Ông Trump thực sự muốn gì trong thương chiến Mỹ - Trung?
Tuy các loại thuế quan áp lên Trung Quốc trong cuộc thương chiến đang gây ảnh hưởng ngắn hạn tới người tiêu dùng Mỹ, nhưng theo các chuyên gia, đó lại được cho là sự đánh đổi nhỏ để ngăn các nguy cơ lâu dài.
Các chuyên gia kinh tế và chủ doanh nghiệp thường cố gắng tự trấn an rằng các loại thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc chỉ là chiến thuật đàm phán thương mại tạm thời của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Thế nhưng, sự thật chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang dần trở thành một thực tế mới và kéo dài.
Sau khi Mỹ và Trung Quốc tuyên bố nối lại đàm phán thương mại vào đầu tháng 10, tạp chí National Review (Mỹ) ngày 5-9 đã đăng tải bài bình luận phản biện lại những lời phản đối với cuộc chiến thương mại hiện nay.
Theo tạp chí này, quyết định thay đổi cách tiếp cận Trung Quốc của ông Trump, từ thương mại tự do sang chiến tranh thương mại, là một trong những thay đổi chính sách đáng lưu ý nhất của lịch sử Mỹ gần đây.
Những người ủng hộ thương mại tự do thường nhìn các đòn thuế quan của ông Trunp là một chính sách kinh tế sai lầm. Nói như Thomas Donohue, giám đốc điều hành của Phòng Thương mại Mỹ, các loại thuế quan này là "thuế do chính các gia đình và doanh nghiệp Mỹ chi trả".
Tuy nhiên, National Review cho rằng giá trị thật của cuộc chiến thương mại này nằm ở chỗ ngăn doanh nghiệp Mỹ vô tình hỗ trợ cho sự trỗi dậy của Trung Quốc, quốc gia có các giá trị đối lập với Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) - Ảnh: REUTERS
Giới quan sát cho rằng chiến lược phát triển của Bắc Kinh là mối đe dọa đối với Washington. Sự bành trướng kinh tế của Trung Quốc đã kéo theo chính sách bành trướng quân sự tại châu Á. Đây là điều có thể khiến Trung Quốc vướng vào mâu thuẫn với đồng minh Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, và Philippines.
Các phát minh của Mỹ có thể trở thành động lực phát triển công nghiệp ở một nơi khác, khi doanh nghiệp tối đa hóa tính hiệu quả bằng cách đưa hoạt động kỹ thuật và quản lý của Mỹ đến gần khu vực sản xuất.
Điều khó tránh khỏi tiếp theo là các tiến bộ công nghệ kỹ thuật cũng sẽ dịch chuyển. Một nghiên cứu gần đây, khảo sát 369 nhà sản xuất Mỹ cho thấy họ đang di dời hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) của mình tới Trung Quốc để tận dụng chi phí rẻ và thu hẹp cự ly so với chuỗi sản xuất.
Tuy sự trỗi dậy của Trung Quốc là khó tránh khỏi, nhưng Mỹ có thể chọn cách giới hạn tối đa nguy cơ mà điều này mang lại, theo National Review.
Cuộc chiến thương mại của ông Trump đối với Trung Quốc thực tế là nhằm ngăn doanh nghiệp Mỹ góp phần cho sự trỗi dậy của nước này tăng tốc. Các loại thuế quan chỉ là một phần của chiến lược đó.
Nhiều công ty Mỹ, trong đó có Apple, HP, Dell, và công ty mẹ của Google là Alphabet, đã lên kế hoạch di dời chuỗi sản xuất của họ khỏi Trung Quốc. Lời kêu gọi doanh nghiệp Mỹ rời khỏi Trung Quốc của ông Trump đang được đáp lại nhờ biện pháp thuế quan của ông.
Đặc biệt, Bắc Kinh buộc phải hạ giá đồng nhân dân tệ để đối giảm gánh nặng cho hoạt động xuất khẩu, và do đó hoãn lại mục tiêu đưa đồng tiền của mình lên vị trí dẫn đầu thế giới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận