‘Ông Tân kiện Cocobay như con kiến kiện củ khoai’
Luật sư Trương Thanh Đức phân tích ông Mai Huy Tân có khả năng thắng cao nếu khởi kiện Thành Đô. Song để đến giai đoạn đòi được quyền lợi thì sẽ mất nhiều năm, thậm chí cả chục năm.
Thị trường bất động sản đang xôn xao trước thông tin CTCP Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô (chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng) phát đi thông báo số 233/CV-TD liên quan đến việc thực hiện cam kết lợi nhuận condotel với khách hàng tại dự án Cocobay Đà Nẵng.
Nội dung thông báo cho biết, việc kinh doanh loại hình condotel thời gian qua gặp nhiều khó khăn vì thế kể từ ngày 1/1/2020, Công ty Thành Đô sẽ chấm dứt việc chi trả lợi nhuận 12%/năm như đã cam kết trong hợp đồng khi mua condotel tại dự án Cocobay Đà Nẵng. Công ty chỉ chịu trách nhiệm với các khoản lợi nhuận như đã cam kết đến hết ngày 31/12/2019 cho các khách hàng condotel.
Bên cạnh đó, Công ty Thành Đô cũng đưa ra một số hướng giải quyết đối với các khách hàng đã mua sản phẩm condotel tại Cocobay Đà Nẵng gồm: Khách hàng tiếp tục hợp tác với chủ đầu tư và tiến hành chuyển đổi các condotel thành căn hộ chung cư với chi phí chuyển đổi dự kiến 15% giá trị căn hộ và được toàn quyền sử dụng như một căn hộ chung cư bình thường. Khách hàng cũng có thể giao lại cho chủ đầu tư căn hộ đó để tiếp tục kinh doanh với những cam kết về thu nhập cố định hàng năm.
Hay, khách hàng vẫn giữ lại các condotel và tiếp tục để chủ đầu tư kinh doanh theo hợp đồng đã ký kết như: không nộp phí chuyển đổi, không được ở; giao lại cho đơn vị vận hành Công ty Thành Đô lựa chọn để chìa khóa lợi nhuận theo nguyên tắc ký hợp đồng 10 năm kể từ ngày 1/1/2020 và sau 10 năm chủ sở hữu có thể tiếp tục hợp tác với đơn vị vận hành hoặc tự tổ chức kinh doanh tuân theo quy chế của Tổ hợp Cocobay. Hoặc khách hàng sẽ được nhận ưu đãi khi mua các sản phẩm bất động sản mới của dự án.
Hướng thứ hai mà Thành Đô thông báo là khách hàng thanh lý hợp đồng mua bán và giao lại các sản phẩm condotel cho khách hàng để tự kinh doanh, mua bán, chuyển nhượng mà không có bất kỳ một khoản lợi nhuận cam kết nào như đã ký trước đây. Đồng thời khách hàng nếu tự kinh doanh thì phải đóng một khoản phí vận hành, sử dụng nhất định.
Giải pháp tiếp theo là hai bên tiến hành thanh lý các condotel đã ký hợp đồng, chủ đầu tư hoàn lại tiền cho khách hàng theo nguyên giá trong hợp đồng đã ký, nhưng Công ty Thành Đô sẽ khấu trừ một số khoản như: chi phí hỗ trợ lãi vay ngân hàng, chi phí hoa hồng, phí phát hành bảo lãnh…và khách hàng bàn giao lại sản phẩm cho Thành Đô.
Thông tin này khiến hàng nghìn khách hàng đã đầu tư vào dự án Cocobay Đà Nẵng đã vô cùng "sốc" và hoang mang, trong đó có Tiến sĩ Mai Huy Tân - người đã đầu tư 600 tỷ đồng vào dự án này.Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Mai Huy Tân cho biết ông rất bất ngờ trước thông tin này nhưng cũng khẳng định sẽ không khởi kiện ông chủ Cocobay Nguyễn Đức Thành và “chỉ có ý định ngồi lại một cách bình tĩnh với ông Thành, bàn giải pháp thuận tình giữa các bên mà thôi”.“Tôi sẽ không khởi kiện mà sẽ tìm biện pháp khác. Tôi sẽ đòi lại tài sản của mình nhưng tôi cũng không muốn làm hại ông Thành về mặt pháp lý, bởi nếu khởi kiện mà ông Thành thua thì khi thi hành án ông Thành chỉ còn nước tuyên bố phá sản và bán đấu giá các tài sản của ông ta mà thôi, như vậy ông Thành sẽ chẳng còn gì, mà tôi thì lại không muốn dồn ông ta vào đường cùng.Hơn nữa, theo hệ thống pháp luật Việt Nam, từ khi xử sơ thẩm đến xử phúc thẩm thì sẽ mất rất nhiều năm, nhưng giai đoạn cam go nhất là giai đoạn thi hành án, thi hành án dân sự thì cực kỳ lâu, chờ xử xong có lẽ tôi đã lên thiên đường rồi. Do vậy mà tôi không có ý định khởi kiện”, ông Tân nói.
Đồng thời, vị khách hàng bỏ 600 tỷ đồng mua các sản phẩm bất động sản tại Cocobay cũng chia sẻ: "Điều đầu tiên, tôi muốn yêu cầu Thành Đô phải làm theo đúng nghĩa vụ và luật pháp đấy là phải trao trả cho tất cả chủ sở hữu sổ đỏ để chứng minh quyền sở hữu của họ”.
Trong khi đó, trả lời Nhadautu.vn ông chủ Cocobay Nguyễn Đức Thành lại cho rằng Thành Đô không sai và chấp nhận khởi kiện.
“Một là, tôi thu tiền của người ta, đầu tư và xây thật thì đây là sử dụng tiền đúng mục đích, tôi không sai. Hai là, đây là hợp đồng dân sự nên nếu tôi không còn cách nào thực hiện được nữa vì những lý do bất khả kháng hoặc những lý do về hiệu quả kinh doanh thì tôi phải trả lại tiền, nhưng đến bây giờ chưa thiệt hại gì, tôi có thể trả lại đủ tiền nên tôi không sai, cùng lắm thì tôi trả lại tài sản hợp pháp cho người ta đàng hoàng. Khởi kiện là điều tôi không mong xảy ra nhưng nếu thật thì tôi chấp nhận”, ông Thành nói.
Để có cái nhìn tổng quát hơn, Nhadautu.vn đã trao đổi với Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty luật BASICO.
Thứ nhất là việc ký kết hợp đồng này là hợp pháp.
Thứ hai là việc chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng này cũng hợp pháp, vì đây là điều pháp luật cho phép. Đây là hành vi đơn phương hoặc chấm dứt thỏa thuận các bên tự do giao kết. Tuy nhiên cũng phải tuân theo chế tài pháp luật quy định cũng như theo cam kết thỏa thuận thực hiện. Do vậy cứ theo hợp đồng mà thực hiện, bên nào vi phạm thì bên kia được yêu cầu thực hiện như đúng quy định về bồi thường, điều này hoàn toàn bình thường và không có bất cứ vấn đề gì. Đây là loại hình đầu tư kinh doanh, lời ăn lỗ chịu, có rủi ro, có tranh chấp và thỏa thuận, chứ ở đây không có lừa đảo hay gian dối gì.
Thành Đô cho rằng việc khó khăn ở Đà Nẵng hay các vụ án như Vũ Nhôm là lý do khách quan. Những lý do này có thể coi là lý do khách quan hay bất khả kháng quy định tại hợp đồng tương đương chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh để chủ đầu tư huỷ bỏ hợp đồng không?
Không, hai vấn đề này hoàn toàn khác nhau, chiến tranh thiên tai là hoàn toàn bất khả kháng còn khách quan thì mức độ nó nhẹ hơn, các bên không thỏa thuận vì bất khả kháng cũng miễn trách. Về lý thì có thể đưa vào quy định là thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi chẳng hạn như vì lý do khách quan, do các bên không lường trước, gây ra thiệt hại cho một bên quá lớn, nếu như vẫn tiếp tục thực hiện hợp đồng đấy thì các bên phải có trách nhiệm thỏa thuận lại với nhau để điều chỉnh, nếu không thỏa thuận thì tòa sẽ áp đặt và tuyên bố phải thỏa thuận hoặc chấm dứt hợp đồng.
Khả năng thắng trong trường hợp này là cực kỳ cao, vì nó rõ như ban ngày rồi.
Nhưng hệ thống pháp luật của chúng ta chưa phù hợp để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân cũng như của doanh nghiệp. Một vụ án, nếu nhanh thì vài năm, chậm thì có khi phải mất hàng chục năm, lê thê không đến đâu xong rồi tốn kém. Vì vậy mà các doanh nghiệp rất sợ kiện cáo nhau, chỉ khi vào đường cùng, không còn cách nào khác thì mới đưa nhau ra tòa. Chỉ khi không thể thỏa thuận với nhau thì mới kiện, bởi kiện thì thắng cũng thành thua.
Ông Tân xử lý như vậy là hoàn toàn đúng, nhưng đến cuối cùng mà không thể thỏa thuận được và cảm thấy quyền lợi bị ảnh hưởng nghiêm trọng thì vẫn phải kiện thôi.
Ông có thể chia sẻ thêm về góc nhìn của ông về đầu tư condotel hiện nay?
Condotel hiện nay vẫn rất tốt bởi loại hình này tận dụng được tối đa hai thế mạnh là kinh doanh và nhà ở, tất cả những gì có thể tận dụng và kết hợp được với nhau thì đều tốt hết. Thị trường condotel cũng cực kỳ tốt, cầu cao mà cung vẫn còn thấp, bởi loại hình này mới chỉ tập trung tại Đà Nẵng hay Nha Trang mà ở các tỉnh khác thì lại còn chưa có. Do vậy, về lý nếu hoạt động tốt, xây dựng thương hiệu uy tín thì hoàn toàn có thể đạt được doanh thu cao.
Xin cám ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận