Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái: Sự trăn trở về trách nhiệm doanh nhân và khát vọng liêm chính
Trách nhiệm của doanh nhân với tương lai của đất nước là điều ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái trăn trở rất nhiều trong cuộc trò chuyện nhân dịp kỷ niệm 15 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam.
Chiến lược 3 bên cùng thắng
Một cách tình cờ, khi tìm ví dụ về thành công và thất bại trong liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái Phạm Đình Đoàn là nhân vật được nhắc tới.
12 năm trước, vào năm 2007, ông Đoàn nổi lên là người khởi xướng việc bắt tay với 3 đại gia là doanh nghiệp nhà nước (gồm Hapro, Satra và Saigon Co.op) để tạo nên chuỗi đại siêu thị VDA (Vietnam Distribution Alliance). Mục tiêu là xây dựng được ít nhất một thương hiệu thuần Việt trước khi thị trường này mở cửa theo cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2009. Nhưng rồi, mô hình VDA bất thành với nhiều tiếc nuối.
“Đã quá muộn để làm lại VDA, nhưng tôi vẫn tự hỏi, tại sao các doanh nghiệp Nhật, dù là đối thủ của nhau ở trong nước, nhưng vẫn có thể liên doanh cùng đầu tư một dự án, mà doanh nghiệp Việt không làm được”, ông Đoàn trăn trở.
Nếu không có câu hỏi này, nghĩa là VDA thành công, thị trường phân phối bán lẻ của Việt Nam đã rất khác. Vì lúc đó, với tiềm lực của 4 doanh nghiệp đang nắm 70-80% thị phần phân phối, bán lẻ của Việt Nam, VDA sẽ dẫn đầu thị trường và sẽ là đối trọng với bất cứ thương hiệu nào.
Nhưng thực tế khác xa mong muốn. VDA của chung, nhưng mỗi doanh nghiệp một mục tiêu, doanh nghiệp nhà nước hoạt động rất khác với doanh nghiệp tư nhân… Hơn thế, không có sự hậu thuẫn nào về cơ chế, chính sách hay quan điểm phát triển cho cách chơi chung này. Trong phân phối, bán lẻ, đất đai, địa điểm là yếu tố quyết định thành công, nhưng đi đến đâu, VDA cũng vướng quá nhiều thủ tục, quá nhiều tầng nấc, chi phí không chính thức nhiều..., khiến tinh thần liên kết nhụt dần đi.
“Không liên kết được với doanh nghiệp nội, tôi tìm đối tác ngoại, dựa thế mạnh của họ”, ông Đoàn kể lại khi Phú Thái còn lại một mình.
Là dân “Tây học”, ông Đoàn hiểu phần nào nguyên tắc kinh doanh của doanh nghiệp ở các nền kinh tế phát triển. Họ chuyên nghiệp, minh bạch và không dễ bắt tay. Ông cũng hiểu, khi bước vào Việt Nam, họ bất lợi hơn doanh nghiệp Việt về độ am hiểu chính sách, thị trường, am hiểu người tiêu dùng...
Tất nhiên, doanh nghiệp Việt có nhiều điểm chưa mạnh, cả về kinh nghiệm, trải nghiệm. Nhưng, cuộc chơi nào cũng có luật chơi, chọn chơi với ai là quyền của doanh nghiệp.
“Nếu muốn làm ăn với đối tác đẳng cấp cao, doanh nghiệp phải đặt mình trong chuẩn mực của họ. Tuy nhiên, cách của tôi là chọn các đối tác muốn làm ăn lâu dài tại Việt Nam, phải là đối tác lớn, có uy tín, có sản phẩm tốt, tôn trọng lợi ích, sẵn lòng vì Việt Nam, chia sẻ quan điểm hợp tác “3 chữ win”, nghĩa là đối tác, doanh nghiệp Việt và xã hội đều thắng”, ông Đoàn nói. Mối liên kết này được ông công thức hóa theo nghĩa 1+1= 3 và có thể nhiều hơn vì các giá trị được cộng hưởng.
Nhìn lại, đối tác TCC (Thái Lan) của Phú Thái đang là một trong những đối tác đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với gần 10 tỷ USD, trong đó phần lớn đổi vào Sabeco, Vinamilk, Mega Market. Các đối tác Nhật Bản, Hà Lan, Australia, Indonesia, Đức... cũng đang đeo đuổi nhiều kế hoạch đầu tư dài hơi và có trách nhiệm với Việt Nam. Kinh tế Việt Nam chắc chắn được lợi, từ các nguồn thu thuế, từ việc làm tạo ra và quan trọng hơn, theo ông Đoàn là những ảnh hưởng tích cực từ các nhà đầu tư uy tín…
Tất nhiên, trong vai đối tác, Phú Thái hưởng lợi không nhỏ. Từ hoạt động trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ hàng tiêu dùng, Phú Thái đã mở rộng sang nhiều mặt hàng khác, như máy công nghiệp, ô tô rồi bước chân sang lĩnh vực mới, như dệt may, thời trang, sản xuất, hệ thống nhà hàng, trường học... Tới đây, Tập đoàn Phú Thái cùng với một đối tác Nhật sẽ lấn sân vào lĩnh vực giặt là và dịch vụ cho bệnh viện với một dự án quy mô lớn tại Việt Nam...
Và nỗi sợ “đồng tiền đi trước”
Thực ra, ông Đoàn giữ nhiều tâm tư về sự thất bại của VDA. “Hôm 4 bên ký kết lập VDA có sự hiện diện của nhiều bộ, ban, ngành. Giá sự xuất hiện đó như một cam kết hỗ trợ cụ thể về cơ chế, chính sách sau đó hay là sự đỡ đầu, giúp doanh nghiệp liên kết hoặc sẵn sàng lắng nghe các đề xuất, giải pháp phát triển phù hợp... thay vì để doanh nghiệp tự xoay sở”, ông Đoàn tiếc nuối.
Mọi nút thắt dường như bắt đầu từ tình thế tự xoay của doanh nghiệp.
Ông Đoàn kể, hồi đó, đến làm việc ở nhiều địa phương tìm kiếm địa điểm đặt đại siêu thị, đến đâu cũng như đâm đầu vào đá. VDA dù có các đối tác là doanh nghiệp nhà nước, nhưng hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, mọi việc phải minh bạch, không thể tận dụng lợi thế “doanh nghiệp có vốn nhà nước” hay cách làm truyền thống kiểu “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” của doanh nghiệp 1 ông chủ. Trong khi nhiều doanh nghiệp có thể xoay sở rất nhanh, bằng nhiều cách.
Sòng phẳng mà nói, nhiều doanh nghiệp giàu lên từ đất đai, tài nguyên hay cơ chế đều là của những doanh nhân nhạy bén với thời cuộc. Thậm chí, nhiều người lập doanh nghiệp vì biết có thể quan hệ với ai, lách luật thế nào… Môi trường kinh doanh chưa hoàn thiện, chưa minh bạch, chưa bình đẳng đã tạo ra những cơ hội kiểu không giống ai đó.
Nhưng, không phải doanh nhân nào cũng chọn cách xoay sở.
“Mấy năm trước, khi ký hợp đồng làm ăn với đối tác lớn của Mỹ, tôi sững sờ khi đọc những điều chúng tôi bị cấm, trong đó quy định chi tiết về đạo đức, liêm chính… Trước đó, tôi không hề biết đến chúng. Tôi quyết định ký, vì hiểu rằng, đây là cách chơi của các doanh nghiệp toàn cầu. Hơn nữa, nếu cứ kéo dài cách làm ăn xoay sở, cào cấu vào tài nguyên, nhiều người có thể giàu, nhưng đất nước không giàu. Tôi sợ một nền kinh tế sẽ chỉ đọng lại duy nhất có tiền và không còn gì cả”, ông Đoàn thẳng thắn.
Doanh nhân liêm chính
Ông Đoàn là một trong những người đầu tiên nói đến yêu cầu liêm chính của doanh nhân. Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên Báo Đầu tư cách đây 4 năm, ông đã thẳng thắn nói, nếu doanh nhân cứ gặp việc khó là “nhấc điện thoại gọi cho người thân” thì miếng bánh của hội nhập có đặt lên bàn cũng không thụ hưởng được.
Khi đó, ông là 1 trong 16 doanh nhân của khối doanh nghiệp, doanh nhân tham gia Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX năm 2015. Đó cũng là lần đầu có đoàn đại biểu doanh nghiệp tham dự Đại hội.
“Tôi muốn gửi mong muốn từ đáy lòng, đó là đất nước đang cần những doanh nhân liêm chính, có khả năng quản trị quốc tế; cần nền tảng văn hóa kinh doanh để hội nhập sâu rộng với thế giới. Tôi mong và tin là, từng doanh nhân đang coi đây là trách nhiệm của mình, song chúng tôi cần sự đồng thuận trong hành động của Chính phủ và cộng đồng", ông Đoàn chia sẻ về thông điệp gửi tới Đại hội như vậy.
Hiện tại, ông Đoàn muốn nhắc lại mong muốn này, cũng tự đáy lòng.
“Khi đi làm việc với nhiều đối tác nước ngoài, họ nói với tôi, với tiềm lực con người, với vị trí địa chính trị của Việt Nam, chúng ta có cơ hội lớn để vượt lên rất nhanh so với các nền kinh tế khác trong khu vực. Tại sao bên ngoài nhìn thấy nhiều cơ hội như vậy mà chúng ta lại không nỗ lực để bứt phá”, ông Đoàn trăn trở.
Tất nhiên, một phần nguyên do của việc không thể làm gì vẫn phải nhắc đến là do thể chế. Chính môi trường kinh doanh, môi trường chính sách còn nhiều lỗ hổng, còn nhiều rào cản… đã hậu thuẫn cho cách làm ăn xoay sở, lợi dụng kẽ hở. Bài tính rất đơn giản, nếu việc có một khu đất sẽ tạo lợi nhuận cả dãy số dài, thì người kinh doanh sẽ tìm cách có khu đất đó, chứ không cần mất công đầu tư bài bản hay tìm kiếm công nghệ.
Nhưng, phần nguyên do từ tư duy cố níu cơ hội tìm kiếm chênh lệch địa tô, tìm kiếm các mối quan hệ trong kinh doanh trong chính người kinh doanh còn rất lớn.
Là Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp gia đình Việt Nam, ông Đoàn nhiều lần mời ông chủ tập đoàn lớn trong khu vực và thế giới đến nói chuyện. Người nghe là cả doanh nhân lập nghiệp vài chục năm trước, cả những người con của họ, một số đã bắt đầu nhận việc, số khác đang được đào tạo cho vị trí kế cận. Trong nhiều cuộc giao lưu với doanh nhân trẻ, ông cũng hay kể chuyện về các tỷ phú thế giới. Mong muốn đơn giản là để mọi người thấy cách sống thân thiện, sức làm việc không giới hạn của những doanh nhân thành công, hình ảnh ngược lại với sự xa hoa, hào nhoáng mà không ít doanh nhân Việt đang cố thể hiện.
“Nhiều người nói, là doanh nhân phải có trách nhiệm với đất nước, nhưng trách nhiệm là thế nào? Có phải là cào cấu tài nguyên để tạo ra lợi nhuận rồi đi làm từ thiện không? Không! Trách nhiệm của người kinh doanh là phải làm ăn đúng pháp luật, kinh doanh có đạo đức, có văn hóa và cả sự liêm chính”, ông Đoàn nói.
Tất nhiên, sự liêm chính của người kinh doanh cần sự liêm chính của Chính phủ, của Nhà nước thúc đẩy, bảo vệ vì thật khó có sự liêm chính đứng một mình, nhưng doanh nhân phải nhìn thấy trách nhiệm của mình trong sự phát triển này.
Mọi việc phải thay đổi theo hướng tích cực. Ông Đoàn tin chắc đã đến lúc.
“Giờ ra đường, tôi nhìn thấy nhiều ô tô sang, nhà cửa đẹp, nhưng nhìn vào các nguồn tài nguyên – của hồi môn cho thế hệ con cháu sau này, mọi thứ cứ hết dần đi. Theo tôi, không hẳn cứ dân giàu là nước sẽ mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận