Việt Nam có khả năng thực hiện dự án tầm cỡ quốc tế, đánh dấu bước chuyển mình về kinh tế - xã hội của đất nước sau 30 năm đổi mới, là tiền đề cho sự phát triển.
Đồng quan điểm, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho rằng dự án này sẽ tạo động lực cho Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình. Nhưng nếu làm không tốt, nó sẽ đè nặng lên đôi cánh phát triển của đất nước như một số dự án "trùm mền, đắp chiếu" hiện tại.
Vì vậy, dự án này, theo ông Trương Trọng Nghĩa, phải bảo đảm 4 tiêu chí: Hiệu quả kinh tế, ổn định xã hội, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và trình độ công nghệ. "Dự án này phải là một phần thưởng quý báu, không thể là một di sản "bỏ thì thương, vương thì tội" trên vai các thế hệ mai sau" - ĐB Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Nêu thực trạng quá tải ở sân bay Tân Sơn Nhất, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM) đề nghị triển khai nhanh dự án sân bay Long Thành để vừa bảo đảm phục vụ khách du lịch, vừa phục vụ đi lại của người dân và nhất là bảo đảm an toàn bay. Theo ông, nếu làm nhanh thì 6 năm nữa, giai đoạn 1 sân bay Long Thành mới được đưa vào khai thác với công suất 25 triệu hành khách/năm.
"Nhưng trong 6 năm đó thì ở khu vực Đông Nam Bộ nói chung và TP HCM nói riêng sẽ quá tải. Tôi rất lo khi đi mà máy bay phải bay vòng vòng trước khi đáp. Đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phải đẩy nhanh tiến độ dự án này và mở rộng khai thác có hiệu quả sân bay Tân Sơn Nhất" - ĐB Trần Hoàng Ngân nói.
Nên giao cho ACV hay tư nhân?
ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đề nghị làm rõ khả năng huy động vốn của dự án cũng như tác động đến trần nợ công đối với các khoản vay yêu cầu Chính phủ phải bảo lãnh. Theo hồ sơ dự án, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) có năng lực tài chính lành mạnh, có nguồn thu sẵn của 21 cảng hàng không để bù đắp thiếu hụt dòng tiền. "Nhưng hiện chỉ có 8/21 cảng hàng không nội địa có thu đủ chi và có lãi, đồng nghĩa với việc 13/21 cảng hàng không còn lại vẫn phải bù lỗ và chưa thể đóng góp nguồn vốn cho ACV trong tương lai gần" - ông Thành lo ngại.
ĐB Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cho rằng ACV là DN cổ phần có 95% vốn của nhà nước. "ACV phải vay vốn để triển khai dự án. Nếu quá trình thực hiện có vấn đề thì có làm tăng nợ công không?" - ông đặt vấn đề.
Về đề xuất giao cho ACV làm chủ đầu tư, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho biết sẽ tiết kiệm được khoảng 1,5 năm - giai đoạn chọn nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong toàn bộ quá trình đầu tư chưa chắc đã rút ngắn thời gian so với chủ đầu tư là tư nhân vì ACV là DN cổ phần nhưng nhà nước nắm cổ phần chi phối. Vì vậy, về nguyên tắc, bất kể một hạng mục công trình nào, quá trình triển khai đều phải thông qua đấu thầu - điều mà nhà đầu tư tư nhân không phải làm.
"DN tư nhân là tập đoàn Sun Group có thể xây dựng sân bay Vân Đồn chỉ mất 2 năm nhờ không phải thực hiện các thủ tục hành chính về đấu thầu như đầu tư công" - ĐB Hoàng Văn Cường dẫn chứng.
Ngoài ra, việc giao cho ACV làm chủ đầu tư, theo ĐB Hoàng Văn Cường, chưa chắc là phương án huy động vốn tốt nhất. Bởi ACV chỉ bảo đảm được 1/3 số vốn, 2/3 còn lại vẫn phải đi huy động từ các tổ chức tài chính quốc tế. "Dù nhà nước không phải đứng ra bảo lãnh nhưng nếu xảy ra rủi ro thì nhà nước vẫn phải gánh" - ông nhận định.
Nêu kinh nghiệm từ "12 đại dự án thua lỗ" khi cho các DN nhà nước đầu tư dự án có tính chất kinh doanh, ông Hoàng Văn Cường cảnh báo: "Nếu chúng ta tiếp tục thực hiện cơ chế đó, liệu lịch sử có lặp lại hay không?". Vì vậy, ông đề nghị Chính phủ kêu gọi các tập đoàn tư nhân có năng lực cùng ngồi lại với nhau và ACV là hạt nhân để liên kết thành một tổ hợp đầu tư - mô hình khá phổ biến trên thế giới.
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng đối với sân bay Long Thành, "không được phép lùi mà cũng không thể lùi được nữa". "Sun Group làm được sân bay Vân Đồn, tại sao ACV không làm được hơn Sun Group khi có nguồn lực cùng sự chỉ đạo của QH và Chính phủ? Làm với tinh thần quyết tâm thì sẽ được" - ông quả quyết.
Hôm nay (13-11), QH dành cả ngày để thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018.
Không sân bay nào hiệu quả bằng Long Thành?
Phát biểu tiếp thu ý kiến ĐBQH, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng không có sân bay nào có hiệu quả tốt như sân bay Long Thành, nhất là giai đoạn 1 và giai đoạn 2. Bởi khi hoàn thành, nó có thể điều tiết tăng lưu lượng hành khách 20 - 25 triệu người/năm. Trong khi đó, sân bay Vân Đồn hay Cần Thơ, khoảng 10 năm mới được 1 triệu hành khách/năm.
Về tiến độ, sau khi chọn được nhà đầu tư sẽ nỗ lực khởi công trong năm 2021. Về chất lượng công trình, Bộ trưởng GTVT cam kết sẽ thuê các chuyên gia, tổ chức quốc tế hỗ trợ ACV và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để bảo đảm chất lượng công trình.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận