menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Tô Mai Hương

Petrolimex đề xuất giải pháp để tránh đứt gãy nguồn cung xăng dầu

Petrolimex kiến nghị loạt giải pháp như điều chỉnh yếu tố cấu thành trong giá cơ sở để giảm bớt khó khăn cho đầu mối, tránh đứt gãy nguồn cung xăng dầu.

Những khó khăn trong cung ứng xăng dầu được Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), doanh nghiệp chiếm khoảng 49% thị phần bán lẻ trong nước, nêu trong văn bản gửi liên Bộ Công Thương - Tài chính và Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, ngày 2/9.

Tập đoàn này cho biết, sản lượng tiêu thụ tăng mạnh, nhất là kênh bán lẻ trực tiếp khiến việc tạo nguồn của doanh nghiệp gặp khó. Bình quân mỗi này "ông lớn" xăng dầu bán ra khoảng 17.000 m3 một ngày trên kênh bán lẻ trực tiếp, nhưng gần đây tăng lên trên 21.000 m3, riêng ngày 31/8 ghi nhận 27.000 m3, tăng 60% so với ngày thường.

Sản lượng tiêu thụ tăng đột biến, theo lãnh đạo Petrolimex, tạo áp lực lớn trong tạo nguồn do hàng tồn kho sụt giảm rất nhanh, trong khi mua hàng không thể bù đắp ngay lập tức cho thiếu hụt.

Nhà bán lẻ xăng dầu lớn nhất nước lo ngại nguy cơ thiếu nguồn hàng cục bộ nếu việc kiểm soát tồn kho, vận chuyển, nhất là tại các địa bàn xa các kho xăng dầu đầu mối, không được phối hợp vận hành chặt chẽ.

Trong khi đó, các yếu tố cấu thành trong giá cơ sở như chi phí đưa xăng dầu về đến cảng (premium) và chi phí vận tải tạo nguồn trong nước chưa được tính đủ từ kỳ điều hành giá ngày 11/7 đến nay. Việc này, theo "ông lớn" xăng dầu đã tạo khó khăn rất lớn về nguồn lực tài chính của các thương nhân đầu mối để chia sẻ thù lao, chiết khấu với đại lý.

"Kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp đầu mối phát sinh lỗ lớn, nên nguồn lực để chia sẻ cho các thương nhân nhượng quyền, đại lý hoặc thương nhân phân phối không đủ bù đắp các chi phí phát sinh, nhất là trong tháng 7 và 8 khi giá xăng dầu thế giới giảm sâu", lãnh đạo Petrolimex nêu trong văn bản vừa gửi liên Bộ Công Thương - Tài chính và Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước, về tình hình cung ứng xăng dầu.

Đây cũng là lý do buộc các đầu mối xăng dầu phải hạ chiết khấu về 0 đồng, khiến các cây xăng bán lẻ gặp lỗ dẫn tới dừng bán hàng và kêu cứu những ngày qua.

Petrolimex đề xuất giải pháp để tránh đứt gãy nguồn cung xăng dầu

Một cửa hàng ở An Giang hết xăng hôm 29/8. Ảnh : Nguyễn Khánh

Bối cảnh thị trường tiềm ẩn rủi ro nguy cơ đứt nguồn cục bộ, Petrolimex đề nghị liên bộ cần kịp thời điều chỉnh chi phí premium và chi phí vận tải - vốn là các yếu tố cấu thành trong giá cơ sở nhưng chưa được điều chỉnh tại kỳ điều hành giá 11/7, và bổ sung ngay vào kỳ điều hành 12/9 tới. Việc này nhằm giảm bớt khó khăn cho các thương nhân đầu mối.

Đề nghị này của Petrolimex cũng trùng với kiến nghị gửi các cơ quan quản lý vào cuối tháng 8 của nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại TP HCM, Cần Thơ. Họ cho rằng việc nhà quản lý đưa ra phương án điều tiết lại chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở sẽ giúp thương nhân đầu mối không thua lỗ trong thời gian dài, ảnh hưởng đến các thương nhân phân phối và hệ thống đại lý bán lẻ.

Các doanh nghiệp cũng đề nghị việc điều chỉnh giá linh hoạt, theo đúng chu kỳ, kể cả vào ngày thứ 7, Chủ nhật và nghỉ lễ, Tết... để giá trong nước không lệch pha quá lớn với thế giới.

Tại cuộc họp của Tổ Điều hành thị trường trong nước (Bộ Công Thương) hôm 31/8, tổ này đề nghị Bộ Tài chính sớm rà soát việc áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước theo mức phù hợp với thực tế phát sinh vừa qua.

Cũng trong văn bản gửi nhà chức trách hôm nay, Petrolimex muốn cơ quan quản lý nhà nước tăng cường kiểm tra để đảm bảo tất cả các thương nhân đầu mối, phân phối phải có trách nhiệm đảm bảo nguồn hàng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu bán hàng của hệ thống phân phối.

"Việc kiểm tra giám sát cần thực hiện ngay từ đầu nguồn nhận hàng từ các nhà máy lọc dầu hoặc nhập khẩu thông qua kết nối dữ liệu từ kho của các thương nhân đầu mối", lãnh đại Petrolimex kiến nghị.

Tập đoàn này cũng đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và liên bộ Công Thương - Tài chính ghi nhận các yếu tố khách quan dẫn đến kết quả kinh doanh xăng dầu năm 2022 của tập đoàn bị lỗ do tham gia bình ổn thị trường.

Hiện giá dầu trên thị trường thế giới đã lên mức cao nhất một tháng qua. Kết thúc phiên ngày 29/8, giá WTI tăng 4,24% so với một ngày trước đó. Giá dầu Brent cũng tăng gần 4%, lên 102,93 USD/thùng. Điều này khiến giá nhiên liệu trong nước chịu áp lực tăng trở lại trong kỳ điều hành tới.

Theo quy định, kỳ điều hành tới dự kiến vào ngày 5/9, thay vì ngày 1/9 do rơi vào kỳ nghỉ lễ Quốc khánh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
3 Yêu thích
1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại