Ông Tất Thành Cang gây thiệt hại 157 tỉ đồng bằng cách nào?
Cơ quan CSĐT Công an TP HCM vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp đề nghị truy tố ông Tất Thành Cang và đồng phạm.
Ngày 12/1, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM đề nghị truy tố bị can Tất Thành Cang về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí".
Theo kết luận điều tra, từ ngày 5/2/2016 đến 7/1/2019, ông Tất Thành Cang với vai trò là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM có trách nhiệm giám sát thực hiện dự toán ngân sách Đảng bộ Thành phố được Ban Thường vụ Thành ủy thông qua; việc thực hiện quyết định chủ trương đầu tư các dự án, các công trình, chương trình đầu tư phát triển của Đảng bộ Thành phố.
Đến ngày 16/5/2017, ông Tất Thành Cang đã phê vào tờ trình của Văn phòng Thành ủy với giá phát hành cổ phần được xác định cụ thể là 40.000 đồng/cổ phần cho cổ đông chiến lược là sai theo quy định luật doanh nghiệp.
Với những sai phạm của mình, ông Tất Thành Cang phải chịu trách nhiệm với thiệt hại 157 tỉ đồng của Văn phòng Thành ủy TP.HCM, tương ứng tỉ lệ sở hữu vốn (16,7%) tại Công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn (SADECO).
Trước đó, ngày 16/12/2020, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Tất Thành Cang để điều tra về tội danh "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”.
Trước đó, thông tin trên báo chí có nêu, Công ty SADECO có vốn góp của các cổ đông nhà nước gồm: Công ty IPC, Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng Tân Thuận (Công ty Tân Thuận), Văn phòng Thành ủy TP.HCM và các tổ chức khác.
Bên cạnh đó, SADECO có cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim. Công ty IPC, Công ty Tân Thuận, Văn phòng Thành ủy sẽ cử nhân sự đại diện vốn nhà nước tham gia các vị trí, chức vụ quản lý (hội đồng quản trị, ban kiểm soát...) tại SADECO.
Năm 2017, từ đề xuất tăng vốn, SADECO đã bán 9 triệu cổ phiếu của mình cho đối tác chiến lược Nguyễn Kim để thu về 360 tỉ đồng. Tuy nhiên toàn bộ số tiền này được SADECO gửi ngân hàng lấy lãi. Quá trình tăng vốn, bán cổ phiếu có vai trò của nhóm đại diện, quản lý vốn nhà nước tại SADECO.
Sự việc này, năm 2018, Thanh tra TP.HCM đã có kết luận chỉ ra rằng thời điểm phát hành cổ phiếu SADECO chưa thực sự có nhu cầu cần thiết tăng vốn. Việc bán với giá 40.000 đồng/cổ phiếu có khả năng gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng cho SADECO dẫn đến thiệt hại vốn nhà nước.
Đồng thời phi vụ bán chỉ định cổ phiếu giá rẻ trên đã giúp Nguyễn Kim thâu tóm SADECO (sau khi mua 9 triệu cổ phiếu, Nguyễn Kim sở hữu tỉ lệ 34,6% vốn tại SADECO). Trong khi hoạt động kinh doanh tại SADECO rất hiệu quả, tỉ lệ chia cổ tức hằng năm cao (năm 2015 là 20%, năm 2016 là 40%, năm 2017 là 10%).
Còn nhóm cổ đông nhà nước sau khi bán 9 triệu cổ phiếu thì tỉ lệ sở hữu vốn tại SADECO đã giảm sâu.
Cụ thể: trước khi bán 9 triệu cổ phiếu, tỉ lệ sở hữu của IPC, Công ty Tân Thuận và Văn phòng Thành ủy lần lượt là 44%, 14,1%, 2,6%. Sau khi bán 9 triệu cổ phiếu, tỉ lệ còn lần lượt là 28,8%, 9,2%, 1,7%.
Vụ án "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí" được điều tra khởi đầu vào tháng 5-2019 với việc cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam Tề Trí Dũng, cựu tổng giám đốc Công ty IPC kiêm chủ tịch hội đồng quản trị Công ty SADECO và Hồ Thị Thanh Phúc, cựu tổng giám đốc Công ty SADECO.
Quá trình điều tra mở rộng, cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố, bắt thêm nhiều người liên quan và cuối cùng là ông Tất Thành Cang.
Tổng cộng vụ án này có 19 bị can bị Cơ quan điều tra kết luận đề nghị Viện kiểm sát truy tố về các tội danh liên quan.
20 bị can liên quan vụ án:
|
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận