Ông Tập buông lời đả kích Mỹ trước khi gặp ông Trump
Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chuẩn bị cho một trong những cuộc họp quan trọng nhất trong 7 năm qua, dường như ông ấy đang nhắm tới Donald Trump, ngay cả khi ông không nói vậy một cách trực tiếp,
Trong cuộc trao đổi với các nhà lãnh đạo khác trước cuộc họp quan trọng với ông Trump bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản vào ngày mai (29/06), ông Tập không từ bỏ cơ hội nào để mô tả Mỹ là “kẻ xấu” trong cuộc xung đột thương mại Mỹ-Trung, đồng thời không đề cập tới tên của ông Trump để tránh khiêu khích.
Trong những nhận định gửi tới các nhà lãnh đạo châu Phi vào sáng hôm nay (28/06), ông Tập đả kích thẳng vào câu slogan chính sách của ông Trump, “Nước Mỹ trên hết”. Cảnh báo về các “hành vi bắt nạt”, ông Tập cho biết “mọi nỗ lực đặt lợi ích của một bên lên trước tiên và hủy hoại lợi ích của các bên khác sẽ không được ủng hộ”.
Sau đó, ông Tập sử dụng tới những nhận định về nền kinh tế kỹ thuật số để kêu gọi “tạo ra một môi trường thị trường công bằng, bình đẳng”, cũng như “sự toàn vẹn và khả năng tồn tại của chuỗi cung ứng toàn cầu”. Những nhận định này được đưa ra khi ông Trump nhắm tới “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc Huawei Technologies, cho rằng mối quan hệ giữa Huawei với Chính phủ Trung Quốc có thể cho phép Bắc Kinh dò tham thông qua các thiết bị của Huawei và kêu gọi các quốc gia khác né tránh công ty này khi phát triển mạng lưới 5G.
Đêm trước (27/06), ông Tập nói với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in rằng ông phản đối chủ nghĩa bảo hộ cũng như bất kỳ sự tác động “bên ngoài” nào tới mối quan hệ giữa hai quốc gia.
Những lời đả kích của ông Tập về ông Trump nhấn mạnh tới sự cân bằng tinh tế mà ông cần phải đạt được: Ông không những phải tránh bị xem là yếu ớt khi đối phó với Tổng thống Mỹ, mà còn không được để cuộc chiến thương mại tồi tệ thêm bằng cách khiêu khích ông Trump. Mặc dù đã áp hàng rào thuế quan lên Trung Quốc, nhưng Tổng thống Mỹ vẫn hài lòng với mối quan hệ bạn bè với ông Tập và nói về nhà lãnh đạo Trung Quốc với sự ngưỡng mộ.
“Ông Tập và Trung Quốc rõ ràng muốn thể hiện sự bất mãn với cách Mỹ xử lý các cuộc đàm phán”, Trey McArver, nhà đồng sáng lập của công ty nghiên cứu Trivium China ở Bắc Kinh, cho hay. “Thế nhưng, ông ấy vẫn muốn gặp ông Trump. Nó thể hiện rõ vị thế khó khăn của ông Tập tại thời điểm này: Muốn hoàn tất một thỏa thuận, nhưng cũng muốn có một vài nguyên tắc nền tảng cho các cuộc đàm phán”.
Những nhận định của ông Tập tại hội nghị G20 cũng phù hợp với mong muốn đó. Giới truyền thông Nhà nước Trung Quốc đã xuất bản những bài báo mang tính thách thức, cho rằng Mỹ đã gây ra bế tắc về thương mại và khẳng định lại sức mạnh của Trung Quốc, nhưng lại không đề cập cụ thể tới tên của ông Trump hoặc các quan chức thương mại khác của Mỹ. Bắc Kinh đã buông lời đe dọa sẽ cắt nguồn cung đất hiếm cho Mỹ, nhưng sau đó, các quan chức đã ngừng đưa ra những lời đe dọa cụ thể như vậy.
Vẫn còn chưa rõ là cuộc gặp ngày mai có mang lại bước đột phá nào hay không hoặc liệu hai bên có tiến tới thỏa thuận đình chiến thương mại mới hay không. Nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Trung Quốc, Phó Thủ tướng Lưu Hạc đã gặp Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer trong ngày hôm nay để đàm phán tại một khách sạn ở Osaka, một quan chức cho biết.
Dù bằng cách nào, kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy sự tín nhiệm đối với cách tiếp cận của ông Tập. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã nhiều lần chỉ trích đối thủ vì lùn, xấu và nhàm chán. Sau khi nhậm chức, ông mô tả Kim Jong Un là "người đàn ông tên lửa” (rocket man), Thủ tướng Canada Justin Trudeau là “không trung thực và yếu đuối”, Thị trưởng Luân Đôn Sadiq Khan là một "sự ô nhục của quốc gia”.
Vậy mà ông Tập lại nhận được nhiều lời khen từ ông Trump. Có lần, ông Trump gọi ông Tập là “người tuyệt vời” và “người tốt”. Ông mô tả ông Tập là “vua của Trung Quốc” sau quyết định bỏ luật về nhiệm kỳ Chủ tịch Trung Quốc trong năm 2018 và khoe rằng đã phục vụ ông Tập bằng “chiếc bánh sô cô la đẹp nhất” và nói những đứa cháu biểu diễn bài hát trước nhà lãnh đạo Trung Quốc và vợ của ông ấy.
Ở chiều ngược lại, Bắc Kinh cũng dành nhiều lời khen cho ông Trump. Tại hội nghị thượng đỉnh G20 từ 2 năm trước ở Hamburg, một quan chức cấp cao cho biết các nhà đàm phán Trung Quốc “đã đọc cuốn sách ‘nghệ thuật đàm phán’ của ông Trump với sự tôn trọng”. Họ còn mời con gái của ông Trump, Ivanka, và con rể Jared Kushner tới các buổi gala ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, các quan chức Trung Quốc đã bắt đầu đưa ra những nhận định cứng rắn hơn khi cuộc chiến thương mại kéo dài. Bộ Ngoại giao Trung Quốc gần đây đã cáo buộc Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo tuyên truyền "những lời dối trá và ngụy biện”, trong khi tờ Nhân dân Nhật báo – cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc – mô tả Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio như “chú hề mang tư tưởng chống Trung Quốc”.
Thế nhưng, Bắc Kinh lại tránh chỉ trích tới ông Trump và các nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Mỹ, ngay cả sau khi Tổng thống Mỹ chính thức xác định Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược” trong năm 2018, nâng thuế nhiều lần và tăng cường các nỗ lực để kìm hãm các công ty đầu tàu của Trung Quốc, từ Huawei cho tới ZTE. Nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng yếu nhất kể từ thập niên 90.
Khi đang chuẩn bị cho cuộc họp vô cùng quan trọng với ông Trump, ông Tập có thể tự hỏi mình một lần nữa: Tình bạn đáng giá bao nhiêu?
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận