PGS.TS Vũ Minh Khương: Việt Nam đang trong bối cảnh ‘không trỗi dậy là chết’
Sẽ không có hình mẫu nhất định nào để Việt Nam học hỏi trong bối cảnh hội nhập sâu như hiện nay. Việt Nam cần đặt mình trong tổng hoà của những nền kinh tế lớn mạnh trên thế giới như Mỹ, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với TheLEADER, PGS.TS Vũ Minh Khương, Đại học Quốc gia Singapore, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhìn nhận, nền kinh tế Việt Nam hiện đang đi đúng hướng chiến lược ở điểm nắm bắt được nền kinh tế thị trường, thúc đẩy kinh tế tư nhân và hội nhập rất mạnh mẽ.
Tuy nhiên, ông Khương cho rằng, dù Việt Nam đang đi đúng hướng nhưng câu chuyện khai thác hiệu quả nó và định vị mình như thế nào để thực sự thành một nền kinh tế cất cánh sẽ phụ thuộc rất lớn vào năng lực của người lái cũng như sự hỗ trợ từ người đứng đầu và giữa các bên liên quan với nhau.
"Cơ hội hợp tác quốc tế sẽ rất nhiều nhưng khả năng khai thác và tạo nên thành quả còn hạn chế, đó là một điều đáng lo ngại", ông Khương nhìn nhận.
Đối với câu chuyện chuyển đổi số đang được bàn thảo nhiều trên các diễn đàn nghị sự cả trong và ngoài nước, ông Khương cho rằng, chuyển đổi số không chỉ là thúc đẩy mọi người ứng dụng công nghệ số mà phải ở tầm quốc gia, tầm chiến lược.
Chuyển đổi số phải thúc đẩy vào các động lực chủ đạo đã đưa Việt Nam đến ngày hôm nay và có thể đưa Việt Nam cất cánh trong thời gian tới. TheLEADER đã có cuộc trao đổi ngắn với PGS.TS Vũ Minh Khương xung quanh chủ đề này.
Từ góc nhìn của ông, đâu là những động lực chủ đạo của Việt Nam?
Bên cạnh đó, cần lưu ý phải dùng công nghệ số để giảm bớt, triệt tiêu những lực cản trong 30 năm qua như tham nhũng, thiếu minh bạch, thiếu tính trách nhiệm, thiếu tính đồng bộ, phối hợp. Chuyển đổi số phải mang tầm chiến lược như vậy.
Khi Chính phủ làm gương, doanh nghiệp cũng sẽ đầu tư vào các động lực để đưa họ đến ngày hôm nay. Phải nói rằng, Việt Nam đã bước được những bước ngoạn mục nhưng để đi xa hơn nữa thì phải nhân bội phần lên các động lực và triệt giảm những cản trở, kể cả những bàn tay vô hình về văn hoá, thiếu tính đồng đội, chữ tín…
Cần khai mở tầm nhìn mang tính toàn cầu. Sức mạnh sắp tới của Việt Nam là sức mạnh gắn kết với thế giới bởi đang đứng ở một bối cảnh ‘không trỗi dậy là chết’, phải sử dụng đòn bẩy là tính tổn thương rất cao để thúc đẩy mọi người cùng trỗi dậy phát triển.
Như vậy, có thể nói chuyển đổi số sẽ là yếu tố chính thúc đẩy Việt Nam cất cánh trọng thời gian tới?
Anh không chết ngay nếu anh không ứng dụng công nghệ số. Anh chỉ chậm dần đi, sẽ lùi lại và trở thành một sản phẩm của quá khứ, trở nên cũ kỹ. Ngược lại, nếu biết nắm bắt thì sẽ vượt được lên, tạo nên những bước ngoặt.
Ông có lưu ý gì trong công cuộc chuyển đổi số này?
Phải số hoá về tư duy, xem lại quá trình sản xuất ở một cái nhìn lớn hơn, phải tư duy là sẽ mạnh mẽ hơn trong tương lai chứ không đơn thuần giải quyết những khó khăn hoặc tạo lợi nhuận nhất thời. Suy nghĩ phải dài hạn, nhiều khi cần phải đầu tư một khoản chi phí rất lớn cho tương lai.
Trong ứng dụng công nghệ thông tin, một mặt cần mang lại lợi ích, giảm chi phí. Nhưng bên cạnh đó, phải có một niềm tin là tương lai tất yếu sẽ phải ứng dụng công nghệ thông tin. Cái này chúng ta đang làm và làm khá tốt.
Ứng dụng công nghệ để mọi việc thông thoáng, minh bạch, tôi nhấn mạnh mô hình SMART.
Chữ S (strategy) là chiến lược, mục tiêu, nắm rõ được tỷ lệ bao nhiêu phần trăm sử dụng điện toán đám mây, ứng dụng công nghệ quản lý hiện đại, tiến tới sản xuất thông minh. Phải có các mục tiêu rõ ràng!
Chữ M (monitoring) là giám sát xem 3 năm, 5 năm hay 10 năm tới sẽ đi đến đâu, Việt Nam sẽ thuộc đẳng cấp nào ở châu Á, đẳng cấp nào so với thế giới.
Chữ A (acquisition) là cố gắng nắm bắt công nghệ thông tin, các loại công nghệ, bí quyết công nghệ, nắm bắt xu hướng. Một trong những điều quan trọng bậc nhất của chuyển đổi số là phải tư duy, suy nghĩ lại đặc biệt về chiến lược bởi có rất nhiều thứ khi đặt vào bối cảnh chuyển đổi số sẽ chỉ còn là sản phẩm của quá khứ, chỉ còn là di sản.
Chữ T (team) là sự gắn kết doanh nghiệp - nhà nước - người dân. Việt Nam đã bước vào công cuộc chuyển đổi số nhưng tốc độ như thế nào, hiệu quả ra sao còn tuỳ thuộc rất nhiều vào sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan Nhà nước. Tôi hy vọng trong thời gian tới, chúng ta sẽ làm nên những điều ý nghĩa.
Một chuyên gia người Hàn Quốc từng cho rằng, muốn phát triển đất nước sẽ rất cần đến những người tài đang học tập và làm việc ở nước ngoài quay trở về. Theo ông, đó có phải là lực lượng chúng ta cần tập trung?
H (hope) là hy vọng: Nếu chính anh không có hy vọng thì sẽ chẳng có ai từ bên ngoài giúp được anh.
O (opportunity) là cơ hội: Chính những người trong cuộc tạo ra được các cơ hội thì người từ bên ngoài mới có thứ để nắm bắt.
M (memory) là những ký ức tốt đẹp: Nếu những người bên trong, người trong cuộc cảm thấy mình vô vị hoặc chưa được tưởng thưởng thì tổ chức đó cũng sẽ không gọi được nguồn lực từ bên ngoài, thậm chí những người trong cuộc đó có khi còn tìm cách trở thành người ngoài.
E (engagement) là phải có gắn kết với nhau, giữa lãnh đạo và người dân, giữa những người ở trong và ngoài nước.
Ngay cả bây giờ câu chuyện thu hút nhân tài cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, tôi định nghĩa nhân tài là phải tạo ra giá trị khi đặt trong bối cảnh cụ thể, tài đến đâu là do tạo được giá trị lớn đến đó. Như ông Park Hang Seo về huấn luyện đội tuyển bóng đá Việt Nam đã tạo ra những giá trị rất lớn. Nếu chỉ có lý lịch và bằng cấp trước đây thì tài năng của ông ấy cũng chỉ ở mức trung bình.
Tài năng là khả năng cống hiến, vì vậy, các tổ chức hiện có là điều quan trọng. Họ cần có khả năng tiếp nhận con người để biến người đó thành người tài, có khả năng đóng góp lớn.
Nhiều bạn trẻ được đào tạo và làm việc trong nước thường tư duy là phải đi du học, phải ra nước ngoài thì mới giỏi lên được, mới có cơ hội phát triển. Ông suy nghĩ như thế nào về thực trạng này và có lời khuyên gì cho lớp trẻ Việt để giúp họ thoát khỏi được bẫy tư duy của mình, để bung toả và phát triển?
Năng lực, tiềm năng đương nhiên ai cũng có nhưng bung toả thế nào, biến năng lực và tiềm năng thành kết quả thực tế mới là quan trọng. Tôi hay nói đến 3 chữ P có thể giúp họ đi xa, có thể tự giải phóng năng lượng của chính mình. Bản thân tôi cũng đã từng trải qua những giai đoạn như thế.
Thứ nhất là purpose - mục tiêu: Nếu khát khao và có mục tiêu tốt đẹp không chỉ cho chính bản thân mình mà cho xã hội, cho đất nước thì những người khác sẽ giúp bạn. Đây là một nguồn năng lượng vô tận.
Chữ P thứ hai là proactive - chủ động: Phải chủ động gắn kết với thế giới, với bên ngoài. Nếu chỉ có khát vọng nhưng theo kiểu "ếch ngồi đáy giếng" thì không đi được xa. Nhờ chủ động, các bạn sẽ tìm ra người hỗ trợ, giúp đỡ.
Thứ ba là positioning: Phải biết mình là ai và làm được gì, nên làm gì. Đừng có thấy người ta đi khởi nghiệp mình cũng khởi nghiệp, người ta bán hàng mình cũng bán hàng. Mỗi người sẽ có một điểm mạnh riêng, độc đáo riêng, phải định vị chiến lược.
Nói đến định vị chiến lược, theo ông Việt Nam có nên xem một quốc gia nào đó là hình mẫu để học hỏi, ganh đua hay không? Hay Việt Nam nên đi một con đường riêng của mình, theo một kiểu rất Việt Nam?
Việt Nam có thể học hỏi Hàn Quốc về tính khát vọng, tinh thần cạnh tranh, ganh đua, lúc nào cũng muốn theo kịp thậm chí vượt lên người đứng cạnh mình. Hàn Quốc mà một ngày còn thua Nhật Bản thì họ sẽ không ngủ được.
Về khả năng tổ chức, xây dựng một chính phủ ưu tú đứng đầu trong dòng chảy thời đại thì phải học Singapore.
Còn về tôn trọng những giá trị căn bản của công cuộc phát triển thì nên học Mỹ, vì nó tạo ra các nền tảng sáng tạo, mãi mãi tạo nên một quá trình nội sinh không cứng nhắc.
Xin cảm ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận