OPEC giảm sản lượng khai thác, liệu Việt Nam có thể ứng phó?
Việt Nam hoàn toàn có thể ứng phó được việc OPEC giảm sản lượng khai thác dầu, theo chuyên gia.
Tuy không tham gia OPEC và cũng không phải là đối tác chiến lược của khối này, nhưng Việt Nam cũng là một quốc gia sản xuất dầu mỏ. Tuy sản lượng khá khiêm tốn so với các quốc gia dầu mỏ hàng đầu, nhưng Việt Nam cũng đã tự chủ một phần đáng kể nguồn năng lượng chiến lược này.
Các chuyên gia nhận định mặc dù sau quyết định giảm sản lượng khai thác của OPEC+, giá dầu mỏ trên thế giới có thể tăng thêm 3%, nhưng biên độ tăng giá này không lớn và Việt Nam hoàn toàn có thể ứng phó được bằng chính sách điều chỉnh giá linh hoạt, hợp lý cộng với chính sách trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Thực tế, trong hai lần điều chỉnh hạ giá vừa qua, Việt Nam không những không dùng đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu để bù đắp chiết khấu mà còn có thể sử dụng một phần giá bán để đưa trở lại Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Yếu tố thứ hai làm cho Việt Nam có thể ổn định giá xăng dầu trong nước là do Việt Nam có nhiều nguồn cung và ổn định, kể cả dầu thô lẫn nhiên liệu nhập khẩu. Chính phủ Việt Nam cũng đã bắt đầu tính đến việc thiết lập các cơ sở dự trữ xăng dầu quốc gia để bảo đảm ổn định hơn nữa nguồn cung cho thị trường.
Và điểm cuối cùng có lợi cho Việt Nam cũng lại chính là giá dầu tăng lên. Trong nhiều tháng qua, giá dầu thế giới luôn ở mức cao từ 90 USD/thùng đến 130 USD/thùng đã mang lại lợi nhuận lớn cho các liên doanh, các công ty khai thác dầu Việt Nam. Bằng chứng là Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đã cán đích về các chỉ số sản xuất và kinh doanh trước thời hạn chỉ trong vòng 9 tháng đầu năm 2022. PVN cũng đã về đích các chỉ tiêu tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế hợp nhất toàn tập đoàn.
Trong điều kiện giá dầu thô tăng, mặc dù người tiêu dùng nhiên liệu ở Việt Nam có thể sẽ phải chi phí thêm cho nhiên liệu xăng dầu khi giá tăng nhẹ trở lại, nhưng nhìn tổng thể, nền kinh tế Việt Nam không những ít bị ảnh hưởng bởi giá dầu thô chỉ tăng khoảng 3% mà còn được hưởng lợi một phần từ việc giá dầu thô tăng nhẹ trở lại do sự cắt giảm sản lượng của OPEC+.
Theo Sputnik
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận