PGS.TS. Trần Đình Thiên: Khôi phục du lịch không phải là vấn đề riêng của ngành
PGS. TS. Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhìn nhận, việc "cứu" ngành du lịch không phải là vấn đề riêng của ngành. Chúng ta hoàn toàn có quyền yêu cầu giáo dục lùi thời gian học trở lại.
Đây là một trong những đề xuất, kiến nghị tại Hội nghị "Giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và Phục hồi du lịch quốc tế hậu Covid-19" do Tổng cục Du lịch phối hợp cùng Ban IV và Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) tổ chức chiều 21/5.
Theo ông Trần Đình Thiên, Nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, du lịch được coi là ngành mũi nhọn. Tuy nhiên, thay vì cứu ngành du lịch cũ, chúng ta phải làm mới ngành du lịch của Việt Nam.
"Nên đưa ra một khuôn khổ về chiến lược phát triển của ngành, phục hồi ngành du lịch là khởi đầu cho ngành kinh tế khác", ông Thiên nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Thiên cũng đề nghị "cứu" ngành du lịch không phải là vấn đề riêng của ngành. "Chúng ta hoàn toàn có quyền yêu cầu giáo dục lùi thời gian học trở lại. Chúng ta không bàn chuyện nghỉ học lâu thế là đúng hay sai nhưng tôi nghĩ nên kéo dài kỳ nghỉ hè để kích cầu du lịch", ông Thiên nói.
Quan điểm này nhận được sự đồng tình của nhiều doanh nghiệp, điển hình như Vietravel, VietJet Air, Vingroup hay Sungroup,...
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng giám đốc Vietravel khẳng định cần cấu trúc lại ngành, có cách tiếp cận khác để hồi phục ngành du lịch.
"Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng chúng ta lại chưa chứng minh được vai trò của mình. Chúng ta chưa đưa ra được chỉ tiêu, con số cụ thể để tạo được điểm nhấn, sự thu hút nhất định", ông nói. Đại diện Vietravel cho rằng cần tiếp cận du lịch một cách tổng hợp.
Về việc cấu trúc lại ngành, theo ông, Bộ nên suy tính để thay đổi vì cấu trúc cũ lẻ tẻ, không có liên kết, kết nối doanh nghiệp kém. Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng nên kết hợp với bộ Giáo dục & Đào tạo.
Thời điểm tốt cấu trúc lại thị trường du lịch
Đề cập đến việc phối hợp với ngành giáo dục, Ông Lê Khắc Hiệp, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup cho rằng, cần tạo không gian thời gian tốt hơn cho các gia đình đi du lịch, như kéo dài số ngày nghỉ của cán bộ công nhân viên trong một tuần mà không thay đổi tổng thời gian làm việc.
Ngoài ra, ông Hiệp cũng nhấn mạnh trong giai đoạn hàng không, du lịch thiệt hại nặng nề, chúng ta nên cùng suy nghĩ làm sao thay đổi ngành du lịch tốt hơn, xem kết quả bằng được bao nhiêu phần trăm so với năm ngoái.
"Hãy cố gắng thay đổi nhiều nhất có thể, dù có thể không bằng năm ngoái nhưng sẽ tạo đà để phát triển trong tương lai", ông Hiệp nói. Về mặt chính sách, ông Hiệp cho rằng, nhà nước cần có những chính sách như cho các công ty du lịch giãn thuế dài hơn - không phải xin miễn thuế mà là giãn thuế.
Ông Đinh Việt Phương – Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Hàng không VietJet cũng kiến nghị cần phải thay đổi thời gian nghỉ hè cho học sinh vì đợt Tết và hè là hai thời điểm quan trọng nhất của ngành hàng không.
"Nếu căn cứ vào lịch, thời gian hè cho các cháu rất ít, chúng ta nên có giải pháp nghỉ hè cho học sinh. Bên cạnh đó ngành hàng không đều mong muốn Chính phủ miễn, giảm thuế, cụ thể là thuế nhập khẩu, môi trường, cùng với giá nhiên liệu hiện nay rất thấp sẽ giúp chúng tôi có cơ hội đưa ra giá vé thấp", ông Phương nói.
Chia sẻ với những ý kiến các doanh nghiệp, PGS.TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh, cần có chiến lược cụ thể, không chỉ xoay quanh việc hạ giá, đây là dịp để tái cấu trúc của nền du lịch. Việc thay đổi thị trường du lịch phải bắt đầu từ lúc này.
Đồng thời, nên tập trung, hỗ trợ cho những doanh nghiệp lớn, có khả năng sống sót cao vì đây là tình huống khẩn cấp. "Chúng ta nên ưu tiên ngành du lịch, đặc biệt là hàng không. Bởi khi dịch bùng phát, toàn ngành du lịch, trong đó có hàng không "nằm xuống đầu tiên". Thời điểm này là dịp tốt để làm mới toàn ngành du lịch cũng như giáo dục", ông Thiên nhìn nhận.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận