Ông Trump dọa nâng thuế, các chuyên gia Phố Wall nói gì?
Các chuyên gia trên Phố Wall kêu gọi bình tĩnh sau lời đe dọa mới nhất từ Tổng thống Mỹ Donald Trump trên Twitter vào chiều ngày Chủ nhật (05/05).
Ông Trump cảnh báo sẽ nâng thuế bổ sung đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc lên 25% vào ngày thứ Sáu (10/05) và Trung Quốc đang cân nhắc hủy bỏ cuộc đàm phán thương mại với Mỹ trong tuần này sau lời đe dọa trên.
Chỉ số Dow Jones có lúc giảm tới 471 điểm vào đầu phiên ngày thứ Hai (06/05) trước khi phục hồi và chỉ còn giảm 280 điểm.
“Chúng tôi nghĩ nhiều khả năng là cả hai bên sẽ né tránh kịch bản nâng thuế và xác suất xảy ra tình trạng leo thang thuế quan là khoảng 40%”, các chuyên viên phân tích tại Goldman Sachs cho biết.
“Trừ khi Trung Quốc không muốn đàm phán (không nhất thiết đồng nghĩa với chuyện Phó Thủ tướng Lưu Hạc hủy bỏ chuyến đi mà có nghĩa là họ không muốn đàm phán nữa), chúng tôi cho là sẽ không có sự leo thang căng thẳng thương mại thành cuộc chiến thương mại”, Citigroup cho biết.
Một số chuyên viên phân tích khác lại suy ngẫm về chuyện liệu các dòng tweet của ông Trump có phải là chiến thuật đàm phán hay không.
“Thời điểm đe dọa nâng thuế cho thấy đây là một chiến thuật được đưa ra để làm gia tăng đòn bẩy trước khi bước vào cuộc đàm phán thương mại cuối cùng”, UBS cho hay.
Sau đây, CNBC dẫn lại những nhận định của các chuyên gia về động thái mới nhất của ông Trump trong cuộc chiến thương mại.
Goldman Sachs
“Tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về chuyện nâng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc đã làm giảm khả năng khép lại các cuộc đàm phán thương mại một cách thành công và làm gia tăng khả năng leo thang thuế quan. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ nhiều khả năng là cả hai bên sẽ né tránh kịch bản nâng thuế và xác suất xảy ra tình trạng leo thang thuế quan là khoảng 40%”.
Citigroup
“Trừ khi Trung Quốc rút khỏi các cuộc đàm phán (không nhất thiết đồng nghĩa với chuyện Phó Thủ tướng Lưu Hạc hủy bỏ chuyến đi, mà có nghĩa là họ không muốn đàm phán nữa), chúng tôi cho là sẽ không có sự leo thang căng thẳng thương mại thành cuộc chiến thương mại. Dù vậy, chúng tôi lưu ý rằng xác suất của kịch bản ‘chiến tranh thương mại hôm nay, thỏa thuận thương mại ngày mai’ (Trade War today, Trade Deal tomorrow) vẫn còn cao, trong đó có khả năng là để thúc đẩy lạm phát Mỹ và kéo dài thời gian biểu của một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung sang năm bầu cử 2020. Chúng tôi vẫn lạc quan một cách thận trọng về thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung trong quý 2/2019, nhưng với lời đe dọa thuế quan vẫn còn giữ nguyên như là một cách để có được sự nhượng bộ của Trung Quốc và để buộc họ triển khai thỏa thuận”.
UBS
“Chẳng có thông tin nào rõ ràng cho thấy những gì đã khiến Tổng thống Trump phải củng cố lập trường của ông về các cuộc đàm phán thương mại, trong đó các nguồn tin truyền thông cho thấy lời đe dọa được đưa ra nhằm ‘truyền tải một thông điệp’ hoặc là để đáp lại việc Trung Quốc vặn vẹo những vấn đề đã bàn luận từ trước. Thời điểm đưa ra lời đe dọa cho thấy đây là một chiến thuật được thiết kế để làm gia tăng đòn bẩy trước khi bước vào các cuộc đàm phán thương mại cuối cùng”.
Raymond James
“Tiến triển trong các cuộc đàm phán thương mại đã bị đảo lộn với lời đe dọa nâng thuế mới đây của Tổng thống Trump (25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào ngày 10/05 và 25% lên 325 tỷ USD hàng hóa khác), sự chùn bước rõ ràng của Trung Quốc (nhất là về chuyển giao công nghệ) và lời đe dọa hủy bỏ cuộc đàm phán tuần này từ phía Trung Quốc. Chúng tôi trước đó đã chứng kiến Tổng thống Trump đe dọa áp thuế mới trước thềm cuộc họp G20 năm ngoái (2018) và nó chỉ được sử dụng như là đòn bẩy trong các cuộc đàm phán. Điều này dẫn tới sự suy đoán cho rằng ông Trump đang muốn sử dụng lời đe dọa áp thuế để có một thỏa thuận. Vẫn còn đó những hy vọng cho rằng các cuộc đàm phán có thể vẫn được tiếp tục, nhưng tình hình hiện nay cho thấy thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung đang mong manh tới nhường nào”.
Morgan Stanley
“Đây có thể là một chiến thuật gây áp lực để đẩy nhanh việc tiến tới sự đồng nhất về các vấn đề còn chưa giải quyết như thời điểm gỡ bỏ các hàng rào thuế quan, những chi tiết liên quan tới cơ chế triển khai thỏa thuận và trợ cấp công nghiệp. Mặc dù chúng tôi kỳ vọng việc căng thẳng thương mại dâng cao trở lại chỉ mang tính tạm thời, khi sự suy yếu của thị trường sẽ giúp mang cả hai trở lại bàn đàm phán, bất kỳ sự leo thang nào cũng làm gia tăng sự bất ổn và tác động mạnh tới thị trường tài sản rủi ro”.
Bank of America
“Phản ứng tức thời của thị trường cho thấy sự leo thang căng thẳng thương mại mới đây hoàn toàn là một điều bất ngờ đối với nhà đầu tư. Điều này có nghĩa thị trường có thể sắp trải qua con đường khá gập ghềnh trước khi hai bên tiến tới một thỏa thuận”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận