24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Chu Gia Khánh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Ông Putin đã chọc "vào tổ ong bắp cày" Phương Tây

Theo tạp chí "The Economist" của Anh ngày 28/2, sự hiếu chiến của Nga đang thúc đẩy sự đoàn kết hiếm thấy và sự trả đũa khắc nghiệt từ phương Tây.

Kể từ sau các cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, kỳ vọng về hoạt động phối hợp hiệu quả của các nền dân chủ trên thế giới trong thế kỷ này đã không còn. Các cuộc chiến tranh tốn kém và sự lãnh đạo thiếu nhất quán của Mỹ; Đức coi trọng can dự hơn đối đầu; Anh chối bỏ Liên minh châu Âu (EU); sự chệch hướng của Ba Lan và Hungary: Ngay cả trước khi Tổng thống Biden tiến hành cuộc rút lui hỗn loạn của Mỹ khỏi Afghanistan, những diễn biến này đã phủ bóng đen lên hy vọng rằng Tổng thống Biden sẽ hồi sinh không chỉ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), mà có lẽ còn cả cam kết về nền dân chủ tự do của Mỹ. Cú hích táo bạo của ông theo hướng đó, với một hiệp ước ba bên mới với Australia và Anh nhằm kiềm chế Trung Quốc, đã khiến Emmanuel Macron của Pháp bất ngờ và tức giận, củng cố lý lẽ trong Điện Elysée rằng châu Âu nên phát triển “quyền tự chủ chiến lược”.

Sự hiếu chiến của Putin cùng với sự can đảm của Ukraine dường như đang thay đổi động lực này theo hướng mà Putin rõ ràng không lường trước được. Diễn ra chưa đầy một tuần, nhưng đến ngày 27/2, cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã thành công trên một chủ đề mà nhiều năm thuyết phục của Barack Obama và hành động ép buộc của Donald Trump đã thất bại, đó là Đức cam kết tăng đáng kể chi tiêu quân sự lên trên 2% GDP. Gọi cuộc xâm lược Ukraine là “bước ngoặt trong lịch sử của lục địa”, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố: “Rõ ràng là chúng ta cần đầu tư nhiều hơn vào an ninh của đất nước để bảo vệ tự do và nền dân chủ của chúng ta”.

Vài giờ sau khi ông Scholz phát biểu, EU cho biết sẽ đóng cửa không phận đối với máy bay Nga và gửi viện trợ quân sự cho Ukraine. Đây là lần đầu tiên khối liên minh gồm 27 thành viên này đưa ra một cam kết như vậy đối với một quốc gia đang bị tấn công. Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Stoere cho biết quỹ tài sản chủ quyền lớn nhất thế giới trị giá 1.300 tỷ USD của nước này sẽ bán các tài sản ở Nga. Công ty dầu khí Anh BP cho biết sẽ từ bỏ gần 20% cổ phần trong công ty dầu mỏ Rosneft do Chính phủ Nga kiểm soát. Hai công ty chuyển phát nhanh, Federal Express và United Parcel Service, đã tạm ngừng dịch vụ ở Nga.

Ở cả hai bờ Đại Tây Dương, các nhà phân tích chính sách đối ngoại bày tỏ kinh ngạc trước tốc độ và mức độ nghiêm khắc của phản ứng quốc tế, bao gồm các biện pháp trừng phạt mới nhằm làm tê liệt nền kinh tế Nga thông qua đóng băng tài sản của Ngân hàng trung ương nước này. Với việc Trung Quốc im lặng trước hành động của Nga và một số ít quốc gia như Syria công khai ủng hộ, Mỹ đã có động thái nhằm thúc đẩy việc cô lập ông Putin. Linda Thomas-Greenfield, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ), nói rằng Nhà Trắng sẽ yêu cầu một cuộc họp khẩn cấp tại Đại hội đồng (ĐHĐ) LHQ và một cuộc bỏ phiếu về một nghị quyết phản đối cuộc xâm lược của Putin, có thể ngay vào ngày 2/3. Theo quy định của LHQ, Nga không có quyền phủ quyết một nghị quyết như vậy, như nước này đã phủ quyết dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an vào ngày 25/2, mặc dù một cuộc bỏ phiếu của ĐHĐ không có giá trị ràng buộc về pháp lý.

Không thể đánh giá mức độ vững chắc của các phản ứng toàn cầu, bất chấp sự đồng thuận chính trị hiếm hoi ở Mỹ trong việc ủng hộ chính sách của Chính quyền Biden hay hành động tập thể của NATO. Tuy nhiên, xuất hiện trên chương trình “Fox News Sunday”, Condoleezza Rice, cựu Ngoại trưởng Mỹ dưới thời Tổng thống George W. Bush, cho biết Putin đã “thống nhất NATO theo cách mà tôi không nghĩ rằng lại có thể thấy được sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh". Viện dẫn sự ủng hộ của Đức đối với các lệnh trừng phạt và tăng chi tiêu quân sự, bà Rice nói thêm rằng Putin đã “chọc vào tổ ong bắp cày".

Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Đức đã làm phật lòng các đời tổng thống Mỹ khi không thực hiện mục tiêu của NATO dành 2% GDP cho chi tiêu quân sự với các nước thành viên châu Âu. Tuy nhiên, ông Scholz đã kêu gọi Đức đầu tư nhiều hơn mức này “kể từ bây giờ” và đề xuất đưa cam kết này vào Hiến pháp. Trong một bài phát biểu trước Quốc hội, ông Scholz nói “Putin muốn thành lập đế chế Nga”. Ông nói câu hỏi đối với Đức là “liệu chúng ta có thể tập hợp sức mạnh để đặt ra lằn ranh cho những kẻ gây chiến như Putin hay không”.

Scholz cũng đề xuất đầu tư 100 tỷ euro (113 tỷ USD) trong năm nay vào một quỹ đặc biệt để hiện đại hóa lực lượng vũ trang và công bố các kế hoạch mua sắm cụ thể, bao gồm máy bay vũ trang không người lái của Israel và có thể cả chiến đấu cơ F-35 của Mỹ. Ông trích dẫn công dụng của những máy bay chiến đấu này trong khi khuếch đại vũ khí hạt nhân của NATO, vốn từ lâu đã trở thành chủ đề độc hại về chính trị ở Đức. Trước đó, ngày 26/2, Đức đã từ bỏ chính sách lâu nay của nước này chống lại việc đưa vũ khí vào các khu vực xung đột, đồng thời tuyên bố sẽ gửi vũ khí chống tăng và phòng không tới giúp Ukraine.

Claudia Major từ Viện Nghiên cứu về các vấn đề quốc tế và an ninh của Đức, gọi các đề xuất của Scholz là “cuộc cách mạng về chính sách quốc phòng" của nước này. Bà nói rằng những tuyên bố này thể hiện sự công nhận về thất bại của chính sách an ninh hợp tác với Nga mà Đức theo đuổi kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Đức thực hiện chính sách này với niềm tin rằng đối thoại và giao thương với Nga sẽ khiến nước này tôn trọng nhân quyền và đóng vai trò hòa bình trong cộng đồng quốc tế. Bà Major nhận định, giờ đây một kỷ nguyên đối đầu mới đã bắt đầu.Mặc dù chưa có cuộc thăm dò đáng tin cậy nào về phản ứng của công chúng, các biện pháp của ông Scholz được tất cả các đảng chính thống tại Hạ viện Đức ủng hộ. Hơn 100.000 người ở mọi lứa tuổi đã xuống đường ở Berlin vào ngày 27/2 để phản đối chiến tranh. Họ tập trung trên đại lộ dẫn từ Cột Chiến thắng đến Cổng Brandenburg ở trung tâm thành phố, vẫy cờ Ukraine và cầm những tấm biển màu xanh lam và vàng với nội dung “Không Putin”, “Không Chiến tranh thế giới thứ ba”, “Chúng tôi sát cánh cùng Ukraine”. Một số tấm biển có ảnh của Hitler và dòng cảnh báo "Lịch sử lặp lại".

Bà Major, người sinh ra ở Đông Đức, so sánh sự thay đổi trong tình cảm của công chúng với sự thay đổi diễn ra khi bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989. Bà nói “Những người tị nạn đã đến Berlin”, “Ý nghĩ rằng có chiến tranh ở châu Âu, và nó đã gõ cửa và thực sự có thể bước vào nhà chúng ta thực sự là nỗi sợ hãi mà mọi người cảm thấy”. Bà cho biết thêm: “Tôi thực sự cảm thấy như Đức đã thức tỉnh. Tôi nghĩ rằng mọi người đã nhận ra cái mà người Đức gọi là bước ngoặt (Zeitenwende) về sự biến đổi của một thời đại”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả