OPEC+ khó hiện thực hóa mục tiêu sản lượng, giá dầu tăng
Giá dầu Brent và WTI tăng 0,26 USD trong phiên giao dịch 13/6.
Giá dầu tăng sau một phiên giao dịch đầy biến động trong ngày 13/6 trong bối cảnh nhà đầu tư quan ngại nhiều hơn về rủi ro thiếu hụt nguồn cung.
Giá dầu Brent tăng 0,26 USD lên 122,27 USD/thùng. Giá dầu WTI cũng tăng 0,26 USD lên 120,93 USD/thùng. Trước đó, có thời điểm giá dầu giảm khoảng 3 USD/thùng.
Nguồn cung dầu vẫn tương đối hạn hẹp trong bối cảnh OPEC và các đồng minh khó lòng thực hiện hóa cam kết gia tăng sản lượng dầu do một số thành viên không còn đủ dư địa khai thác, Nga phải đối mặt với một loạt các lệnh trừng phạt của phương Tây còn Libya đang chìm sâu vào bất ổn chính trị.
Giá dầu bật tăng trong năm 2022, đặc biệt sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt trên lãnh thổ Ukraine vào cuối tháng 2. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng dầu toàn cầu bắt đầu hồi phục sau đại dịch Covid-19. Trong tháng 3, có thời điểm giá dầu Brent chạm ngưỡng 139 USD/thùng, cao nhất kể từ năm 2008. Tuần trước, cả hai chỉ số giá dầu đều tăng hơn 1%.
“Thị trường gặp khó khi sản lượng dầu của Nga sụt giảm, và giờ đây xuất hiện thêm thông tin không mấy tích cực từ Libya”, theo Robert Yawger, Giám đốc khối năng lượng tại Mizuho.
Trong ngày 11/6, giá xăng bình quân tại Mỹ vượt ngưỡng 5 USD/gallon lần đầu tiên trong lịch sử, theo dữ liệu từ Hiệp hội ôtô quốc gia này.
Ảnh hưởng tới triển vọng nhu cầu dầu mỏ, quận Triều Dương tại Bắc Kinh thông báo sẽ tiến hành 3 vòng xét nghiệm Covid-19 nhằm sớm dập tắt ổ dịch mới bùng phát tại đây.
“Chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra tại Trung Quốc. Tình hình đang dần căng thẳng trở lại”, theo Phil Flynn, Chuyên gia phân tích tới từ Price Futures.
Quan ngại lãi suất tăng cao, đặc biệt sau khi Mỹ công bố báo cáo lạm phát tháng 5 cao nhất hơn 4 thập kỷ, là một nguyên nhân kéo giá dầu giảm xuống.
Một loạt các thị trường tài chính giảm điểm khi nhà đầu tư lo ngại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ quyết liệt hơn trong việc siết chặt chính sách tiền tệ, khiến nền kinh tế giảm tốc nghiêm trọng. Chỉ số S&P 500 chốt phiên giao dịch 13/6 trong thị trường giá xuống. Fed sẽ công bố quyết định lãi suất mới vào ngày 15/6 này.
Tại châu Âu, Francesco Giavazzi, cố vấn kinh tế thân tín của Thủ tướng Italy Mario Draghi, phát biểu rằng quyết định tăng lãi suất của ngân hàng trung ương châu u không phải là cách đúng đắn để có thể chặn đứng đà tăng giá cả.
Kim loại quý
Giá vàng giảm trong phiên giao dịch 13/6 khi đồng USD tăng giá trước quan ngại Fed sẽ tăng mạnh lãi suất trong kỳ họp tới.
Giá vàng giao ngay giảm 2,2% xuống 1.829,52 USD/ounce tại thời điểm 16h05 giờ GMT. Giá vàng tương lai giảm 2,4$ xuống 1.829,80 USD/ounce.
Dollar index thiết lập đỉnh nhiều thập kỷ, biến đồng bạc xanh trở hấp dẫn hơn với nhiều nhà đầu tư. Trong khi đó, lãi suất tăng cao sẽ khiến vàng ít được quan tâm hơn vì là tài sản phi lợi suất.
“Tất cả các thị trường đều chao đảo, và vàng không phải ngoại lệ. Trong bối cảnh bất ổn tăng cao, chúng ta rất khó để tìm được nơi trú ẩn an toàn”, theo Phillip Streible, Giám đốc chiến lược thị trường tại Blue Line Futures.
Lạm phát cao hơn dự báo có thể khiến Fed tăng lãi suất thêm 1,75% tính tới tháng 9 năm nay, và đồng nghĩa với việc sẽ có ít nhất 1 lần lãi suất tăng 0,75% và không loại trừ nó sẽ được áp dụng ngay trong kỳ họp tới, theo nhận định của nhiều chuyên gia.
Giá vàng có thời điểm giảm xuống ngưỡng thấp nhất 1 tháng 1.824,63 USD/ounce ngay sau khi báo cáo lạm phát được công bố, nhưng hồi phục mạnh mẽ khi nhà đầu tư quan ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế. Giá vàng tiếp tục biến động mạnh trong ngày hôm qua khi đánh mất mốc cao nhất một tháng đạt được trong phiên giao dịch tại châu Á.
Tuy được coi là một kênh trú ẩn an toàn trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó, nhưng vàng lại trở nên kém hấp dẫn hơn khi lãi suất tăng cao.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận