OTA nội chớp thời cơ
Đại lý du lịch trực tuyến trong nước mở cuộc phản công để giành thị trường.
COVID-19 khiến một số đại lý du lịch trực tuyến (Online Travel Agent - OTA) nước ngoài thu hẹp hoạt động tại Việt Nam, tạo cơ hội cho các OTA trong nước mở rộng thị phần.
Gia tăng dịch vụđể tăng vị thế
Sau 1 năm chống chọi với sự lao dốc của ngành du lịch, một số OTA nước ngoài đã phải rút gần hết nhân viên về nước, theo đó chất lượng dịch vụ cũng giảm theo. Không chậm trễ, một số OTA nội địa đã tiếp cận với lượng khách hàng này.
Bên cạnh việc đưa ra sản phẩm mới đáp ứng đúng nhu cầu, các OTA trong nước còn gia tăng dịch vụ đi kèm. Ví dụ, từ việc chỉ phát triển lượng khách hàng đặt chỗ trực tuyến, nay các OTA đầu tư thêm cho mạng lưới đại lý cá nhân, tức khách hàng có thể kiếm thêm thu nhập từ việc trở thành đại lý bán các dịch vụ du lịch, thủ tục đăng ký và hoạt động thông qua ứng dụng công nghệ.
“Theo khảo sát của chúng tôi, chỉ có 7% khách hàng có thể hoàn toàn tự tin đặt vé trực tuyến, phần lớn vẫn phải nhờ người khác hỗ trợ. Vì thế, chúng tôi phát triển mạng lưới đại lý cá nhân để phục vụ khách hàng tốt hơn và giúp gia tăng số lượng bán. Hiện chúng tôi có hơn 6.000 đại lý và mong muốn đạt đến 10.000 vào cuối năm”, ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch HG Holdings và OTA Gotadi, cho biết.
Theo ông Đức, trong lúc các mảng khác như lữ hành, khách sạn đang phải tạm dừng đầu tư thì Gotadi vẫn được HG Holdings đầu tư mạnh mẽ để có thể phát triển tốt hơn sau dịch. HG Holdings kỳ vọng trong vòng 5 năm tới, đại lý du lịch trực tuyến này sẽ có thể chiếm 20% thị phần du lịch trực tuyến của Việt Nam.
Thuộc Tập đoàn Thiên Minh, trang ivivu.com gần đây không chỉ bán các dịch vụ khách sạn, tour, combo nghỉ dưỡng mà còn chuyển sang lĩnh vực ăn uống. Đơn vị này cũng cung cấp miễn phí phần mềm quản lý khách sạn (PMS) cho các nhà nghỉ, khách sạn nhỏ và vừa. Giá trị tăng thêm này giúp sản phẩm iVIVU được biết đến nhiều hơn. Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Thiên Minh, cho biết Tập đoàn vẫn đầu tư mạnh cho iVIVU.
Cuối tháng 4 vừa qua, Tập đoàn Thiên Minh cũng đã ra mắt ứng dụng di động Plutos Agent. Đây là sản phẩm đầu tiên trong hệ sinh thái Plutos - sàn giao dịch du lịch trực tuyến trong và ngoài nước lớn nhất Việt Nam. Ngay tại thời điểm ra mắt, Plutos đã kết nối với nhiều đối tác lớn trong và ngoài nước như Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietjet, Expedia, Hotelbeds, Amadeus, iVIVU.com và có hơn 100.000 khách sạn cùng các trải nghiệm địa phương trên nền tảng.
Trong khi đó, Vntrip, ngay khi ra đời vào năm 2014, đã tập trung vào mảng du lịch nội địa nên hiện nay, OTA này đang đứng trước cơ hội lớn. “Khủng hoảng COVID-19 cho phép chúng tôi tập trung vào thế mạnh của mình và tối ưu hóa hoạt động theo hướng tăng trưởng bền vững với mục tiêu lợi nhuận rõ ràng”, ông Lê Đắc Lâm, sáng lập Vntrip, cho biết. Thế mạnh của Vntrip là tập trung vào mảng doanh nghiệp (B2B), cho phép các công ty và nhân viên của họ có thể đặt các dịch vụ du lịch thông qua App mà không gặp rắc rối về mặt giấy tờ thủ tục.
Về định vị thương hiệu, Vntrip không đơn thuần là một OTA, công ty du lịch truyền thống mà còn là công ty công nghệ cung cấp giải pháp dành cho người đi du lịch và quản lý công tác cho doanh nghiệp. Những công cụ do đơn vị này phát triển giúp khách hàng vào trang Vntrip.vn có thể săn được vé, phòng giá rẻ mà các đại lý truyền thống thường không đăng bán. Còn đối với những doanh nghiệp quan tâm đến hiện đại hóa quản lý và tối ưu chi phí công tác thì trên thị trường chỉ có giải pháp công nghệ của Vntrip đáp ứng được nhu cầu này. Điều này giúp Vntrip tăng trưởng ổn định, ngay cả khi nhu cầu chung của thị trường suy giảm.
Theo Tech in Asia, cho đến thời điểm này, Vntrip đã huy động tổng cộng khoảng 20 triệu USD. Các nhà đầu tư ở những vòng trước bao gồm John Wu, cựu Giám đốc Công nghệ của Alibaba Group, Quỹ Hendale có trụ sở tại Hồng Kông, công ty đầu tư IHAG Holding của Thụy Sĩ cùng các nhà đầu tư khác. Vntrip lần cuối báo cáo định giá Công ty ở mức 45 triệu USD. Vntrip cho biết họ đã nhận được một số lời đề nghị mua lại công ty trước đại dịch, nhưng ông Lê Đắc Lâm cho biết startup này sẽ đạt lợi nhuận dương vào năm 2021 và chuẩn bị cho kế hoạch IPO.
Tận dụng lợi thế sân nhà
Dù trước mắt có một số thuận lợi, nhưng trong dài hạn, các OTA ngoại có lợi thế hơn hẳn OTA nội về tài chính và công nghệ. Ông Trần Trọng Kiên chia sẻ kinh nghiệm khi tham quan mô hình Ctrip5 - OTA lớn nhất Trung Quốc, với vốn hóa hơn 28 tỉ USD. “Ctrip thuê hàng ngàn kỹ sư công nghệ làm việc, nhiều nhóm cùng được giao phát triển một loại ứng dụng, sau đó hội đồng quản trị sẽ lựa chọn giải pháp ưu việt nhất. Bên cạnh đó, Ctrip cũng vung tiền thâu tóm những đối thủ có công nghệ tiềm năng, như mua lại Skyscanner - dịch vụ tìm kiếm khách sạn, chuyến bay và cho thuê xe của Scotland với giá 1,74 tỉ USD”, ông Kiên giải thích.
Theo ông Đức, trong khi những công ty du lịch trực tuyến thế giới thường định vị mình là công ty công nghệ, tập trung vào nhiệm vụ tối ưu hóa trải nghiệm người dùng và nâng cao tốc độ truy cập, thì các công ty du lịch trực tuyến của Việt Nam lại thường có xuất phát điểm là công ty du lịch thuần túy.
Điều này gây cản trở tầm nhìn trong việc phát triển những OTA đúng nghĩa. Chủ tịch Hội đồng Quản trị Gotadi cho biết thêm: “Quá trình chuyển đổi số của Gotadi xác định mọi thứ từ book vé, xuất vé, xuất hóa đơn online đều phải mượt như quẹt iPhone. Tuy nhiên, là đơn vị đi đầu về chuyển đổi số trong ngành hàng của mình ở Việt Nam, nhưng chúng tôi vẫn nghĩ mình mới chỉ đang ở cấp độ iPhone 3 thôi, trong khi thế giới đã chuẩn bị ra mắt phiên bản iPhone 13 rồi”.
Theo người trong ngành, lợi thế sân nhà của OTA Việt Nam là sự am hiểu thị trường và văn hóa bản địa, có mối quan hệ tốt với những nhà cung cấp như khách sạn, nhà nghỉ... và có thể xuất hóa đơn VAT - phù hợp với tập quán kinh doanh trong nước. Với một thị trường có dân số hơn 90 triệu người, nếu tận dụng được những lợi thế kể trên thì sau khi COVID-19 qua đi, các doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể thu hẹp khoảng cách với OTA quốc tế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận