Pfizer thu 36 tỷ USD từ vaccine Covid-19
Báo cáo quý III cho biết, Pfizer dự kiến thu 36 tỷ USD từ vaccine Covid-19 trong năm nay và doanh số của năm sau sẽ còn vượt mức này.
Cùng với đó, họ đã đạt được các hợp đồng cung ứng trị giá 29 tỷ USD trong năm tới, bao gồm 1,7 tỷ liều đã cam kết với các quốc gia. Doanh số có thể sẽ tiếp tục tăng khi họ đạt được thêm các thỏa thuận để bán 4 tỷ liều dự kiến sản xuất trong năm 2022.
Tiến sĩ Albert Bourla, CEO Pfize, cho biết hầu hết hợp đồng là với các quốc gia có thu nhập cao và trung bình cao. Ông lo ngại việc các quốc gia nghèo hơn và các công ty ủy quyền không đặt hàng. "Tôi không muốn các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình sẽ bị tụt lại phía sau vì họ không đặt hàng", ông nói.
Pfizer cho biết đang bán vaccine cho các nước nghèo với giá chiết khấu. Nhưng nhiều nước nghèo nhất vẫn không thể mua trực tiếp. Họ phụ thuộc vào viện trợ của Mỹ và các quốc gia giàu có khác, cũng như nguồn cung cấp từ Covax.
Vẫn còn những khác biệt rõ rệt trong việc tiếp cận vaccine. Trên toàn thế giới, khoảng 75% tổng số mũi tiêm đã được thực hiện ở các quốc gia có thu nhập cao và trung bình cao, theo Our World in Data tại Đại học Oxford. Chỉ có 0,6% là ở các nước thu nhập thấp.
Pfizer dự kiến tỷ suất lợi nhuận từ việc bán vaccine Covid-19 là 20%, và sẽ duy trì trong năm sau. Công ty cũng phải chia doanh thu với đối tác phát triển BioNTech. Các liều vaccine mà công ty bán vào năm tới bao gồm các mũi tiêm nhắc lại, chủ yếu cho các nước giàu hơn, và các mũi chủng ngừa sơ cấp - phần lớn là mũi thứ hai - cho các nước nghèo hơn.
Một phần nhỏ sẽ được tiêm cho trẻ em. Tuần trước, công ty đã được cấp phép tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi tại Mỹ. Pfizer hy vọng sẽ có dữ liệu ban đầu từ các nghiên cứu đánh giá vaccine ở trẻ em từ 2 đến 4 tuổi vào cuối tháng 12, và ở trẻ em từ 6 tháng đến một tuổi vào cuối tháng 3 năm sau.
Ngoài ra, Pfizer còn có khoản tăng doanh thu tiềm năng khác trong năm tới, đến từ một loại thuốc kháng virus mà hãng đang phát triển cho những người mắc Covid-19 có nguy cơ cao trong giai đoạn đầu nhiễm bệnh. Thuốc đang được thử nghiệm lâm sàng để đánh giá khả năng giảm nguy cơ nhập viện và tử vong. Kết quả dự kiến có trong vài tháng tới.
Angela Hwang, một giám đốc cấp cao của Pfizer, cho biết công ty nhìn thấy một thị trường lên tới 150 triệu người cho loại thuốc này. Bà ấy gọi đó là "cơ hội lâu bền", vì các chính phủ có thể quan tâm đến việc dự trữ thuốc.
Một loại thuốc đối thủ của hãng dược Merck, được gọi là molnupiravir, đã được chứng minh là giảm một nửa nguy cơ nhập viện ở những bệnh nhân tương tự. Merck cho biết tuần trước rằng họ hy vọng molnupiravir sẽ tạo ra doanh thu từ 5 đến 7 tỷ USD trên toàn cầu vào cuối năm sau.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận