Ông Putin phê duyệt học thuyết chính sách đối ngoại mới
Tổng thống Putin thông qua học thuyết mới dựa trên "Thế giới Nga", quan điểm ủng hộ Moskva can thiệp ở nước ngoài để hỗ trợ những người nói tiếng Nga.
Học thuyết được Tổng thống Putin thông qua hôm 5/9, mang tên "chính sách nhân đạo" dài 31 trang, được công bố sau hơn 6 tháng chiến sự ở Ukraine, trong đó nói rằng Nga nên "bảo vệ, đảm bảo và thúc đẩy các truyền thống cùng lý tưởng của Thế giới Nga".
Thế giới Nga là khái niệm chỉ sự thống nhất của những người nói tiếng Nga hoặc gắn liền với văn hóa Nga.
"Nga hỗ trợ đồng bào của mình sống ở nước ngoài trong việc thực hiện các quyền của họ, đảm bảo lợi ích và gìn giữ bản sắc văn hóa Nga của họ", học thuyết có đoạn.
Tài liệu cho biết thêm mối quan hệ của Nga với đồng bào ở nước ngoài cho phép nước này "củng cố hình ảnh trên trường quốc tế như một quốc gia dân chủ đang phấn đấu cho công cuộc xây dựng thế giới đa cực".
Học thuyết cũng nói rằng Nga nên tăng cường hợp tác với các quốc gia Slav, Trung Quốc và Ấn Độ, đồng thời tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ với các nước khu vực Trung Đông, Mỹ Latinh và châu Phi. Các nước Slav nằm chủ yếu ở Đông Âu và Tây Á, có phần lớn dân số gắn liền với văn hóa, truyền thống Slav như Belarus, Croatia, Bosnia và Herzegovina, Serbia, Bulgaria... Các nước Slav chiếm khoảng 50% lục địa châu Âu.
Reuters đánh giá dù được trình bày như một chiến lược quyền lực mềm, học thuyết mới chứa đựng những chính sách chính thức về chính trị và tôn giáo của Nga. Những người theo chủ nghĩa cứng rắn sử dụng những quan điểm này để ủng hộ Moskva kiểm soát một số vùng của Ukraine và ủng hộ phe ly khai ở đông Ukraine.
Khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng 2, Nga nói rằng họ phải làm vậy vì các nước cộng hòa nhân dân tự xưng ở vùng Donbass, nơi người dân chủ yếu nói tiếng Nga, xin trợ giúp. Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc Kiev "gây tội ác diệt chủng" ở Donbass, trong khi chính quyền Ukraine bác bỏ điều này.
Tổng thống Nga Putin hồi cuối tháng 7 cũng thông qua học thuyết hải quân mới, trong đó coi Mỹ, NATO là "mối đe dọa chính". Tài liệu đề cập đến mong muốn của Nga trong việc phát triển một tuyến đường biển "an toàn và cạnh tranh" từ châu Âu đến châu Á, được gọi là Con đường Đông Bắc.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận