Ông Nguyễn Văn Bình: Kế thừa có chọn lọc thành tựu kinh tế thị trường của nhân loại
Trong thế giới phẳng, sức cạnh tranh của mỗi quốc gia không chỉ thể hiện ở giá trị kinh tế đang có mà quyết định là tính ưu việt của thể chế phát triển kinh tế mà quốc gia đó có được.
Thời gian qua, Ban Kinh tế Trung ương luôn có nhiều đóng góp quan trọng trong việc nghiên cứu, tham mưu Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc định hướng xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế; hoạch định đường lối, chủ trương, biện pháp lớn, quan trọng về kinh tế - xã hội.
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Ban Kinh tế Trung ương (30/9/1950 - 30/9/2020), ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã trả lời phỏng vấn phóng viên VOV về một số đóng góp của Ban Kinh tế Trung ương trong việc tham mưu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị (khóa XII), nhiệm kỳ 2016-2020 ban hành một số nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hơn nữa, trong thế giới ngày nay, mặc dù chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch trong những năm gần đây đang nổi lên, phần nào cũng có ảnh hưởng nhưng có thể khẳng định rằng toàn cầu hóa và tự do thương mại, đầu tư vẫn là xu thế bao trùm trên toàn cầu. Do vậy, thế giới ngày càng phẳng hơn.
Trong thế giới phẳng đó, sức mạnh, sức cạnh tranh của mỗi quốc gia không chỉ thể hiện ở những giá trị kinh tế mà quốc gia đó đang có mà quan trọng và quyết định là sức cạnh tranh, tính ưu việt của thể chế phát triển kinh tế mà quốc gia đó có được.
Thực tiễn phát triển kinh tế thế giới nói chung, của Việt Nam ta nói riêng đã minh chứng rõ ràng cho luận điểm này. Do vậy, Đảng ta nhất quán xác định xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong ba đột phá chiến lược, là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa thường xuyên của Đảng.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, được sự phân công và dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Kinh tế Trung ương được giao chủ trì tham mưu, xây dựng một số Nghị quyết quan trọng vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài vừa trực tiếp tháo gỡ những vướng mắc, ách tắc, đồng thời khơi dậy mọi nguồn lực to lớn thúc đẩy mạnh mẽ cho phát triển kinh tế xã hội, cho phát triển lực lượng sản xuất mà điển hình có thể kể đến: Nghị quyết số 11-NQ/TW Trung ương khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 10-NQ/TW Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển công nghiệp quốc gia; Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển năng lượng quốc gia.
Đến nay, có thể khẳng định rằng mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng rõ nét hơn, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng đồng bộ, đầy đủ và hoàn thiện hơn. Nhờ đó, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và xem là hình mẫu của các nước đang phát triển mà như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói “chưa bao giờ đất nước ta có cơ đồ tốt đẹp như ngày nay”.
Tuy nhiên, đây là mô hình chưa có tiền lệ trên thế giới, do vậy, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không thế tránh khỏi các ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, có lúc khá gay gắt. Trong khi đó, các thế lực thù địch, phản động thường xuyên chống phá, xuyên tác, kích động.
Có ý kiến hoài nghi nếu vận hành đầy đủ, đồng bộ các quy luật kinh tế thị trường thì khó giữ được định hướng xã hội chủ nghĩa; có ý kiến tuyệt đối hóa vai trò của kinh tế nhà nước, e ngại, dè dặt đối với kinh tế tư nhân; ngược lại, có ý kiến lại tuyệt đối hóa vai trò của kinh tế tư nhân, cho rằng kinh tế tư nhân sẽ quyết định tất cả và do vậy phải là động lực duy nhất trong khi nghi ngờ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước nhất là trong bối cảnh một số doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động kém hiệu quả; có ý kiến quá đề cao vai trò của nhà nước và xem nhẹ vai trò của thị trường và xã hội; ngược lại có ý kiến lại tuyệt đối hóa vai trò của thị trường và xã hội, cho rằng thị trường quyết định tất cả, xem nhẹ vai trò quản lý, điều tiết, dẫn dắt của nhà nước…
Do vậy, để đi đến thống nhất nhận thức là rất khó khăn, phức tạp, phải giải quyết một cách đúng đắn mối quan hệ giữa kế thừa và phát triển, giữa kiên định và đổi mới trên cơ sở phải thấm nhuần sâu sắc những nguyên tắc cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, những quan điểm xuyên suốt của Đảng nhất là cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, phải nhận thức đầy đủ, tôn trọng và vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan, kế thừa có chọn lọc thành tựu phát triển kinh tế thị trường của nhân loại và kinh nghiệm tổng kết thực tiễn đổi mới ở nước ta, bảo đảm vững chắc định hướng xã hội chủ nghĩa, độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Đó chính là hoàn cảnh, yêu cầu và quan điểm của Đảng để Ban Kinh tế Trung ương xây dựng 3 Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận