Ông Trần Xuân Bách (BVS): “Chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn trong nửa cuối năm 2019”
Ông Trần Xuân Bách - Chuyên viên Phân tích và Chiến lược thị trường của CTCK Bảo Việt (BVS) cho rằng: “Thị trường chứng khoán (TTCK) vẫn là một kênh đầu tư hấp dẫn và việc phân bổ một lượng tiền vào chứng khoán là một sự lựa chọn hợp lý trong giai đoạn nửa cuối năm”.
Chia sẻ với người viết, ông Bách cho rằng TTCK nửa cuối năm 2019 có thể sẽ diễn biến tích cực hơn nhờ bối cảnh đồng USD ổn định, việc đẩy mạnh đầu tư của Chính phủ, kỳ vọng dòng vốn ETF đón đầu khả năng nâng hạng. Ông Bách dự báo VN-Index có thể đóng cửa năm 2019 ở vùng 1,000 - 1,025 điểm.
Trên cơ sở đó, nhà đầu tư có thể phân bổ một phần tài sản vào cổ phiếu với chiến lược mua tích lũy các cổ phiếu vốn hóa lớn có nền tảng cơ bản và tiềm năng tăng trưởng tốt. Ngoài ra, việc phân bổ một phần danh mục đầu tư vào trái phiếu hoặc tiền gửi có kỳ hạn cũng đáng để xem xét.
Ông Bách cho rằng TTCK Việt Nam sẽ thu hút thêm dòng vốn mới trong nửa cuối năm nay nhờ hai yếu tố.
Thứ nhất, việc Fed có thể hạ lãi suất có thể sẽ tạo ra làn sóng cắt giảm lãi suất ở Ngân hàng trung ương các nước, giúp cho nhà đầu tư có thể tiếp cận dòng tiền rẻ và dẫn đến việc dòng tiền bơm ròng vào thị trường mới nổi và thị trường cận biến.
Thứ hai, sự kiện nâng hạng lên thị trường mới nổi được sự quan tâm lớn của Chính phủ, do vậy việc đáp ứng được các tiêu chí gần như là xu thế tất yếu. Thị trường chứng khoán sẽ đón nhận được dòng vốn lớn mới từ các quỹ đầu tư theo các chỉ số của FTSE và MSCI. Các bluechip lớn còn hở room ngoại và có tỷ lệ free-float lớn sẽ được hưởng lợi.
Tập trung cổ phiếu vốn hóa lớn
Trong giai đoạn còn lại của năm 2019, các nhóm ngành như ngân hàng, bất động sản, khu công nghiệp, công nghệ thông tin, bán lẻ, dệt may, thủy sản… được ông Bách dự báo sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng tích cực về lợi nhuận, qua đó có thể duy trì được sự quan tâm của dòng tiền. Trong đó, các cổ phiếu vốn hóa lớn mới là tâm điểm và có vai trò chủ đạo trong việc dẫn dắt thị trường trong thời gian tới với sự hỗ trợ của dòng vốn ngoại.
Bàn về thương chiến Mỹ - Trung, ông Bách cho rằng nếu chiến tranh thương mại leo thang với việc Mỹ áp thuế toàn bộ lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, thị phần hàng Việt Nam tại Mỹ có thể tăng thêm 1%, tương đương 25 tỷ USD. Cùng với đó, xuất khẩu các nhóm hàng dệt may, giày dép, đồ chơi, dụng cụ thể thao... sẽ tích cực rõ nét hơn.
Thêm vào đó, khi EVFTA có hiệu lực, thì các nhóm ngành được hưởng lợi nhiều nhất là dệt may, giày dép, thủy sản, nông sản (cà phê, hạt điều).
Theo dự báo của ông Bách, lợi nhuận cả năm 2019 của ngành dệt may và thủy sản đều có sự tăng trưởng với các mức tăng lần lượt là 15.1% và 15.9%. Với các yếu tố trên, dư địa tăng giá của 2 nhóm ngành này sẽ vẫn còn nhiều trong thời gian tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận