menu
24hmoney

Bài của Dũng Chín

Ảnh đại diện
Chia sẻ với người viết trong một cuộc trao đổi về chiến lược đầu tư cho năm 2020, ông Đức Anh chỉ ra rằng xuyên suốt nửa cuối năm 2019, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam biến động giằng co trong biên độ 940 - 1,020 điểm và những nỗ lực bứt phá lên các vùng giá cao hơn ngay lập tức chịu áp lực chốt lời mạnh.
Chia sẻ với người viết trong một cuộc trao đổi về chiến lược đầu tư cho năm 2020, ông Đức Anh chỉ  ...
​​Ông Trần Đức Anh
Vị chuyên gia cho biết yếu tố rủi ro toàn cầu vẫn hiện hữu, trong khi động lực tăng trưởng trong nước chưa đủ mạnh. Cho nửa đầu năm 2020, ông Đức Anh nhận định các yếu tố thuận lợi có phần chiếm ưu thế hơn so với nửa cuối năm 2019, đặc biệt là những yếu tố ngoại biên.
Tình hình sẽ “dễ thở” hơn trong 6 tháng đầu năm
Theo ông Đức Anh, các yếu tố rủi ro vẫn tồn tại như việc tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại; rủi ro suy thoái kinh tế Mỹ là hiện hữu (với xác suất 25% - 30% trong năm 2020); rủi ro hạ cánh cứng của kinh tế Trung Quốc hay các xung đột địa chính trị trong khu vực…
Tuy nhiên, nửa đầu năm tới dự báo sẽ xuất hiện các yếu tố mang tính hỗ trợ như căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tạm lắng xuống; bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào cuối năm (thống kê quá khứ cho thấy trong 23 năm gần nhất diễn ra kỳ bầu cử, thị trường chứng khoán Mỹ tăng trong 19 năm); xu hướng nới lỏng tiền tệ (hoặc ít nhất duy trì trạng thái hiện tại) của các ngân hàng trung ương lớn; Brexit đạt được thỏa thuận cuối cùng…
Bên cạnh đó, ông Đức Anh đánh giá điều kiện vĩ mô trong nước vẫn sẽ tiếp tục xu hướng tăng trưởng ổn định trong nửa đầu năm 2020. Hoạt động sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp vẫn tiếp tục tăng trưởng. Thời điểm chính thức triển khai các sản phẩm ETFs mới sẽ là yếu tố hỗ trợ thị trường, mặc dù dư địa tăng tiếp trong ngắn hạn ở nhóm cổ phiếu hưởng lợi là không lớn. Kỳ vọng vào việc nâng hạng của FTSE hay đẩy nhanh công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước cũng là những yếu tố tạo kỳ vọng cho nhà đầu tư.
Chú ý vào 3 nhóm doanh nghiệp
Với các cơ sở trên, ông Đức Anh cho rằng P/E hợp lý của thị trường trong nửa đầu năm 2020 sẽ tăng nhẹ so với giai đoạn nửa cuối năm 2019 (trong khoảng 16 đến 17 lần), kết hợp với mức tăng nhẹ về lợi nhuận doanh nghiệp (với dự báo thận trọng EPS thị trường tăng 2% trong nửa đầu năm), vùng giá hợp lý giai đoạn nửa đầu năm 2020 của chỉ số VN-Index sẽ trong khoảng 970 - 1,060 điểm.
Với kịch bản thị trường chứng khoán khó bứt phá mạnh mẽ, nhà đầu tư được khuyến nghị tập trung hơn vào việc lựa chọn cổ phiếu để mang lại lợi nhuận tốt, khi mà sự phân hóa mạnh dự báo vẫn tiếp diễn. Cụ thể, chuyên gia chỉ ra 3 nhóm doanh nghiệp mà nhà đầu tư cần quan tâm trong thời gian tới.
Thứ nhất, nhóm ngành mang tính chất tăng trưởng dài hạn, do hưởng lợi từ bối cảnh vĩ mô hiện tại như cơ cấu dân số trẻ, thu nhập tầng lớp trung lưu tăng, xu hướng ứng dụng công nghệ trong đời sống, cũng như hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Các ngành nổi bật có thể kể đến ngân hàng, hàng tiêu dùng, công nghệ thông tin…
Thứ hai, nhóm doanh nghiệp (có thể) đón nhận dòng tiền lớn từ khối ngoại nhờ việc ra đời các ETFs mới, triển khai NVDR (chứng chỉ không có quyền biểu quyết) và triển vọng nâng hạng của TTCK Việt Nam. Các nhóm doanh nghiệp này phần đông đều là các doanh nghiệp Large Cap (vốn hóa lớn), hiện đang nằm trong rổ Vietnam Diamond, Vietnam Financial Select và Vietnam Leading Financial… hoặc có cơ hội gia tăng tỷ trọng trong các rổ ETFs quốc tế nếu TTCK Việt Nam được nâng hạng.
Cuối cùng là nhóm các doanh nghiệp hưởng lợi từ diễn biến chiến tranh thương mại. Năm 2020 được dự báo là năm khá trầm lắng của “chiến tranh thương mại Mỹ - Trung” do đây là năm diễn ra bầu cử Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, vị chuyên gia không loại trừ hoàn toàn việc sẽ xuất hiện các xáo trộn nhất định liên quan đến yếu tố này ở một vài thời điểm. Qua đó, các nhóm doanh nghiệp liên quan như dệt may, bất động sản khu công nghiệp, cảng biển… cũng sẽ có những nhịp biến động nhất định.
“Mặc dù nhóm cổ phiếu Mid Cap & Small Cap (vốn hóa vừa và nhỏ) hiện đang được định giá thấp hơn tương đối (tham chiếu theo hệ số P/E, P/B) so với nhóm Large Cap, tuy nhiên, tôi duy trì quan điểm năm 2020 chưa phải là năm phù hợp để hướng dòng tiền đến nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ. Nguyên nhân là do kết quả kinh doanh (KQKD) các doanh nghiệp này trong nhiều quý trở lại đây cho thấy một xu hướng rõ nét và tương phản, với lợi nhuận các doanh nghiệp vốn hóa lớn tăng trưởng mạnh mẽ, trong khi nhóm Mid Cap & Small Cap có KQKD tương đối ảm đạm.
Như vậy, có thể nói nhóm cổ phiếu Large Cap đang bị định giá đắt hơn tương đối là hoàn toàn hợp lý nếu xét thêm biến số về tăng trưởng. Xu hướng này chưa có dấu hiệu đảo ngược trong năm 2020” - ông Đức Anh chia sẻ.
Đánh giá về các kênh đầu tư khác
Với các kênh đầu tư ngoài cổ phiếu, ông Đức Anh khuyến nghị:
Nhà đầu tư cá nhân không chuyên, với mức độ chấp nhận rủi ro thấp, việc đầu tư vào kênh trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất cố định là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, bất cứ kênh đầu tư nào cũng có rủi ro riêng, nhà đầu tư không nên quá chú tâm đến các loại trái phiếu trả lãi cao mà bỏ qua việc đánh giá rủi ro. Ông Đức Anh cho rằng các trái phiếu có lãi suất trên dưới 10% do các tổ chức tài chính uy tín bảo lãnh phát hành có thể coi là lựa chọn tốt.
Trong khi đó, nếu không có các thay đổi mang tính đột phá đối với sản phẩm chứng quyền có đảm bảo (như cho phép triển khai chứng quyền bán, hạ thấp mức premium của các chứng quyền, tăng thêm số lượng cổ phiếu được lựa chọn để triển khai…), vị chuyên gia đánh giá sẽ khó có thể thu hút dòng tiền hướng vào thị trường này. Về phần hợp đồng tương lai chỉ số VN30, cơ hội kiếm lời trên thị trường này là có, tuy nhiên sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng dự báo của mỗi nhà đầu tư.
Mặt khác, ông Đức Anh chia sẻ rằng: “Đối với thị trường bất động sản, mặc dù vẫn có những dự án hấp dẫn với tiềm năng mang lại lợi nhuận tốt, tuy nhiên xét về tổng thể tôi không đánh giá cao triển vọng của lĩnh vực này khi mà dòng vốn ngân hàng đang dần bị hạn chế theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước; công tác quy hoạch sử dụng đất còn nhiều bất cập, đặc biệt ở khâu giải phóng mặt bằng; trình tự, thủ tục đầu tư còn chồng chéo, chưa thống nhất và gây khó khăn cho doanh nghiệp…
Còn về kênh đầu tư vàng, nhà đầu tư chỉ nên cân nhắc đầu tư khi nhận thấy các yếu tố rủi ro (cả trong nước và quốc tế) gia tăng, nhất là trong bối cảnh giá vàng đã trải qua nhịp tăng mạnh và hiện đang biến động ở vùng giá cao.”
Nhà đầu tư lưu ý
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ