24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trọng Vinh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Ông Nghiêm Xuân Thành nói gì về "kho gạo" kỷ lục trong ngành ngân hàng của Vietcombank?

Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, cho biết hết quý I/2021, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank ước đạt 7.000 tỷ đồng

Nói về con số lợi nhuận 7.000 tỷ đồng trong quý I/2021 của Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành cho hay có được kết quả này là nhờ 3 trụ cốt chính, đó là tiền gửi giá rẻ, bán lẻ và thu dịch vụ.

Với trụ cột thứ nhất, Vietcombank hiện có nguồn tiền giá rẻ quy mô lớn nhất hệ thống (dưới 2%), tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) ngày càng tăng.

Về trụ cột thứ hai, từ năm 2013 (thời điểm ông Nghiêm Xuân Thành bắt đầu làm Chủ tịch HĐQT Vietcombank), ngân hàng đặt mục tiêu đứng đầu bán lẻ, khi ấy có vẻ "nhiều người buồn cười", coi như ý tưởng "từ trên trời" vì ngân hàng đang có thế mạnh về bán buôn (danh mục bán buôn chiếm trên 80%). Song lãnh đạo ngân hàng vẫn thuyết phục được các nhà đầu tư như Mizuho và đưa vào chiến lược phát triển, với việc thiết lập một loạt các KPI, phân loại thế nào là chi nhánh bán buôn, chi nhánh bán lẻ...

Đến cuối năm 2020 (tức là sau 8 năm thực hiện), tỷ trọng dư nợ bán lẻ trong tổng dư nợ của Vietcombank đã tăng lên 54% và con số này còn tăng tiếp trong 3 tháng đầu năm nay.

Về trụ cột thứ 3 là thu dịch vụ, mảng này đã tăng nhanh trong thời gian qua, hiện chiếm tỷ trọng 26% trong tổng thu nhập của ngân hàng.

Một con số ấn tượng là tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu. Tại thời điểm cuối năm 2020, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu của Vietcombank đạt 380%, là mức cao kỷ lục trong ngành ngân hàng từ trước tới nay, cũng bỏ xa các ngân hàng còn lại.

Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thành chia sẻ, ngân hàng rất thận trọng trong dự phòng, trích lập đầy đủ. Chẳng hạn theo quy định thì với các khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo là bất động sản sẽ được loại trừ 35% và chỉ phải trích 65% nhưng ngân hàng chỉ đưa tỷ lệ loại trừ về 1-2% coi như vẫn trích lập đủ 100%.

"Hay cả những khoản được cơ cấu theo chương trình, chính sách của Nhà nước, ví dụ một số khoản tín dụng cấp cho Vinafood1 hay Vietnam Airlines sẽ không phải trích lập dự phòng, nhưng ngân hàng vẫn dự phòng.

Quy định chỉ yêu cầu trích lập tối thiểu chứ không yêu cầu tối đa, "cơm không ăn gạo còn đó", lại an toàn cho ngân hàng, đúng thông lệ quốc tế. Riêng trong quý I/2021, Vietcombank trích lập dự phòng thêm 2.000 tỷ đồng", ông Thành phân tích.

Với 3 trụ cột đang tăng trưởng mạnh mẽ, đà tăng trưởng đã có trong quý 1/2021, Vietcombank tự tin sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh tăng trưởng 10% đặt ra cho năm nay.

Bên cạnh đó, ngân hàng còn có thêm nhiều "của để dành" khác như khoản lợi nhuận trích dần từ thoả thuận bảo hiểm với FWD, cộng với việc nếu thoái vốn ở MB, Eximbank thì tình hình sẽ còn tốt hơn.

Tín hiệu kinh tế phục hồi và sức bật của Vietcombank

Nhận định về kinh tế thế giới, ông Nghiêm Xuân Thành cho hay 3 tháng đầu năm nền kinh tế thế giới đã trở lại mạnh mẽ hơn nhờ tiến độ tiêm chủng Vaccine Covid-19 được đẩy nhanh, doanh nghiệp kỳ vọng nhiều hơn vào sự phục hồi và hoạt động đầu tư cũng mạnh mẽ hơn. Kinh tế thế giới đã có sự tăng trưởng dương. Gần đây nhất, các tổ chức như WB và IMF đã đưa ra dự báo lạc quan về tăng trưởng 2021 tới 4 - 5%, là mức cao nhất nhiều năm.

Ông Nghiêm Xuân Thành nói gì về "kho gạo" kỷ lục trong ngành ngân hàng của Vietcombank?

Trong quý 1, Vietcombank đã tăng trưởng tín dụng khoảng 3,7% (Ảnh: Vietcombank)

"So với trước Covid-19 mức tăng trưởng đó không nhiều, nhưng năm qua để tăng trưởng trở lại thì đó lại là con số rất quan trọng, một chỉ báo kinh tế thế giới có hình tăng trưởng chữ V, chứng tỏ niềm tin vào sự phục hồi rất mạnh mẽ", ông Thành bình luận.

Với Việt Nam, đầu năm nay tái bùng phát dịch bệnh Covid-19 nhưng với sự thành công của Chính phủ trong kiểm soát dịch, kinh tế vẫn tăng trưởng 4,48% trong quý I/2021, cao hơn 68% so với mức hơn 3,68% cùng kỳ năm ngoái. Sự kỳ vọng của các doanh nghiệp và nền kinh tế khởi sắc đã tác động tích cực lên hoạt động ngân hàng, với mức tăng trưởng tín dụng trong 3 tháng đạt hơn 2%.

Ngân hàng Nhà nước đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng tín dụng năm 2021 gồm 12 - 14%; 10 -12% và 7-8% tuỳ tình hình, diễn biến của dịch bệnh. Với đặc điểm quý I thường tăng tín dụng yếu và sẽ mạnh dần về sau, đặc biệt là quý cuối năm.

"Nhưng quý 1 năm nay tăng trưởng mạnh như vậy tôi tin rằng mức tăng trưởng tín dụng cả năm chắc chắn vượt 10%. Tín dụng thông thường tăng cao vào những tháng cuối năm, thậm chí quý 1 gần như không có tăng trưởng nhưng năm nay đã tăng trưởng 2,2 % là chỉ báo sự phục hồi kinh tế khá tích cực. Qua đó cho thấy triển vọng của ngành ngân hàng cũng sáng sủa", ông Thành bình luận.

Vietcombank được Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 10,5% trong năm 20201, theo đánh giá của Chủ tịch Nghiêm Xuân Thành, đây là con số khá cao. Xét về con số tăng trưởng, đây không phải cao nhất nhưng về quy mô tăng trưởng thì không ngân hàng nào có thể vượt qua.

Bởi trong nhóm ngân hàng Nhà nước, 3 ngân hàng còn lại là VietinBank, BIDV, Agribank được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ 6-7,5%; còn các ngân hàng cổ phần được giao chỉ tiêu 11-12% nhưng quy mô thấp nên với con số 10,5% của Vietcombank được đánh giá là quy mô cao nhất của thị trường.

Năm 2020, Vietcombank được giao chỉ tiêu tăng trưởng từ đầu năm khoảng 10%, nhưng đến quý 3, con số này được điều chỉnh tăng lên 14% dựa trên chất lượng tín dụng tốt, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp. Con số này cao gấp hơn 2 lần mức tăng trưởng bình quân của 3 ngân hàng còn lại.

"Trong quý 1, Vietcombank đã tăng trưởng tín dụng khoảng 3,7%, là mức cao nhất trong cùng kỳ của nhiều năm, với đà này nếu được giao 14% cả năm cũng hoàn toàn thực hiện được. Nếu được điều chỉnh, Vietcombank sẽ cho vay thêm ra nền kinh tế khoảng 117 nghìn tỷ và đưa tổng dư nợ lên gần 1 triệu tỷ đồng", ông Nghiêm Xuân Thành nói.

Ông Nghiêm Xuân Thành cho biết thêm hiện Vietcombank đang có trên 100.000 tỷ đồng trên thị trường liên ngân hàng đang cho các tổ chức tín dụng khác vay và gửi tại Ngân hàng Nhà nước. Do đó trong quý 1 năm nay Vietcombank đặt ra không tăng trưởng nguồn vốn, để đảm bảo hiệu quả.

"Vì 100 đồng mà anh sử dụng đến 80 đồng thì sẽ hiệu quả hơn 100 đồng chỉ sử dụng 73 đồng. Tín hiệu điều hành ra thị trường của Vietcombank hiện nay là lãi suất so với các ngân hàng thương mại Nhà nước thấp hơn các kỳ hạn bình quân khoảng 0,2%; còn so với các ngân hàng cổ phần thấp hơn", ông Thành phân tích.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả