Pha rút lui của ông Trump có thể khiến thế giới đối mặt 'kỷ nguyên bất ổn mới': Nghìn tỷ USD ở đâu?
Trọng tâm của COP29 là tiền, rất nhiều tiền. Tuy nhiên, người đứng đầu nền kinh tế lớn nhất thế giới lại không mặn mà với biến đổi khí hậu.
Website chính thức của Liên Hợp Quốc cho biết, Hội nghị lần thứ 29 của các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra tại thủ đô Baku của Azerbaijan, từ ngày 11 đến ngày 22/11/2024.
Đây là cơ hội then chốt để đẩy nhanh hành động giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu khi các nhà khoa học cho biết, 2024 có thể là năm nóng nhất trong lịch sử. Khi nhiệt độ toàn cầu đạt mức cao kỷ lục và các sự kiện thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng đến mọi người trên toàn thế giới, COP29 sẽ tập hợp các nhà lãnh đạo từ các chính phủ, doanh nghiệp và xã hội dân sự để thúc đẩy các giải pháp cụ thể cho vấn đề toàn cầu của thời đại chúng ta.
Trọng tâm chính của COP29 sẽ là tài chính
Các quốc gia cần hàng nghìn tỷ đô la Mỹ để giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính và bảo vệ cuộc sống cũng như sinh kế khỏi những tác động ngày càng trầm trọng của biến đổi khí hậu.
Vậy nguồn tiền khổng lồ này đến từ đâu?
Oilprice đánh giá, phiên thứ 29 của Hội nghị các bên về Biến đổi khí hậu đã bắt đầu vào thứ Hai 11/11/2024 tại Azerbaijan. Giống như các phiên trước, trọng tâm chính đều là về tiền (tài chính khí hậu) - rất nhiều tiền.
COP29 đang diễn ra tại thủ đô Baku của Azerbaijan, từ ngày 11 đến ngày 22/11/2024. Ảnh: AP Photo/Rafiq Maqbool
Điều vẫn chưa rõ ràng là nguồn tiền sẽ đến từ đâu. Đó là bởi vì trong các kỳ COPs trước đây, người ta nói về hàng trăm tỷ đô la Mỹ, thì bây giờ COP29 đang ở trong phạm vi nghìn tỷ đô la Mỹ.
Quay trở lại năm 2009, các thành viên có nền kinh tế phát triển của COP đã hứa sẽ trao cho các thành viên nghèo hơn 100 tỷ đô la Mỹ hàng năm để giúp họ trở nên xanh hơn và thân thiện hơn với khí hậu. Nhưng điều đó đã không diễn ra tốt đẹp.
Như Wood Mackenzie (nhà cung cấp dữ liệu và phân tích toàn cầu cho quá trình chuyển đổi năng lượng) đã lưu ý trong một bài đánh giá gần đây về tình hình tài chính với quá trình chuyển đổi, mục tiêu 100 tỷ đô la Mỹ hàng năm từ 2009 chỉ đạt được… vào năm 2022.
Nói cách khác, các quốc gia phát triển đã mất 13 năm để chi đủ 100 tỷ đô la nhằm trao tặng, cho vay hoặc đầu tư vào các quốc gia nghèo để giúp họ thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng của mình.
Bây giờ, mục tiêu mới là 1.000 tỷ đô la hàng năm vì quá trình chuyển đổi đang trở nên tốn kém hơn nhiều so với dự kiến ban đầu.
Chính thức thì nó được gọi là Mục tiêu lượng hóa tập thể mới (NCQG) về tài chính khí hậu. Mục tiêu là tài trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng của các quốc gia có lượng khí thải thấp hơn từ nguồn tiền do các quốc gia có lượng khí thải cao đưa ra vì lượng khí thải này là 'cái giá phải trả' cho mức sống cao hơn, hiện đại hơn của các quốc gia giàu có.
Đến đây xuất hiện một vấn đề. Một số quốc gia phát triển đang cạn kiệt tiền vì những nỗ lực chuyển đổi của họ.
Đức, Anh gặp khó. Động thái của ông Trump có thể mở ra 'kỷ nguyên bất ổn mới'
Đức là một ví dụ điển hình. Với một chính phủ tận tụy chuyển đổi từ hydrocarbon (than đá, dầu thô...), nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã chứng kiến kinh tế của mình chìm vào suy thoái do chi phí năng lượng quá cao.
Một lý do cho những chi phí quá cao này là giá khí đốt cao hơn sau khi ngừng nhập nguồn khí đốt giá rẻ của Nga. Lý do khác, ít được nói đến hơn nhiều, là sự hỗ trợ của nhà nước đối với tất cả các công nghệ chuyển đổi, ngay cả khi nó không tạo ra lợi nhuận. Chi phí hỗ trợ của nhà nước đó được chuyển cho người tiêu dùng cuối cùng - các hộ gia đình và doanh nghiệp Đức trả tiền cho một số loại điện đắt nhất ở châu Âu.
Đức đang cạn tiền nhanh đến mức dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ nước này vào đầu tháng 11/2024. Tuy nhiên, Đức không phải là trường hợp duy nhất.
Chính phủ mới của Vương quốc Anh do Thủ tướng Keir Starmer lãnh đạo đã đặt ra cho mình một số mục tiêu chuyển đổi đầy tham vọng - mục tiêu mới nhất trong số đó đã được ông Starmer công bố ngay tại COP29.
Mục tiêu là giảm 81% lượng khí thải so với mức năm 1990 vào năm 2035. Mục tiêu này là một sự điều chỉnh tăng so với mục tiêu trước đó, kêu gọi giảm 78% lượng khí thải vào năm 2035. Trong khi đó, hóa đơn tiền điện trong nước đang tăng vọt và tình trạng nghèo đói về năng lượng đang lan rộng.
Vì vậy, hai trong số những nước ủng hộ nhiệt thành nhất của NCQG đang gặp khó khăn về tài chính.
Tiếp đến là Mỹ. Mỹ, với tư cách là nền kinh tế lớn nhất thế giới, được các bên xem là động lực thực sự đằng sau các nỗ lực tài trợ khí hậu. Nhưng Mỹ vừa bầu một tổng thống mới, nói một cách nhẹ nhàng, không coi biến đổi khí hậu là ưu tiên số một.
Để toàn tâm "Cứu nước Mỹ", ông Trump tuyên bố sẽ rút khỏi Thỏa thuận Paris về khí hậu - Thỏa thuận này có mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu không quá 1,5 độ C so với mức trước thời kỳ công nghiệp. Ảnh: CBS NEWS
Ngày 11/11, sau khi Đài CBS NEWS (Mỹ) liên hệ với Văn phòng chuyển giao quyền lực của ông Trump, đã thông tin rằng: Khi các đại biểu từ gần 200 quốc gia tụ họp tại COP29 để giải quyết mối đe dọa của biến đổi khí hậu, họ đang phải đối mặt với một 'kỷ nguyên bất ổn mới' đối với các cam kết về khí hậu của Mỹ sau chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống của Donald Trump. Ông Trump đã nói rằng trong nhiệm kỳ thứ hai, ông sẽ lại rút khỏi Thỏa thuận Paris về Khí hậu.
Không có nền kinh tế lớn nhất thế giới đóng góp cho quỹ 1.000 tỷ đô la Mỹ cho tài chính khí hậu thì nguồn tiền đó sẽ lấy được ở đâu? Trong khi, theo các nhà phân tích của Wood Mackenzie, mục tiêu đầu tư hàng năm 1.000 tỷ đô la là không đủ, vì để có một kịch bản chuyển đổi phù hợp với mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu không quá 1,5 độ C so với mức trước thời kỳ công nghiệp thì cần tổng đầu tư là 78.000 tỷ đô la Mỹ vào năm 2050.
Mỹ mất khoảng 1 năm đề hoàn tất các thủ tục rút khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris; gánh nặng tài chính lên đến 78.000 tỷ đô la cho tài chính khí hậu (theo Wood Mackenzie) chỉ mới là 2 trong số những khó khăn quá lớn của NCQG.
Bởi Trung Quốc - một trong những nhà phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới - cùng 76 quốc gia đang phát triển khác TỪ CHỐI đóng góp tiền của họ vào mục tiêu cuối cùng của quá trình chuyển đổi.
Việc giải phóng khí dư thừa trong quá trình sản xuất dầu có thể chứa mê-tan và các chất ô nhiễm có hại khác cho khí quyển Trái đất. Ảnh: Reuters
Trong một bài báo từ một nhóm có tên là G77, các quốc gia lập luận rằng Mục tiêu NCQG chỉ nên đến từ các quốc gia giàu có và "không được bao gồm các nguồn lực trong nước của các quốc gia đang phát triển".
Trong khi đó, các quốc gia giàu có (ví dụ như Mỹ, Anh, Đức đã phân tích ở trên) đều có lý do của riêng mình, cho thấy việc tài trợ là rất khó khăn.
"Đây sẽ là cuộc đàm phán thách thức nhất kể từ Thỏa thuận Paris về khí hậu năm 2016, vì nó liên quan đến tiền bạc" - Bộ trưởng Môi trường và Khí hậu Ireland nói với FT về COP29.
"Có những cuộc tranh luận gay gắt về việc ai nên đóng góp và ai nên nhận tiền, cách báo cáo dòng tiền, vai trò của thị trường carbon và loại tài chính nào nên được tính vào các mục tiêu quốc tế" - Wood Mackenzie cho biết.
Khi các quốc gia đang đùn đẩy cho nhau thì Liên Hợp Quốc công bố báo cáo cho biết, nếu không có những biện pháp cắt giảm mạnh hơn trong vài năm tới, nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng hơn 3 độ C; đồng thời Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng kết quả như vậy "sẽ gây ra những tác động tàn phá đến con người, hành tinh và nền kinh tế".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận