PGS.TS. Đồng Văn Quyền: Vaccine của Nga có thể không hiệu quả với người Việt
Vaccine Sputnik V sử dụng công nghệ nền Adenovirus - vốn từ loại virus khá phổ biến đối với người Đông Nam Á, trong đó có cả Việt Nam. Thậm chí, nhiều người đã có sẵn kháng thể chống lại Adenovirus, gây đáp ứng miễn dịch giả.
"Xét về góc độ khoa học, chúng ta cần phải nghiên cứu đầy đủ theo quy định nghiêm ngặt trong sản xuất vaccine, nhất là đối với vaccine cho dịch bệnh nguy hiểm như COVID-19" - PGS.TS. Đồng Văn Quyền nhận định.
Trước những hoài nghi của nhiều người trong giới chuyên môn về vaccine Sputnik V, VietTimes đã có cuộc trao đổi riêng với PGS.TS. Đồng Văn Quyền - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam - nhằm làm rõ hơn những "nút thắt" trong quá trình đưa vaccine vào ứng dụng.
Tiềm ẩn rủi ro
- Nhiều ý kiến cho rằng, Nga đã quá vội vàng khi “đốt cháy giai đoạn”, gấp rút đưa vaccine COVID-19 vào sản xuất. Theo ông, Nga có cơ sở nào để tự tin tuyên bố như vậy không?
Nga không phải nước duy nhất ứng dụng Adenovirus (Ad) để nghiên cứu tạo vaccine phòng COVID-19. Trong khi một số nước sử dụng một trong 2 typ Ad là Ad5 hoặc Ad26, Nga đã có cải tiến mới khi sử dụng kết hợp cả hai typ Ad này, biểu hiện protein S (spike) của virus SARS-CoV-2 để sản xuất vaccine. Mũi tiêm đầu sử dụng Ad26, mũi tiêm thứ hai sử dụng Ad5, điều này giúp khắc phục được sự tấn công của kháng thể chống lại Ad gây ra bởi lần tiêm thứ nhất, tăng hiệu quả của vaccine. Đây được coi là điểm mới của Nga so với các nước khác.
Theo các chuyên gia nghiên cứu về vaccine, quy trình đưa một loại vaccine ra cộng đồng bắt buộc phải trải qua 3 pha thử nghiệm trên người. Trong đó, pha 1 thực hiện trên vài chục người, pha 2 với số lượng vài trăm người, pha 3 - pha quan trọng nhất - với số lượng vài nghìn người, thậm chí lớn hơn.
- Đứng trên góc độ cá nhân, tôi cho rằng với trình độ của chuyên gia Nga trong nghiên cứu và công nghệ họ đang sử dụng, vaccine phòng COVID-19 lần này hứa hẹn sẽ là loại vaccine an toàn và hiệu lực cao. Tuy nhiên, việc "đốt cháy giai đoạn" trong thử nghiệm lâm sàng pha 3 sẽ không thể tránh khỏi những rủi ro tiềm ẩn - điều chỉ có thể thấy được qua thử nghiệm đại trà. Các thử nghiệm lâm sàng pha 3 đặc biệt quan trọng để đánh giá mức độ an toàn của vaccine ở một nhóm đông người, vì một số tác dụng phụ hiếm gặp không thể xác định trong các thử nghiệm ở quy mô nhỏ.
Ví dụ, để phát hiện tác dụng phụ liên quan đến vaccine xảy ra theo xác suất 1/10.000 người tiêm, chúng ta cần phải thử nghiệm trên 60.000 tình nguyện viên mới kết luận được những số liệu cụ thể về phản ứng phụ này.
Vì vậy, trên quan điểm của nhà nghiên cứu, tôi cho rằng cần phải thực hiện đúng quy trình trước khi đưa vaccine vào sử dụng.
- Dư luận thế giới đang tỏ ra lo ngại trước những rủi ro có thể xảy ra khi sử dụng vaccine Sputnik V. Ông có chia sẻ với cộng đồng tâm lý lo sợ này?
Về mặt nguyên tắc khi điều chế vaccine, việc bỏ bước tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, không ai có thể đoán trước được. Chính vì vậy, cơ quan y tế các nước cũng như WHO rất thận trọng khi phê duyệt mọi loại vaccine. Thực tế, có những loại phải trải qua đến 5 - 10 năm thử nghiệm mới được ứng dụng rộng rãi.
Quy trình điều chế vaccine chuẩn để ứng dụng đại trà bắt buộc phải qua 3 pha thử nghiệm trên người, quan trọng nhất là pha 3 với quy mô thử nghiệm lên đến hàng chục ngàn người. Trong khi đó, Nga công bố mới thử nghiệm vaccine Sputnik V trên 38 người, đạt hiệu quả miễn dịch tốt, không ghi nhận biến chứng nguy hiểm.
Tuy nhiên, con số này quá nhỏ để kết luận về độ an toàn và hiệu lực của vaccine - căn cứ rõ ràng nhất cho sự nghi ngờ của người dân. Độ an toàn của vaccine khi sử dụng đại trà, hay nói cách khác là tỷ lệ gây biến cố nghiêm trọng sau tiêm chủng của hầu hết các vaccine đã và đang được sử dụng là 1/1 triệu, tức là tối thiểu 1 ca biến chứng trên 1 triệu ca thử nghiệm.
Bản chất của vaccine là tiêm ‘‘chất lạ’’ vào cơ thể để tạo ra miễn dịch. Nếu không được kiểm định kỹ, vaccine không những không có tác dụng bảo vệ mà ngược lại còn gây ra phản ứng phụ, sốc phản vệ rất nguy hiểm. Vì vậy, cần thận trọng trước khi đưa vaccine vào sử dụng rộng rãi trong cộng đồng.
Nếu dịch COVID-19 bùng phát, Việt Nam có nên đi tắt để công bố vaccine?
Tuy nhiên, nếu vaccine về Việt Nam, tôi tin rằng Bộ Y tế và các cơ quan chuyên môn sẽ kiểm định và giám sát kỹ càng trước khi ứng dụng rộng rãi trong cộng đồng. Sắp tới, Nga sẽ thử nghiệm hàng loạt đối với người dân. Đây có thể là bước thử nghiệm để chứng minh về độ an toàn và hiệu lực của vaccine.
- Trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trên thế giới, liệu đây có phải là sự lựa chọn sống còn hay không? Đối với điều chế vaccine tại Việt Nam, giả sử khi làn sóng dịch bùng phát thì chúng ta có nên “đi tắt” để công bố?
Giả sử làn sóng dịch COVID-19 tiếp theo bùng phát, tôi cho rằng chúng ta không nên vội vàng trong việc công bố vaccine, khi chưa có đầy đủ kết quả nghiên cứu thử nghiệm. Thời điểm hiện tại, Việt Nam đang cơ bản khống chế được dịch bệnh, các trường hợp nặng và tử vong chủ yếu tập trung ở những người thể trạng yếu, có bệnh lý nền. Chính vì thế, không lý gì mà chúng ta “chấp nhận rủi ro”, đốt cháy giai đoạn khi vẫn có khả năng kiểm soát dịch.
Xét về góc độ khoa học, chúng ta cần phải nghiên cứu đầy đủ theo quy định nghiêm ngặt trong sản xuất vaccine, nhất là đối với vaccine cho dịch bệnh nguy hiểm như COVID-19. Việt Nam chỉ nên công bố khi có được những kết quả khả quan, qua quy trình thử nghiệm vaccine theo quy định của Bộ Y tế. Đó là điều cơ bản nhất để chứng minh hiệu lực cũng như độ an toàn của vaccine.
- Có ý kiến cho rằng, vaccine do Việt Nam nghiên cứu có thể phù hợp hơn với cơ địa và môi trường so với những loại vaccine nhập khẩu. Ông bình luận ra sao về vấn đề này?
Tuy nhiên, có một số điều cần lưu ý đối với vaccine sử dụng công nghệ nền Adenovirus đối với người Việt. Adenovirus là loại virus khá phổ biến ở người. Theo một số nghiên cứu, nhiều người châu Á đã nhiễm Adenovirus, đồng nghĩa với việc cơ thể đã có sẵn kháng thể chống lại loại virus này. Do đó, vaccine phòng COVID-19 sử dụng công nghệ Ad có thể sẽ không có hiệu quả hoặc hiệu quả kém đối với những người đã nhiễm Adenovirus. Mặt khác, các khâu xét nghiệm sàng lọc những người đã từng nhiễm Adenovirus cũng gây tốn kém, không phải quốc gia nào cũng làm được.
Theo tôi biết, Việt Nam hiện đang ứng dụng một số công nghệ mới để chế tạo vaccine chống COVID-19, có thể kể đến công nghệ tạo hạt giả virus (virus like particles). Đây là công nghệ tạo hạt giống virus COVID-19 (kháng nguyên virus COVID-19) nhưng không phải virus sống, không có khả năng gây bệnh, nhưng lại sinh kháng thể chống lại virus COVID-19. Công trình nghiên cứu hiện đang trong quá trình thử nghiệm.
Với vaccine, mức độ an toàn và tính hiệu quả phụ thuộc vào công nghệ sản xuất, quy trình thử nghiệm và sử dụng. Có thể nói, vaccine là phương án tối ưu nhất để ngăn chặn dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trên thế giới. Tuy nhiên, thời điềm hiện tại, khi chưa có vaccine phòng COVID-19 hiệu quả, “vaccine” tốt nhất chính là ý thức tự bảo vệ của mỗi người, chung tay cùng cộng đồng chống đại dịch.
- Xin cảm ơn PGS!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận