Phá 'điểm nghẽn' trong giải ngân vốn đầu tư công
Nhằm đẩy mạnh kích cầu đầu tư, trong 6 tháng cuối năm 2022, thành phố Hà Nội dự kiến đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án ODA, dự án vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời gỡ khó cho dự án đầu tư ngoài ngân sách.
Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, tính đến ngày 30/6/2022, toàn thành phố giải ngân được 10.777 tỷ đồng, đạt 21,1% kế hoạch, cao hơn so với cùng kỳ năm 2021.
Tháo gỡ khó khăn
Phân chia theo ngành, lĩnh vực văn hóa đang có mức giải ngân cao nhất, với khoảng 50% kế hoạch. Tiếp đến là các lĩnh vực hạ tầng tái định cư, tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân. Một số lĩnh vực chỉ đạt một vài phần trăm như môi trường, hạ tầng kỹ thuật cấp, thoát nước…
Đối với kế hoạch giải ngân trên 30.000 tỷ đồng của các quận huyện, một số địa phương có kết quả giải ngân cao là Ba Đình, Long Biên, Tây Hồ, Đan Phượng. Số quận, huyện, thị xã có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cấp thành phố thấp là Thanh Trì, Hoàng Mai, Mê Linh, Ứng Hòa, Thường Tín, Thạch Thất.
Theo ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ giải ngân và thực hiện vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm trên địa bàn thành phố còn thấp là bởi trong quá trình triển khai thực hiện, nhiều dự án phát sinh hạng mục, chi phí vượt tổng mức đầu tư phải điều chỉnh chủ trương đầu tư nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và kết quả giải ngân của dự án.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc liên quan đến phê duyệt chỉ giới đường đỏ; phê duyệt, điều chỉnh giá đất bồi thường giải phóng mặt bằng; phê duyệt chủ trương đầu tư; thẩm định phê duyệt dự án lĩnh vực giao thông, xây dựng, nhà ở tái định cư…
Đơn cử như trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều công trình, dự án “bế tắc” giải phóng mặt bằng đã kéo tỷ lệ giải ngân đầu tư công của Sở NN&PTNT Hà Nội 6 tháng đầu năm chỉ đạt khoảng 3% kế hoạch. Trong đó, có thể kể đến dự án xây dựng Trạm bơm Yên Nghĩa ở quận Hà Đông.
Ở góc nhìn của địa phương, ông Nguyễn Huy Toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì, nhìn nhận việc chậm giải ngân thứ nhất là do trình tự thủ tục đầu tư. Thứ hai, là vấn đề giải phóng mặt bằng rất khó khăn liên quan đến giá đền bù. Không có dự án nào mà người dân đồng thuận 100% cả, dẫn đến bàn giao mặt bằng chậm, ảnh hưởng tiến độ giải ngân…
Đẩy nhanh tiến độ
Trước diễn biến từ thực tế, UBND thành phố Hà Nội cho biết sẽ khẩn trương rà soát, tổng hợp và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc triệt để, thực chất, từng bước khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Mới đây, phát biểu tại Hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành Đảng bộ thành phố khóa 17 (ngày 29/6), Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu, nêu cao kỷ luật, kỷ cương, tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện kế hoạch đầu tư công trên tất cả các ngành, lĩnh vực, các địa phương, các cấp quản lý.
Đồng thời, thành phố xác định kết quả giải ngân vốn đầu tư công là một tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của người đứng đầu và cán bộ, công chức liên quan.
Vì vậy, sở, ngành nào, ban quản lý dự án, địa phương, đơn vị nào để tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, được xác định do nguyên nhân chủ quan, do ý thức trách nhiệm kém thì nhất quyết phải cá thể hóa trách nhiệm cá nhân để xử lý nghiêm theo quy định.
Theo đó, trong 6 tháng cuối năm 2022, thành phố Hà Nội đặt nhiệm vụ thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư, đôn đốc quyết liệt tiến độ các công trình trọng điểm, các công trình thiết yếu.
Cụ thể, thành phố phát huy cao nhất hiệu quả 6 Tổ công tác của thành phố về giải ngân vốn đầu tư công; xác định đây là những nhiệm vụ trọng tâm, là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại cuối năm đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu.
Thành phố cũng tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, tháo gỡ khó khăn tối đa cho các dự án ODA, dự án vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư ngoài ngân sách nhằm đẩy mạnh kích cầu đầu tư…
Đáng chú ý, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, cần tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ giải ngân đầu tư công đảm bảo đạt mức cao nhất. Kiên quyết cắt giảm vốn của các dự án không giải ngân được, hoặc có tỷ lệ giải ngân thấp để bổ sung nguồn vốn chi trả nợ, thu hồi vốn ứng trước, các dự án có khả năng giải ngân tốt… để từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Để hoàn thành mục tiêu, thành phố cần tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, ủy quyền, kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư, chú trọng đến các công trình lớn, trọng điểm, có tính đột phá và giá trị lan tỏa cao.
Quản lý tài sản - Tư vấn danh mục: Diệp Linh
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận