Ông Nguyễn Duy Hưng nói gì sau phát ngôn gây "bão" mạng?
Theo ông Nguyễn Duy Hưng và những người am hiểu về chứng khoán, việc chỉnh sửa, thay mới hệ thống giao dịch rất phức tạp nên khó có thể hoàn tất trong một sớm một chiều.
Ngày 9-3, ngay khi Bộ Tài chính thống nhất giao tập đoàn FPT xử lý tình trạng nghẽn lệnh trên sàn chứng khoán TP HCM (HoSE), ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán SSI, một người có ảnh hưởng trên thị trường chứng khoán, đặt câu hỏi trên trang cá nhân của mình rằng: "Sau 3 tháng FPT xử lý không được thì FPT chịu trách nhiệm hay Uỷ ban Chứng khoán chịu trách nhiệm"?
Ngay sau phát ngôn của vị chủ tịch SSI, nhiều nhà đầu tư tỏ ra bức xúc vì cho rằng ông Nguyễn Duy Hưng không có thiện chí trong việc FPT tham gia xử lý nghẽn lệnh trên sàn HoSE.
Tuy nhiên, theo những người am hiểu về thị trường và hệ thống giao dịch của HoSE thì bản thân ông Hưng gắn bó lâu năm và hiểu được cái khó của việc vận hành, triển khai hệ thống giao dịch của toàn thị trường rất phức tạp, không đơn giản như triển khai một phần mềm ứng dụng nên mới đặt vấn đề như vậy.
Trao đổi với chúng tôi sau phát ngôn gây "bão", ông Nguyễn Duy Hưng cho biết hơn ai hết, ông mong hệ thống giao dịch sớm sẽ ổn định, sàn HoSE sẽ hết nghẽn lệnh khi có sự tham gia của FPT. Tuy nhiên, có sự kỳ vọng quá mức là nhà đầu tư không hiểu rõ về hệ thống giao dịch, về cách cách thức vận hành thị trường. "Nếu đơn giản vậy thì Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã làm (tham gia xử lý nghẽn lệnh trên sàn HoSE – PV) và thực tế có nhiều vấn đề liên quan từ hệ thống, hoạt động liên kết giao dịch với các công ty chứng khoán... nên thời gian 3 tháng là khó hoàn thiện. Vậy khi đó ai sẽ là người chịu trách nhiệm nếu hệ thống giao dịch của Hose tiếp tục không ổn định?" – ông Hưng bày tỏ lo ngại.
Cũng liên quan đến tình trạng nghẽn lệnh trên sàn HoSE thời gian qua, một vị chuyên gia (đề nghị giấu tên), gắn bó lâu năm với thị trường chứng khoán Việt Nam, am hiểu về nội dung và quá trình triển khai, vận hành của HoSE, cho rằng việc chỉ đạo của Thủ tướng để Tập đoàn FPT vào triển khai xử lý nghẽn lệnh trên tinh thần "phụng sự đất nước" là một điều dễ hiểu. Thị trường chứng khoán rất quan trọng đối với nền kinh tế, là bộ mặt của đất nước. Qua đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tư nhân thể hiện năng lực. Và khi có Thủ tướng chỉ đạo, cơ chế sẽ thuận lợi hơn, không phải triển khai nhiều thủ tục như đấu giá, đấu thầu theo quy định...
Tuy nhiên, FPT thực tế chỉ triển khai xử lý, gỡ tắc nghẽn cho hệ thống giao dịch của HoSE chứ không làm lại toàn bộ, mà việc này vẫn do Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc (KRX) triển khai như kế hoạch ban đầu. Bởi, dự án mà KRX triển khai trên phạm vị rất rộng, tổng giá trị đầu tư tầm 800 tỉ đồng. Theo đó, KRX triển khai toàn bộ hệ thống, bao gồm cả hệ thống giao dịch, hệ thống thông tin thị trường, hệ thống giám sát, thanh toán bù trừ, đăng ký lưu ký… của các sở, đơn vị liên quan trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Việc này cần một nền tản công nghệ thông tin chứ không đơn giản là giải pháp tình thế tháo nghẽn. Đó cũng là câu trả lời một phần cho việc vì sao nhiều năm vẫn chưa thay được "chiếc áo mới" cho HoSE.
"Thay hệ thống giao dịch mới không đơn giản nói là làm ngay. Nó là chuỗi hệ thống, bắt đầu phải dựa vào cơ chế, pháp lý, điều kiện và yếu tố hoàn thiện, ổn định cho tương lai... Đặc biệt là có những vấn đề liên quan đến nhiều sản phẩm, đến thị trường phái sinh, nên phải vừa nghiên cứu vừa đặt đầu bài cho việc triển khai hệ thống. Chưa kể, câu chuyện HoSE là chủ đầu tư nhưng Trung tâm lưu ký, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội là cũng đơn vị thụ hưởng ngang nhau nên làm sao để thống nhất được nghiệp vụ của từng đơn vị. Chỉ riêng vấn đề này đã mất 3 năm. Chưa kể, công nghệ thông tin là lĩnh vực nhanh lạc hậu, chỉ sau 3 năm đã phải cập nhật lại thông tin để đối tác có giải pháp, đáp ứng nhu cầu. Cộng với yếu tố dịch bệnh năm 2020 nên triển khai hệ thống vận hành kiểm thử bị chậm lại" – vị này lý giải.
Trước đó, tại cuộc gặp mặt với chủ đề "Đối thoại 2045" giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp, trí thức tiêu biểu và lãnh đạo một số bộ, ngành, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch tập đoàn FPT - đã đề xuất Chính phủ và Thủ tướng đồng ý cho phép các doanh nghiệp tư nhân xử lý vấn đề vướng mắc hiện tại của sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam. Đề xuất này đã được Bộ Tài chính hoan nghênh và triển khai ngay việc phối hợp với FPT nhằm tìm giải pháp hiệu quả nhất.
Một trong ba giải pháp do Bộ Tài chính xây dựng được cho là khá phù hợp với quan điểm của FPT đã được các bên liên quan phân tích đánh giá và bàn giải pháp thực hiện tại buổi làm việc. Bộ Tài chính và FPT cùng chung nhận định giải pháp áp dụng hệ thống phần mềm đang được vận hành tại HNX cho hệ thống giao dịch tại HoSE là hoàn toàn khả thi, chỉ mất từ 3 - 4 tháng để triển khai và hoàn thiện để có thể xử lý dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh khi giao dịch chứng khoán.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận