Ông Trần Bá Dương: ‘Chờ giải cứu thì không phải là nhà kinh doanh'
Nói về câu chuyện giải cứu nông sản xảy ra rất nhiều trong những năm vừa qua, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương cho rằng, cần phải đánh giá đúng về vị trí của ngành nông nghiệp.
Những ngày sau Tết Nguyên Đán, ngập tràn trên các trang mạng xã hội và các kênh truyền thông là những bài viết, hình ảnh có băng rôn kêu gọi cộng đồng, người tiêu dùng tham gia giải cứu nông sản do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco), những cụm từ xuất hiện khá phổ biến như “chất đống”, “đổ đầy đường”, "kẹt"… tạo một góc nhìn rất tiêu cực, ngành nông nghiệp bị coi là một ngành nghèo nàn và thấp kém.
“Tôi đồng tình với tinh thần tương thân tương ái của cộng đồng, nhưng cách nói thái quá của một số tổ chức đứng ra giải cứu khiến tôi đang làm nông dân cũng thấy chạnh lòng", ông Dương chia sẻ tại hội nghị "Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản, cơ giới hoá nông nghiệp" được tổ chức mới đây.
"Việc sản phẩm đổ đầy đường rồi nói là giải cứu làm mất đi nhuệ khí, thậm chí mất đi tinh thần tự do của sản xuất kinh tế thị trường”, ông Dương nói.
Theo ông Dương, nông nghiệp cần được coi là một ngành kinh doanh với một chuỗi cung ứng bao gồm người trồng, người chế biến, người vận chuyển, người bán… Nông nghiệp phải được coi là một ngành sản xuất hàng hóa, một ngành kinh doanh theo đúng cơ chế thị trường.
“Nếu làm kinh doanh mà chờ giải cứu thì không phải là nhà kinh doanh”, ông Dương nhìn nhận.
Theo lãnh đạo Thaco, khi người nông dân ý thức được điều này thì mới sản xuất được theo chuỗi liên kết và doanh nghiệp sẵn sàng bảo vệ đối tác của mình. Trong chuỗi sản xuất, doanh nghiệp lớn đương nhiên phải bảo vệ đối tác trong chuỗi giá trị, trong đó có người nông dân. Tuy nhiên, mối liên kết giữa sản xuất và phân phối vẫn còn đòi hỏi nhiều nỗ lực và trách nhiệm.
Theo doanh nhân này, cần có các doanh nghiệp lớn đầu đàn, có nhận thức và trách nhiệm đóng góp cho xã hội. Sau khi đã có thị trường, mô hình và công nghệ thì các doanh nghiệp này phải tiến hành chuyển giao và đưa nông dân vào chuỗi giá trị.
Ông Dương lấy ví dụ, các tập đoàn nước ngoài vào Việt Nam đã làm được điều này, tiêu biểu là tập đoàn CP đến từ Thái Lan.
Cũng là “giải cứu nông sản” nhưng rõ ràng, những chiếc bánh mỳ thanh long do "vua bánh mì" Kao Siêu Lực sáng tạo không làm mất đi giá trị của thanh long trong mắt người tiêu dùng. Họ tìm mua bánh mỳ thanh long không nhằm mục đích giải cứu thanh long mà vì muốn tìm đến một sản phẩm ngon, lạ với giá cả hợp lý (khoảng 4.500 đồng/chiếc).
Một loạt siêu thị lớn như VinMart, Lotte Mart, Big C cũng làm bánh mỳ thanh long sau cơn sốt do ông Lực tạo ra. Rất nhiều cửa hàng cũng dùng thanh long để làm các loại bánh, pizza, xôi…
Công ty Lavifood đã nghiên cứu và sản xuất thành công nước thanh long 100% tự nhiên nhãn hiệu We Love, cùng các sản phẩm chế biến.
Trong đợt dịch Covid-19 này, Lavifood tăng cường thu mua thanh long nguyên liệu từ người dân với mức giá từ 12-15 nghìn đồng/kg tuỳ loại. Phần lớn thanh long được chế biến thành các sản phẩm ăn liền như nước thanh long, thanh long sấy, cấp đông, chần trụng và một phần được xuất khẩu tươi qua các cảng biển.
Sau thành công của bánh mỳ cũng như các sản phẩm khác từ thanh long, nhiều đơn vị cũng đang nghiên cứu sản xuất các sản phẩm từ dưa hấu, cam…
Đặc biệt, những chiếc pizza dưa hấu đang được nhiều người tiêu dùng Hà Nội “hóng mua” khi thông tin pizza dưa hấu sắp có mặt trên thị trường. Rõ ràng, người tiêu dùng mua dưa hấu cho bà con nông dân theo một cách gián tiếp, trong một tâm thế khác hẳn việc ra những “đống dưa hấu đổ bên đường” để mua.
Có thể thấy, việc giải cứu hiện vẫn rất cần thiết để giúp bà con qua được giai đoạn khó khăn trước mắt. Nhưng để việc giải cứu thực sự hiệu quả, không tốn quá nhiều nguồn nhân lực thì cần một bài toán mang tính dài hạn, đặc biệt là sự tham gia của nhiều doanh nghiệp hơn trong việc kết hợp đưa người nông dân vào chuỗi giá trị, tạo các sản phẩm mới, chất lượng và giá cả hợp lý cho người tiêu dùng. Điều này cũng sẽ làm giảm bớt tần suất những lời kêu gọi giải cứu nông sản.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá, tỉnh Long An là một trong những địa phương đã tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu rất tích cực trong thời gian qua. Đặc biệt, tỉnh này đã chuyển 5 vạn hecta các chủng loại cây ăn quả chính rất tốt. Hạn mặn năm nay cũng hạ xuống mức thấp nhất nhờ vào việc chuyển đổi này.
Tỷ phú Trần Bá Dương nhìn nhận, nông nghiệp Việt Nam trong thời gian qua phát triển rất tốt nhưng đã đến lúc cần phải xem xét để có những cơ cấu lại mà chủ yếu là dựa vào những yêu cầu của các thị trường quốc tế trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới.
Khi tổ chức sản xuất ở quy mô nhỏ hơn thì các doanh nghiệp phải có sự chuyển giao công nghệ, mô hình cho người nông dân. Khi đó, người nông dân làm ở quy mô nhỏ lẻ sẽ được tham gia vào một chuỗi giá trị vững mạnh, được bảo vệ, được cam kết về đầu ra. Ngoài ra, doanh nghiệp cùng nông dân và các nhà khoa học nghiên cứu sản phẩm chất lượng, yêu cầu của thị trường.
Chủ tịch Thaco cũng cho rằng, ngành nông nghiệp đang bị vô cơ hóa quá nặng, dẫn tới đời sống sinh học cùa sản phẩm nông nghiệp thấp. Do đó, doanh nhân này đề xuất, nông nghiệp cần dựa trên một nền tảng là hữu cơ có tính tích hợp, đồng bộ cao, từ giai đoạn giống đến chăm sóc, phân bón, bảo quản… và chứng nhận với khách hàng để tạo giá trị.
Để các doanh nghiệp sẵn sàng tham gia nâng cao giá trị của ngành nông nghiệp, ông Dương cho rằng, việc khó nhất vẫn là thuyết phục ngân hàng trong vấn đề vốn vì ngân hàng lo sợ những rủi ro trong ngành nông nghiệp. “Nhưng nếu làm khác thì sẽ không có rủi ro, đảm bảo được nông nghiệp là ngành chủ lực của đất nước”, ông Dương nói.
Chủ tịch Thaco khẳng định: “Không có nhiều doanh nghiệp dám làm khác, dám thay đổi thì làm sao phát triển. Ngân hàng cần nghiêm túc nghiên cứu đồng hành cùng doanh nghiệp, chúng tôi sẵn sàng thế chấp mọi thứ. Đánh giá thấp ngành nông nghiệp sẽ làm mất đi động lực đầu tư”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận