24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hồ Mai
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

"Ông vua, bà hoàng" thủy sản trở lại

Ngành thủy sản đang ghi nhận sự trở lại của các “ông vua”, “bà hoàng” xuất khẩu sau gần hai năm ngập trong khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.

Hai năm cơ cực

Quý I/2020, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát trên toàn cầu, hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nhu cầu của các thị trường xuất khẩu sụt giảm mạnh, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, gián đoạn, việc xuất hàng đi gặp khó khăn, đã ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành. Mãi đến cuối quý IV/2020, ngành thủy sản mới dễ thở hơn một chút.

Tuy vậy, bước sang năm 2021, khó khăn lại tiếp tục bủa vây các doanh nghiệp thủy sản. Suốt quý III, các tỉnh phía Nam, thủ phủ của ngành chế biến thủy sản, nằm trong vùng tâm dịch, các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt để phòng dịch triển khai trong thời gian dài khiến hoạt động sản xuất bị đình trệ.

Công ty cổ phần Thủy sản Minh Phú (Minh Phú, mã chứng khoán MPC) có nhà máy tại Cà Mau và Hậu Giang, cả hai địa phương này đều thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Nhà máy Minh Phú Cà Mau phải thực hiện sản xuất theo phương án “1 cung đường, 2 điểm đến” và “3 tại chỗ”.

Để thực hiện được phương án này, Công ty chỉ đảm bảo được 20 - 25% lượng công nhân tập trung sản xuất. Trong khi đó, chi phí phát sinh do Công ty thuê hơn 7 khách sạn cho hơn 1.600 công nhân lưu trú.

Tương tự, tại Tập đoàn Sao Mai (mã chứng khoán ASM), công suất chế biến trong giai đoạn hoạt động “3 tại chỗ” chỉ đạt 25% so với thông thường.

Chi phí cước tàu gia tăng phi mã từ đầu năm đã gây áp lực đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu. Theo SSI Research, chi phí vận chuyển container liên tục tăng mạnh từ năm ngoái do thiếu hụt nguồn cung, tắc nghẽn cảng, thiếu container rỗng…

Trong đó, chi phí vận chuyển đến các thị trường Mỹ, châu Âu đã gấp 2-3 lần trong năm qua. Đây cũng là những thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta và thủy sản là một trong những mặt hàng có tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất (50%).

Tại Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển đa quốc gia (mã chứng khoán IDI), thành viên của Tập đoàn Sao Mai, chi phí vận chuyển hàng hóa trong quý III/2021 tăng 17 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020, lên 45 tỷ đồng, làm chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng cao.

Bên cạnh khó khăn về sức cầu, các công ty chế biến thủy sản của Việt Nam còn chịu nhiều rào cản liên quan đến chính sách bảo hộ tại các thị trường xuất khẩu, nhất là các vụ kiện và áp thuế chống bán phá giá.

Kinh doanh phục hồi, xuất khẩu khởi sắc

Sau khi sụt giảm hai tháng liên tiếp do giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh, xuất khẩu thủy sản tháng 10/2021 đã ghi nhận những chuyển biến tích cực. Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất nhập khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản tháng 10 ước đạt 918 triệu USD, tăng 47% so với tháng 9 và gần bằng cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 10, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ hồi phục mạnh nhất, tăng 31%, xuất khẩu sang EU tăng 9%, Hàn Quốc tăng 20%, Canada tăng 17%.

Nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu tăng mạnh vào mùa mua sắm cuối năm. Trong khi đó, công suất hoạt động của các doanh nghiệp chế biến thủy sản được khôi phục khi bước vào giai đoạn “bình thường mới”.

Đánh giá về một doanh nghiệp nuôi tôm lớn trong ngành là Thực phẩm Sao Ta (Sao Ta, mã chứng khoán FMC), SSI Research cho biết, thị trường của Công ty đa dạng với Nhật Bản (28%), EU (29%) và Mỹ (26%), cộng thêm thế mạnh là tôm chế biến (78%) giúp doanh nghiệp tiếp tục hưởng lợi từ nhu cầu ngày càng tăng đối với sản phẩm này.

Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho rằng, giai đoạn khó khăn nhất của ngành thủy sản nói chung, Sao Ta nói riêng đã đi qua. Sao Ta có thể phục hồi hoàn toàn năng lực sản xuất từ giữa tháng 9 khi dịch bệnh dần được kiểm soát với tỷ lệ tiêm vắc-xin tăng cao.

Ngoài ra, nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng khi nền kinh tế mở cửa mạnh mẽ. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được kỳ vọng thông qua và bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2022, mở ra thêm những thị trường xuất khẩu tiềm năng như Australia hay New Zealand.

Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã chứng khoán VHC) công bố kết quả kinh doanh tháng 10/2021 với tổng doanh thu đạt 780 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu tháng 10 tăng chủ yếu nhờ sự tăng trưởng từ cá tra (tăng 11%) và sản phẩm phụ (tăng 18%).

Kết quả kinh doanh tại nhiều doanh nghiệp thủy chế biến thủy sản xuất khẩu trong quý IV/2021 được kỳ vọng sẽ khởi sắc mạnh mẽ sau thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Bên cạnh sức cầu hồi phục, Vĩnh Hoàn còn hưởng lợi từ việc vào tháng 6/2021, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận cuối cùng đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 16 (POR16) đối với cá tra, cá basa của Việt Nam.

Trong đó, DOC xác định mức thuế chống bán phá giá đối với Vĩnh Hoàn và Nam Việt (mã chứng khoán ANV) trong đợt rà soát này là 0 USD/kg, giúp tăng lợi thế cạnh tranh cho Vĩnh Hoàn khi một doanh nghiệp khác là Biển Đông bị áp thuế 2,39 USD/kg sau nhiều năm liền hưởng thuế 0%, còn với Nam Việt, Công ty sẽ mở rộng cửa để phát triển thị trường này.

Sự trở lại của cổ phiếu thủy sản

Triển vọng sáng của ngành thủy sản đã giúp nhóm cổ phiếu trong ngành thăng hoa thời gian gần đây. Chốt phiên 19/11/2021, giá cổ phiếu MPC tăng 61,5%, VHC tăng 44%, FMC tăng 43,7%, ANV tăng 35,7%, giá ASM tăng 34,5% so với đầu năm. Đặc biệt, giá cổ phiếu IDI tăng 147,5%, đóng cửa phiên 19/11/2021 đạt 18.550 đồng/cổ phiếu (năm 2020, thị giá IDI dao động phổ biến từ 4.000 - 5.000 đồng/cổ phiếu).

"Ông vua, bà hoàng" thủy sản trở lại

Giới phân tích nhìn nhận, những doanh nghiệp đầu ngành như Minh Phú, Vĩnh Hoàn, Sao Ta… đang lấy lại được vị thế “ông vua”, “bà hoàng” trong làng xuất khẩu tôm, cá tra.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phát triển năng lực đầu tư Công ty Chứng khoán VPS đánh giá, kinh tế phục hồi, nhóm ngành sản xuất tăng trưởng trở lại như nhóm thủy sản sẽ có lợi thế đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ cuối năm tăng cao. Bởi vậy, nhóm cổ phiếu thủy sản được nhà nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Thủy sản vẫn là ngành tiềm năng cho giai đoạn quý IV/2021 và năm 2022, nhờ việc có tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất tới hàng loạt quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc.

VASEP cho biết, năm 2021, dự báo doanh thu xuất khẩu đạt 8,4 tỷ USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu tôm đạt khoảng 3,8 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2020; cá tra đạt 1,5 tỷ USD, tương đương năm 2020; hải sản đạt 3,1 tỷ USD, giảm 3% so với năm 2020.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả