PGS TS Trần Hoàng Ngân: 'Kinh tế TP HCM đang phục hồi'
Đến hôm nay (13/12), nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất tại TP HCM đã khôi phục hoạt động 98% với 328.000 lao động làm việc.
Thông tin trên được PGS. TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM nêu tại toạ đàm: "Sản xuất an toàn trong đại dịch", sáng 13/12.
Theo ông Ngân, sau khi thành phố phủ xong vaccine, kiểm soát được dịch Covid-19 và chuyển sang thích ứng an toàn linh hoạt, hiện đã có 88 dự án trong khu công nghệ cao với khoảng 48.000 lao động khôi phục 100% hoạt động.
Trong khi đó, có 1.408/1.412 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất cũng hoạt động với trên 280.000 lao động, chỉ còn 4 doanh nghiệp vẫn tạm ngừng. Điều này cho thấy, thành phố đã bắt nhịp và đang phục hồi kinh tế.
"Kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục tăng cao sau khi TP HCM mở cửa. Các doanh nghiệp đã bắt đầu hoạt động trở lại để thực hiện nhanh những đơn hàng từ khu vực Mỹ, châu Âu và các nước cho mùa đông và giáng sinh", ông Ngân nói.
Ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM cũng cho rằng, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh sản xuất và thích ứng an toàn sau đại dịch. "Đợt dịch này buộc các doanh nghiệp phải tái cấu trúc và rút ra bài học lớn là sắp xếp lại quy trình làm việc, làm việc trực tuyến và trực tiếp", ông nhìn nhận.
Đợt dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề lên nền kinh tế, nhưng theo các chuyên gia, qua đó cũng giúp sàng lọc cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất. Sau những mất mát, doanh nghiệp trở lại vững vàng và mạnh mẽ hơn.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất an toàn trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, Phó cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) Lương Mai Anh cho rằng, theo Nghị quyết 128 của Chính phủ cũng như Quyết định 4800 của Bộ Y tế, thành phố đã có các hướng dẫn kịp thời từ đầu tháng 11 về các phương án phòng chống dịch tại các cơ sở sản xuất kinh doanh cũng như doanh nghiệp.
Trước mắt, theo bà Anh, doanh nghiệp phải có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế cũng như chính quyền địa phương để chủ động xử lý tình huống mỗi khi có ca mắc mới.
Thứ 2 là doanh nghiệp phải tổ chức diễn tập và tuyên truyền cho người lao động về các biện pháp phòng chống dịch; xây dựng quy trình để người lao động tuân thủ.
Cuối cùng là vai trò và năng lực của cán bộ y tế tại doanh nghiệp cần được tăng cường, tránh việc giấu bệnh và gây lây lan cho doanh nghiệp và cộng đồng.
Chính quyền địa phương cũng cần có những tổ tư vấn cho doanh nghiệp trong phòng chống dịch bệnh và kiểm tra, giám sát thực tế để có chế tài xử phạt nghiêm.
Ngoài ra, ông Trần Việt Anh cho rằng, TP HCM cần nhanh chóng thông qua chủ trương đưa vào hoạt động các bệnh viện dã chiến ở các khu công nghiệp. Bởi người lao động ở những nơi này khi bị F0 thì tâm lý rất sợ hãi, hoang mang nếu phải tới các bệnh viện dã chiến ở xa nơi làm việc và nơi ở của họ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận