Ông Putin yêu cầu Mỹ dừng 'lấy trộm' dầu từ Syria
Phát biểu trong chuyến thăm Iran, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Mỹ cần dừng việc “trộm” dầu từ Syria và ngừng làm cho cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Syria trở nên tồi tệ hơn bằng các lệnh trừng phạt đơn phương.
Quân đội Mỹ cần phải rời khỏi vùng lãnh thổ phía Đông sông Euphrates và “ngừng trộm dầu từ chính quyền, người dân Syria, ngừng xuất khẩu dầu bất hợp pháp”, Tổng thống Nga Putin nói với các phóng viên tối 19/7 trong chuyến thăm Iran. Ông nói rằng đây là “lập trường chung” của Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo hãng tin RT, hàng trăm binh sĩ Mỹ vẫn đang hiện diện bất hợp pháp ở Syria, chủ yếu kiểm soát các giếng dầu và những cánh đồng lúa mỳ ở phía Đông Bắc. Khu vực này hiện nằm dưới sự kiểm soát của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn. SDF đã từ chối nhượng bộ chính phủ ở Damascus của Tổng thống Bashar al-Assad.
Kể từ năm 2019, Mỹ đã tìm cách trừng phạt bất kỳ ai cố gắng hỗ trợ tái thiết Syria bằng “Đạo luật bảo vệ dân thường Syria”.
Hôm thứ Ba, Tổng thống Nga Putin nói rằng các biện pháp trừng phạt như vậy đã mang lại “kết quả thảm hại” và việc viện trợ nhân đạo cho Syria “không nên bị chính trị hóa”.
Trong hội nghị ngày 19/7 tại Tehran, Tổng thống Putin đã gặp người đồng cấp Iran Eahim Raisi và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong một tuyên bố chung, 3 lãnh đạo tái khẳng định niềm tin rằng “không thể có giải pháp quân sự cho cuộc xung đột Syria”, mà chỉ có thể giải quyết bằng một giải pháp chính trị dưới sự lãnh đạo của Liên Hợp Quốc.
Họ cũng lên án "các biện pháp trừng phạt đơn phương vi phạm luật pháp quốc tế" đang làm trầm trọng thêm tình hình nhân đạo ở Syria, kêu gọi Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác "tăng cường hỗ trợ cho tất cả người Syria, không phân biệt đối xử, chính trị hóa và các điều kiện tiên quyết”.
Nga đã đưa quân đến Syria vào tháng 9/2015 theo yêu cầu của Damascus để chiến đấu chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cũng như các nhóm khủng bố khác.
Vào tháng 1/2017, Nga – Iran – Thổ Nhĩ Kỳ khởi động “Tiến trình Astana” để giải quyết xung đột ở Syria một cách hòa bình. Ba quốc gia này cũng đóng vai trò trung gian đàm phán. Tiến trình đàm phán có sự tham gia của chính quyền Syria và phe đối lập.
Các cuộc trao đổi đầu tiên được tổ chức ở Astana (khi đó là thủ đô của Kazakhstan). Astana được đổi tên thành Nur-Sultan vào năm 2019, tuy nhiên cuộc đàm phán hòa bình vẫn được giữ tên gọi cũ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận