Ông Trương Gia Bình: “Ruột đau như cắt” khi Việt Nam đóng cửa du lịch quốc tế
“Kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế mở mà chúng ta lại đóng cửa du lịch quốc tế lại thì tôi chỉ biết nói rằng: “ruột đau như cắt””, ông Trương Gia Bình nói.
Bài phát biểu tại Hội thảo “Thống nhất lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế”, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, chiều 24/1, của ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) chỉ kéo dài 6 phút nhưng dường như đã nói hộ tâm tư, nguyện vọng của hàng triệu người lao động, hàng ngàn doanh nghiệp du lịch.
Ông Trương Gia Bình cho biết, trong thời gian diễn ra dịch bệnh, Ban IV đã phối hợp với Hội đồng Tư vấn Du lịch dành rất nhiều thời gian nói chuyện, chia sẻ, đối thoại với các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội để tìm ra giải pháp tháo gỡ các vấn đề khó khăn của ngành du lịch.
“Thật là vô lý nếu chúng ta không mở cửa thị trường du lịch quốc tế an toàn”, Trưởng ban Ban IV nhấn mạnh và lý giải: “Bởi vì, mở hay không mở thì tình hình dịch bệnh vẫn như vậy. Vì bản chất vấn đề dịch Covid-19 ở Việt Nam và trên thế giới là tiêm vắc xin và các biện pháp dãn cách cần thiết. Có du lịch vào cũng không tăng tỷ lệ người dân tiêm vắc xin cao lên và ngược lại. Minh chứng là, vừa rồi thí điểm 9.000 khách quốc tế vào Việt Nam không ảnh hưởng gì đến tình hình thì dịch bệnh của Việt Nam”.
Mặt khác, ông Trương Gia Bình cho rằng, việc đóng cửa du lịch quốc tế đi ngược lại với những chính sách của Chính phủ. Chính phủ mong muốn thích ứng an toàn linh hoạt, hiệu quả. “Chính phủ mong muốn phục hồi kinh tế. Vậy không mở cửa du lịch quốc tế thì phục hồi thế nào? Ai cấp công ăn việc làm cho 2,5 triệu người lao động và nhiều triệu người lao động gián tiếp liên quan khác? Vì kinh tế là bộ máy hoàn chỉnh”, ông đặt câu hỏi.
Đó là chưa kể đi theo dòng du lịch là dòng đầu tư nước ngoài, là dòng chuyển giao công nghệ, là dòng xuất nhập khẩu. “Kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế mở mà chúng ta lại đóng cửa du lịch quốc tế lại thì tôi chỉ biết nói rằng: “ruột đau như cắt””, giọng ông trùng xuống.
Chủ tịch Tập đoàn FPT dẫn chứng: “Khách hàng rất muốn làm việc, nhưng họ nói rằng chờ bao giờ hết Covid mới đến Việt Nam gặp anh. Mà tôi chẳng biết bao giờ họ mới gặp mình. Đó là những cơ hội vô cùng quý giá. Nên đau lắm! Mà đó là may cho FPT còn… “đau nhẹ””.
Theo ông Trương Gia Bình, Việt Nam cần mở thị trường quốc tế theo thông lệ. |
Sở dĩ ông Trương Gia Bình nói vậy là bởi nỗi đau lớn hơn mà ông gọi là “đău nặng hơn” là không mở cửa thị trường quốc tế thì nhiều doanh nghiệp đã hết sức chịu đựng, không thể chống đỡ nổi nữa. Cả một lực lượng vật chất, kỹ thuật lớn, nào là khách sạn, máy bay, cửa hàng cửa hiệu đầu tư nhưng không đón khách, không có doanh thu. Nguồn của cải xã hội rất lớn nhưng năng lực, sức chịu đựng bị kiệt quệ.
Ông nhấn mạnh: “Và vô lý đến mức, nếu như không mở bây giờ thì chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội “ngàn năm có một”. Tôi nhẩm tính, dòng du lịch đi vào 5 nước gồm: Trung Quốc 150 triệu; Nhật Bản 42 triệu; Việt Nam và Hàn Quốc mỗi nước 18 triệu và Đài Loan 11 triệu. Một dòng 230 triệu người đang tắc nghẽn và một nước mở, trời ơi, dòng nước sẽ mát đến chừng nào. Và dòng du khách đó chảy vào đất nước nào, thì đất nước ấy sẽ bắt được một cơ hội tuyệt vời”.
Vậy thì Việt Nam mở cửa như thế nào? Theo Trưởng ban Ban IV, đầu tiên, Việt Nam cần mở thị trường quốc tế theo thông lệ. Bởi người Việt Nam không đặc biệt hơn người các nước, cũng không kém gì người các nước. Do đó, Việt Nam cần theo điều kiện, quy định quốc tế các nước đã công nhận. Còn đến du khách Việt Nam rồi, ông đề nghị cái gì người Việt Nam được làm thì cũng cho phép du khách quốc tế được trải nghiệm như vậy.
“Đừng nghĩ thêm nhiều. Tệ nhất là chúng ta nghĩ nhiều chuyện quá. Tốt nhất lúc này là chúng ta làm khác đi, theo hướng làm tốt hơn. Trước chúng ta đã mở visa cho nhiều nước rồi thì bây giờ hãy mở thêm cho nhiều nước hơn trước. Nay thủ tục đơn giản hơn nữa, dùng điện tử, blockchain công nghệ thông tin…”, ông bày tỏ và nhấn mạnh: “Hãy làm việc đơn giản vì quyền lợi của người dân, vì quyền lợi đất nước và tương lai của đất nước hôm nay và mai sau”.
Trước đó, trong thư gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về đề xuất công bố chính thức việc mở cửa du lịch quốc tế của Việt Nam, Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đề xuất nên chọn thời điểm ngày 1/5/2022 để chấm dứt tất cả các hạn chế di chuyển cả nội địa và quốc tế vào Việt Nam và từ Việt Nam (trùng với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
Để hoạt động đón khách quốc tế đạt hiệu quả, các chuyên gia khuyến nghị các bộ, ngành liên quan cần quan tâm đến các vấn đề như: Các cơ chế, quy trình cần thiết để triển khai chương trình cần được phối hợp ở cấp trung ương, thay vì để cho các địa phương thực hiện riêng rẽ; mở rộng miễn visa cho tất cả các thị trường mục tiêu và các quốc gia có nhiều đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; các đại sứ quán và cơ quan nhà nước tại các thị trường mục tiêu cần được thông báo rõ các kế hoạch này; dỡ bỏ yêu cầu đối với công dân mang hộ chiếu nước ngoài phải nộp hồ sơ xin “giấy phép nhập cảnh” và áp dụng trở lại như trước đây hệ thống quy định đối với khách nhập cảnh vào Việt Nam phải có thị thực hoặc được miễn thị thực; công dân Việt Nam ngay lập tức được tạo điều kiện trở về Việt Nam bằng chuyến bay thương mại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận