Phải cầm xe máy để trang trải, môi giới bất động sản quyết bám nghề
Bỏ việc để làm môi giới bất động sản, nhiều người trẻ “ôm mộng” có thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi tháng. Trải qua năm 2021 cực kỳ khắc nghiệt với nghề, có lúc tưởng chừng như mất tất cả nhưng môi giới vẫn quyết tâm bám trụ.
30 triệu hoa hồng đầu tay
Kể về hành trình bước chân vào nghề môi giới bất động sản (BĐS), anh Lê Hải Nam (quê gốc Thái Bình) lại trầm ngâm suy nghĩ.
Anh Nam cho biết, năm 2017 khi tốt nghiệp ngành lý luận tại một trường đại học ở Hà Nội, không giống như những người bạn đại học khác anh lại lựa chọn làm nhân viên văn phòng. Tuy nhiên, với mức lương chỉ từ 10 triệu đồng/tháng, anh chỉ đủ sinh hoạt chi tiêu hàng ngày và thuê nhà, dù cố gắng tiết kiệm nhưng cũng không được bao nhiêu.
“Nếu làm đúng ngành, công việc của tôi sẽ làm trong nhà nước, nhưng tôi không muốn về quê xin việc mà muốn ở lại Hà Nội. Ở đây, trăm ngàn thứ phải dùng đến tiền trong khi đó lương nhân viên văn phòng lại thấp, gia đình tôi cũng không khá giả gì, thi thoảng tôi gửi một ít tiền để đỡ bố mẹ nuôi các em ăn học”, anh Nam kể.
Chưa hết, mỗi lần họp mặt cùng các bạn thời THPT, anh luôn cảm thấy bị “lép vế” khi đứng gần. Không chỉ vượt trội về thu nhập, bạn bè của Nam ngày nào giờ đã có tác phong tự tin, giao tiếp lưu loát và kiến thức về lĩnh vực nào cũng hiểu biết. Cùng đó, mỗi khi bạn của anh xuất hiện đều kèm những món đồ xa xỉ và xế hộp xịn.
Tất cả lý do trên càng làm anh chán nản với công việc 8 tiếng/ngày tại văn phòng mà thu nhập vẫn mãi không thay đổi. Sau hơn 2 năm gắn bó, đến đầu năm 2021, Nam xin nghỉ việc và đầu quân cho công ty môi giới bất động sản tại Hà Nội. Như bao người trẻ khác, anh luôn hy vọng công việc này sẽ cho anh cơ hội đổi đời.
Kém may mắn hơn những môi giới khác, vừa bước chân vào nghề, Nam phải chịu tác động liên tiếp bởi các đợt dịch bệnh COVID-19 khác nhau khiến anh quay cuồng xoay xở.
“Sau gần 4 tháng theo nghề, cùng sự trợ giúp của các đồng nghiệp tôi cũng có giao dịch đầu tiên. Nhận tiền hoa hồng 30 triệu đồng trên tay, tôi nghĩ từ đây cuộc sống sẽ tốt hơn".
Cầm cố xe máy để trang trải cuộc sống
"Cũng biết thu nhập của môi giới chỉ đến từ tiền hoa hồng, nên số tiền này tôi dùng để trả những khoản vay trang trải khi chưa có giao dịch. Chưa vui mừng được bao lâu thì liên tiếp là các đợt dịch bệnh, môi giới phải nghỉ làm, không có thu nhập nhưng tiền chi phí thuê nhà và sinh hoạt thì vẫn nhiều như thế”, anh Nam kể lại.
Trong thời gian dịch bệnh khó khăn, không có thu nhập, anh Nam phải cầm cố phương tiện đi lại duy nhất là chiếc xe máy bố mẹ mua cho từ khi còn học Đại học năm thứ 4 để lấy tiền trang trải.
“Dịch bệnh tất cả mọi người đều khó khăn như nhau, nên tôi đành phải cầm cố để lấy tiền chi phí, tôi cũng không dám nói cho bố mẹ biết. Do bạn cùng phòng trọ của tôi được làm việc online trong thời gian dài nên mỗi khi cần đi lại tôi mượn tạm để đi”, anh Nam cho biết.
Anh Nam khoe, sau giãn cách, anh cũng có thêm những giao dịch và mới đây anh có 2 giao dịch nữa, từ khoản hoa hồng này cũng giúp anh bớt khó khăn trong thời gian tới và có tiền để mua sắm Tết cho gia đình.
Trong khi đó, chị Hà Phương – một môi giới BĐS khá lâu năm ở Hà Nội chia sẻ rằng, những người mới bước chân vào nghề sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất, bởi thu nhập không có và cũng không có khoản tiết kiệm nào lớn để sử dụng.
Dù có nhiều năm kinh nghiệm và nằm trong trong nhóm người bị ảnh hưởng nặng bởi COVID-19 nhưng chị Phương vẫn quyết tâm bám trụ với nghề. Theo chị Phương, dịch bệnh là tác động bất ngờ nhưng sẽ có thể sớm đẩy lùi được khi đã tiêm đại trà vaccine. Còn nghề môi giới BĐS cho chị cơ hội tiếp xúc với những người có tiền, làm thay đổi tư duy và nhìn nhận về thị trường.
Nói về định hướng trong năm 2022, chị Phương khẳng định: “Tôi vẫn sẽ tiếp tục làm nghề môi giới BĐS, bởi theo dự đoán trong năm tới đầu tư công được đẩy mạnh, nhu cầu đầu tư ngày càng cao thì thời gian tới sẽ còn nhiều cơ hội để nghề này phát triển”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận