Passion Invest, Finhay cùng loạt ứng dụng đầu tư giống và khác nhau điểm gì?
Finhay, Infina hay Tikop là các ứng dụng đầu tư tài chính trên điện thoại, cung cấp đa dạng các sản phẩm, còn Passion Investment hoạt động như một quỹ phòng hộ (hedge fund).
Theo thông tin từ Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), trong thời gian gần đây, một số doanh nghiệp đã thiết lập các website, app giao dịch (Passion Invest, Finhay, Tikop, Infina,…) sử dụng công cụ truyền thông, báo chí quảng bá cho các sản phẩm, dịch vụ của mình để huy động vốn của các nhà đầu tư dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán. Hoạt động này không được UBCKNN cấp phép, quản lý, giám sát theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
Nhà đầu tư có thể gặp rủi ro khi có tranh chấp xảy ra mà không được pháp luật về chứng khoán bảo vệ quyền và lợi ích của mình. UBCKNN khuyến cáo nhà đầu tư thận trọng khi thực hiện các giao dịch đầu tư chứng khoán trên các app giao dịch này, nhà đầu tư chịu trách nhiệm đối với các rủi ro có thể phát sinh.
Vậy các ứng dụng trên giống và khác nhau như thế nào?
Finhay
Finhay là một ứng dụng tài chính trên điện thoại, được tạo ra vào năm 2017 bởi công ty TNHH Finhay Việt Nam với sản phẩm khởi đầu là chứng chỉ quỹ. Sau đó, ứng dụng này đã có thêm các gói tiết kiệm, đầu tư, bảo hiểm và cả đầu tư vào vàng dựa trên thông tin cá nhân của khách hàng và đánh giá rủi ro. Các sản phẩm của Finhay cho phép người dùng đầu tư với số vốn chỉ 50.000 đồng. Sau khi nạp tiền vào ứng dụng, tài sản của người dùng ứng dụng sẽ được chuyển tới CTCP quản lý Quỹ Thiên Việt thông qua Finhay theo hợp đồng quản lý danh mục đầu tư.
Trong ứng dụng này có nhiều cách để đầu tư mà nhà đầu tư có thể lựa chọn tùy thuộc vào độ rủi ro mà phần đầu tư đó mang lại. Ví dụ như hạng mục tích lũy, được giới thiệu là kênh ít rùi ro nhất, sẽ giống như gửi tiền vào ngân hàng theo lãi suất mà Finhay quy định. Theo giới thiệu, lãi suất tiết kiệm cho từng kỳ hạn gửi tiền đang cao hơn gửi tiền tại ngân hàng thương mại.
Lãi suất | Finhay | VietcomBank | Techcombank | BIDV |
Không kỳ hạn | 4%/năm | 0,1%/năm | 0,03%/năm | 0,1%/năm |
3 tháng | 6%/năm | 4,4%/năm | 4,4%/năm | 4,4%/năm |
12 tháng | 8%/năm | 6,4%/năm | 6,6%/năm | 6,4%/năm |
Ngoài việc gửi tiết kiệm, nhà đầu tư có thể tham gia vào các hạng mục đầu tư khác với mức độ rủi ro cao hơn. Một trong những sản phẩm chủ lực của Finhay là đầu tư quỹ. Theo đó, Finhay sẽ sử dụng tiền của người dùng để đầu tư vào các quỹ tài chính của Việt Nam như các quỹ cổ phiếu, quỹ trái phiếu hoặc quỹ ETF. Khi đầu tư vào hạng mục này cũng sẽ có những mức độ rủi ro khác nha. Rủi ro thấp nhất là đầu tư vào Rùa Hoàn Kiếm, tiền sẽ được phân bổ vào các quỹ đầu tư trái phiếu. Còn mạo hiểm nhất là đầu tư vào Báo Gấm - tiền được phân bổ chủ yếu vào các quỹ đầu tư cổ phiếu và quỹ hoán đổi danh mục (ETF).
Đến tháng 11/2021, Finhay cũng đã cho ra mắt sản phẩm sản phẩm đầu tư chứng khoán. Nhà đầu tư có thể đầu đặt lệnh mua từ 0,1 cổ phiếu - với số vốn bắt đầu từ 10.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường cơ sở, nhà đầu tư sẽ phải mua lô 100 cổ phiếu với giá vài triệu đồng (giao dịch lô lẻ cổ phiếu với mức giá và bảng giá riêng biệt). Đến tháng 6 năm nay, Finhay đã mua lại CTCP Chứng khoán Vina để làm đa dạng hóa dịch vụ chứng khoán của mình.
Với những sản phẩm đa dạng mà ứng dụng này cung cấp, cuối năm 2021, Finhay cho biết đã có hơn 2 triệu người dùng ứng dụng. Hiện ứng dụng đang được quản lý và phát triển bởi CTCP Finhay Việt Nam, có vốn điều lệ 101 tỷ đồng.
Theo số liệu mà Người Đồng Hành có được, đơn vị này lỗ kể từ khi đi vào hoạt động. Riêng năm 2021, doanh thu đạt 81,4 tỷ đồng, gấp 29 lần cùng kỳ. Tuy doanh thu tăng nhưng khoản lỗ của Finhay cũng tăng theo. Năm ngoái, công ty lỗ 62,6 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với năm 2020.
Tikop và Ifina
Ngoài Finhay, hai ứng dụng đầu tư khác cũng được UBCKNN nhắc đến là Ifina và Tikop. Tikop là cũng là một nền tảng công nghệ tài chính, cung cấp các gói tích luỹ với lợi nhuận từ 5,5%-8,6%/năm và số tiền đầu tư ban đầu cũng từ 50.000 đồng. Các dịch vụ không nhiều khác biệt so với Finhay.
Website của Tikop giới thiệu, sau khi nạp tiền và lựa chọn gói đầu tư, tiền của nhà đầu tư sẽ tự động tới các quỹ đầu tư tài chính hàng đầu Việt Nam, theo đúng tỷ lệ của cấu trúc đầu tư được chọn. Các quỹ này sẽ thực hiện việc đầu tư vào thị trường cổ phiếu hoặc trái phiếu và trả về cho nhà đầu tư một số chứng chỉ quỹ tương ứng với số tiền đã đầu tư. Khi quỹ hoạt động tốt, số chứng chỉ quỹ sẽ có giá trị cao hơn và ngược lại.
Tikop được tạo ra và phát triển bởi CTCP Công nghệ TechLab, ra đời vào tháng 5/2020 có trụ sở chính tại tòa nhà Tây Hà, 19 Tố Hữu (Hà Nội). Ngoài Tikop là ứng dụng đầu tư tài chính, đơn vị này còn đang phát triển những ứng dụng khác như Weeboo, Tune FM, Bem Bem... với mục đích cung cấp một hệ sinh thái giải trí đa phương tiện dành cho giới trẻ.
Tính đến cuối năm 2021, vốn điều lệ của TechLab đạt 108 tỷ đồng. Tuy nhiên, cũng giống Finhay, kể từ khi thành lập đến nay doanh nghiệp công nghệ này vẫn đang lỗ. Theo số liệu mà Người Đồng Hành có được, trong năm ngoái doanh nghiệp này thu về 2,8 tỷ đồng tổng doanh thu, tăng mạnh so với năm trước đó. Tuy nhiên, TechLab lỗ 10,4 tỷ đồng trong năm qua. Trong khi đó, năm 2020 doanh nghiệp chỉ thu về hơn 9 triệu đồng doanh thu và lỗ hơn 3 tỷ đồng.
Infina, ngoài cung cấp các sản phẩm tương tự Finhay hay Tikop, còn có thêm "đầu tư chung bất động sản". Theo giới thiệu của đơn vị này, đầu tư chung bất động sản là hình thức nhiều người cùng đầu tư và chia sẻ lợi nhuận từ một bất động sản (căn hộ, nhà phố, shophouse, ...). Khách hàng có thể đầu tư một bất động sản chỉ với số tiền từ 20 triệu đồng. Có nghĩ là, ứng dụng này sẽ dùng tiền của nhà đầu tư để đầu tư vào bất động sản, rồi từ đo chia lợi nhuận về cho nhà đầu tư theo vốn thực góp ban đầu.
Ứng dụng hiện được đồng sở hữu và khai thác bởi CTCP Real Stake Việt Nam và CTCP Real Stake Fintech. Tra cứu dữ liệu trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Real Stake Việt Nam có ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê. Còn Real Stake Fintech có ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động hỗ trợ dịch vụ tài chính chưa được phân vào đâu.
Tuy nhiên, đây là mã ngành kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh và/hoặc điều kiện về vốn pháp định tương ứng. Cụ thể, vốn pháp định (vốn điều lệ tối thiểu) của công ty tài chính là 500 tỷ đồng; của công ty cho thuê tài chính là 150 tỷ đồng và của công ty cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng là 30 tỷ đồng.
Trong khi đó, vốn điều lệ của Real Stake Fintech chỉ ở mức 1 tỷ đồng. Nếu tính cả Công ty cổ phần Real Stake Việt Nam với vốn điều lệ 20 tỷ đồng, tổng vốn điều lệ cũng chỉ đạt 21 tỷ đồng, vẫn thấp hơn nhiều so với mức vốn pháp định thấp nhất là 30 tỷ đồng trong mã ngành nghề mà công ty đăng ký kinh doanh.
Passion Investment
Không giống với những ứng dụng đầu tư tài chính trên, Passion Investment được thành lập vào năm 2015, là công ty chuyên đầu tư cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam với mô hình tương tự các quỹ phòng hộ (hedge fund) trên thế giới. Passion Investment gắn liền với tên tuổi của nhà sáng lập kiêm CEO là ông Lã Giang Trung.
Công ty cung cấp sản phẩm hợp tác kinh doanh với mức vốn tối thiểu từ 300 triệu đồng dành cho phần lớn các khách hàng cá nhân. Bên cạnh đó, các khách hàng cá nhân có số vốn lớn và các khách hàng tổ chức có thể hợp tác với Passion Investment thông qua sản phẩm quản lý tài khoản riêng từ 50 tỷ đồng.
Hai hình thức hợp tác gồm chia sẻ lợi nhuận và cam kết lợi nhuận tối thiểu, đều với thời hạn tối thiểu 1 năm. Với chia sẻ lợi nhuận, khách hàng sẽ nhận 100% khoản lỗ hoặc lợi nhuận dưới 6%/năm. Với phần lợi nhuận vượt 6%/năm, khách hàng được hưởng 80%, còn lại 20% thuộc về Passion Investment.
Với hình thức còn lại, khách hàng sẽ nhận lợi nhuận tối thiểu 6%/năm. Nếu hiệu suất đầu tư cao hơn 6%, phần còn lại sẽ được chia đều cho khách hàng và công ty.
Năm 2016, Passion Investment đã đem lại tỷ suất lợi nhuận bình quân hơn 95% cho các khách hàng và đến năm 2017, mức sinh lợi tiếp tục duy trì với con số 50%. Chiến thuật của đơn vị này thời điểm đó gần như là tập trung vào một vài cổ phiếu.
Tuy vậy, sang năm 2018, chiến lược "all in" vào số ít cổ phiếu đã khiến Passion Investment gặp nhiều khó khăn. Khi đó, Passion Investment gần như đầu tư toàn bộ danh mục vào VPB và việc sụt giảm mạnh của cổ phiếu này trong năm đã khiến hiệu suất quỹ giảm mạnh. Kết thúc năm 2018, hiệu suất đầu tư của Passion Investment âm 16,2%. Ông Lã Giang Trung cho biết trong năm 2018, cá nhân vị CEO này đã phải bán nhà và cùng Passion Investment phải bù lỗ cho khách hàng khoảng 4-5 triệu USD (hơn 100 tỷ đồng) thời điểm đó.
Sang năm 2019, Passion Investment đã không còn chiến lược "all in" như trước mà chuyển hướng sang sang chiến lược đầu tư tập trung vào một số cổ phiếu nhưng có giới hạn vừa phải. Quỹ này đã trở lại với hiệu suất danh mục tăng trưởng 36,5%, sang năm 2020 tiếp tục ghi nhận những con số tích cực với hiệu suất tăng trưởng 88,5%. Thậm chí năm 2021, hiệu suất đầu tư của đơn vị đạt mức cao kỷ lục là 101,8%. 9 tháng đầu năm nay, trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường, hiệu suất của quỹ đã âm 3% nhưng tốt hơn rất nhiều so với mức giảm 24,4% của VN-Index.
Tuy nhiên cũng giống như các ứng dụng đầu tư trên, Passion Investment cũng ghi nhận lỗ trong những năm gần đây. Theo số liệu mà Người Đồng Hành có được, đơn vị này lỗ trong năm 2019 và 2020. Trong khi năm 2018 là một năm mà đơn vị này phải bù lỗ cho khách hàng nhưng quỹ vẫn hòa vốn khi kết thúc năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận