OPEC+ bất ngờ giảm sản lượng, giá dầu đi lên
Giá dầu tăng hơn 2% trong phiên giao dịch đầu tuần khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh (OPEC+) thống nhất cắt giảm sản lượng nhằm hỗ trợ giá dầu.
Giá dầu Brent tương lai giao tháng 11 tăng 2,72 USD, tương đương 2,92%, lên 95,74 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng 2 USD, tương đương 2,3% lên 88,85 USD/thùng. Khối lượng giao dịch dầu WTI không cao do Mỹ đang trong kỳ nghỉ lễ Lao động.
Giá dầu có thời điểm tăng gần 4 USD trong đầu phiên nhưng đi xuống trước thông báo của Nhà Trắng rằng Tổng thống Joe Biden cam kết sử dụng mọi biện pháp cần thiết nhằm gia tăng cung dầu và hạ giá mặt hàng này.
Trong cuộc họp mới nhất, các thành viên OPEC+ đồng ý giảm sản lượng dầu 100.000 thùng/ngày, tương đương với 0,1% nhu cầu dầu mỏ toàn cầu. Nhóm cũng thống nhất sẽ nhóm họp bất cứ thời điểm nào để điều chỉnh kế hoạch sản lượng trước cuộc họp tiếp theo vào ngày 5/10. Hồi tháng trước, Arab Saudi, một thành viên quan trọng của OPEC, đề xuất ý tưởng cắt giảm sản lượng trong bối cảnh giá dầu liên tục đi xuống.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết quyết định của OPEC+ dựa trên kỳ vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu trong thời gian tới. Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Nga chia sẻ quốc gia này sẽ giảm sản lượng khoảng 2% trong năm nay, theo cơ quan thông tấn TASS.
“Hiện tại, sản lượng của OPEC+ đang thấp hơn so với mục tiêu đề ra trong kế hoạch và điều này sẽ không sớm thay đổi trong bối cảnh Angola và Nigeria không thể đạt được mức sản lượng trước đại dịch vì một số lý do khác nhau”, theo Caroline Bain, Kinh tế trưởng thị trường hàng hóa tại Capital Economics.
Giá dầu liên tục đi xuống trong ba tháng vừa qua từ ngưỡng cao nhất nhiều năm sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra. Nguyên nhân bắt nguồn từ quan ngại kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại trước làn sóng tăng lãi suất và các hạn chế phòng dịch Covid-19 tại Trung Quốc, khiến nhu cầu dầu mỏ đi xuống.
Các quy định phòng dịch tại Thâm Quyến, trung tâm công nghệ của Trung Quốc, phần nào được nới lỏng trong ngày 5/9 do số lượng ca nhiễm mới có dấu hiệu chững lại dù thành phố vẫn duy trì mức độ cảnh báo cao.
Trong khi đó, quá trình đàm phán thỏa thuận hạt nhân 2015 với Iran, với kỳ vọng bổ sung thêm 1 triệu thùng dầu vào thị trường toàn cầu, gặp phải "điểm nghẽn" mới. Nhà Trắng trong ngày 2/9 đã từ chối đề xuất từ phía Iran khi loại bỏ hoạt động điều tra của cơ quan giám sát hạt nhân Liên Hợp Quốc ra khỏi thỏa thuận mới này, theo một quan chức ngoại giao.
Bộ trưởng năng lượng Iran cho biết thị trường toàn cầu cần lượng dầu bổ sung từ quốc gia này.
Nhu cầu dầu mỏ trong công tác sản xuất điện được dự báo tăng cao khi Gazprom, tập đoàn dầu mỏ quốc doanh của Nga, thông báo dừng cung cấp khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 vô thời hạn để khắc phục sự cố.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) trong tháng trước nâng dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm nay với kỳ vọng một số quốc gia sẽ chuyển từ khí đốt qua dầu mỏ để sản xuất điện khi giá khí đốt tăng quá cao.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận