PGS. TS Phạm Tất Thắng: 500 tỷ USD - con số ấn tượng và đáng tự hào
Tính đến hết tháng 11/2019, cả nước đạt kim ngạch xuất nhập khẩu hơn 472 tỷ USD. Đáng chú ý, bình quân kim ngạch xuất nhập khẩu mỗi tháng đạt 43 tỷ USD.
Sau hơn 11 tháng, cả nước xuất siêu hơn 9 tỷ USD, cao hơn so với cùng kỳ năm 2018 hơn 1 tỷ USD. Số lượng các mặt hàng trị giá tỉ USD cũng gia tăng nhanh, nếu năm 2010 chỉ có 20 mặt hàng cán mốc xuất khẩu trên 1 tỷ USD, năm 2015 con số này là 23.
PGS. TS Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp của Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương).
Nhưng chưa hết năm 2019, đã có tới 31 mặt hàng xuất khẩu trị giá tỉ USD. Đặc biệt, số lượng mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD không còn là hàng công nghiệp, mà đã mở rộng sang các mặt hàng khác như nông sản, thủy sản… đây là nhóm có điều kiện gia tăng giá trị khó khăn hơn.
Một con số ấn tượng nữa, đó là các doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất nhập khẩu. Với mức tăng hơn 18%, cao gấp 5 lần so với tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI. Dự kiến, chỉ trong vài ngày tới, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ vượt mốc 500 tỷ USD.
Đánh giá nguyên nhân đưa đến kết quả này, PGS. TS Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp của Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) cho rằng, đó là do chúng ta đã quyết liệt cải cách thể chế, cương quyết xóa bỏ rào cản là những giấy phép con.
Vào đầu năm 2019, quan hệ cung cầu trên thị trường thế giới có nhiều diễn biến khó lường, như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, điều này khiến cho nhiều chuyên gia kinh tế e ngại đến tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam. Lo ngại này là chính đáng và có lý do, tuy nhiên dự báo tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ vượt mốc 500 tỷ USD trong vài ngày tới.
Theo tôi, đây là con số vô cùng ấn tượng và đáng khâm phục.
Đúng như vậy. Nguyên nhân đưa đến kết quả tuyệt vời này là do chúng ta đã quyết liệt cải cách thể chế, cương quyết bỏ rào cản là những giấy phép con… Từ đây đã tạo ra những động lực cho các doanh nghiệp. Mặc dù việc xóa bỏ giấy phép con vẫn chưa nhận nhiều sự hài lòng, nhưng không thể phủ nhận đây là động lực quan trọng nhất. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước cũng đã tự biết vươn lên.
Chúng ta đều nhìn thấy tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp FDI nhiều năm trước thường cao hơn doanh nghiệp trong nước.
Về mặt thị trường, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã phân chia thị trường tốt hơn, như châu Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… nên đã có sự tăng trưởng rất đáng kể.
Điều này thể hiện sự cố gắng và nhạy cảm của doanh nghiệp trong nước, khi Việt Nam đã ký kết và đàm phán 16 Hiệp định thương mại tự do, trong đó có 2 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đó là CPTPP và EVFTA.
Các hiệp định định thương mại này được ví như những con đường cao tốc nối nền kinh tế Việt Nam tới các thị trường giàu tiềm năng.
Với thị trường Trung Quốc, chúng ta cũng đã chú ý đàm phán để dần đưa hoạt động xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc bằng chính ngạch, như vậy sẽ mở ra hướng đi vững chắc cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Việt Nam đã có một giai đoạn dài nhập siêu, và mục tiêu của chúng ta đến năm 2020 là phải cân bằng cán cân thương mại. Nhưng thực tế suốt 3 năm qua, Việt Nam luôn xuất siêu. Điều này thể hiện, trong quan hệ thương mại chúng ta đã vượt kỳ vọng và mục tiêu đặt ra. Việc xuất siêu không chỉ diễn ra trong vòng 1 đến 2 tháng, mà được duy trì liên tục trong 3 năm.
Bên cạnh đó, mức độ xuất siêu ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu thì vẫn còn những điều đáng lo ngại khi xuất khẩu trong thời gian tới.
Về khách quan, xu hướng bảo hộ thị trường của các nước lớn vẫn gia tăng, căng thẳng thương mại cũng vẫn còn. Về chủ quan, một số sản phẩm có giá trị gia tăng cao chưa nhiều, còn thiếu thương hiệu hàng hóa tầm cỡ thế giới, rào cản xuất nhập khẩu dù đã được cải thiện nhưng vẫn cần cải thiện trong thời gian tới.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa biết sẽ biến đổi như thế nào, đây là ẩn số rất khó lường. Việc này sẽ ảnh hưởng đến quan hệ cung – cầu của thị trường thế giới. Và khi Việt Nam tham gia sâu hơn với cuộc chơi mang tính toàn cầu, thì ít nhiều cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Do đó, chúng ta cần phải tỉnh táo phân tích để tránh những bất lợi, cố gắng thu về cho mình những lợi ích từ xung đột thương mại giữa các quốc gia lớn. Đặc biệt, cần hết sức lưu ý đến giả danh xuất xứ hàng hóa Việt Nam để lẩn tránh thuế từ cuộc chiến thương mại của các nước lớn với nhau.
Gần đây, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều lô hàng giả mạo xuất xứ Việt Nam. Chúng ta cần phải có một thái độ cương quyết hơn nữa đối với tình trạng này, nếu không sẽ phải gánh chịu hậu quả vô cùng to lớn khi bị đánh thuế “chống lẩn tránh”.
-Xin cảm ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận