Ông Medvedev dự đoán quan hệ Nga - Mỹ dưới thời ông Biden
Quan hệ giữa Nga và Mỹ “sẽ vẫn cực kỳ lạnh nhạt” sau khi chính quyền mới xuất hiện, Washington vẫn sẽ theo đuổi chính sách chống Nga.
Nhận định trên của Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev được hãng tin TASS trích dẫn trong một báo cáo hôm 16/1.
Theo đó, ông Medvedev nhấn mạnh rằng “Nga sẵn sàng làm việc với bất kỳ tổng thống Mỹ nào, sẵn sàng khôi phục hợp tác” trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng chính quyền mới của Mỹ khó có thể thực hiện các bước đi tương tự.
“Nhiều khả năng Mỹ sẽ theo đuổi chính sách chống Nga một cách nhất quán. Trong những năm gần đây, quỹ đạo quan hệ giữa Moscow và Washington ngày càng xấu đi bất kể ai là người đứng đầu Nhà Trắng”, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga cho biết.
Theo Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga, với việc ông Trump lên nắm quyền, có một số hy vọng về sự thay đổi động lực tiêu cực trong quan hệ giữa Moscow và Washington, bởi năm 2016 dường như “quan hệ giữa hai nước không thể tồi tệ hơn dưới thời Barack Obama”.
“Tuy nhiên, những năm sau đó đã xua tan ảo tưởng này. Chính quyền ông Trump đã tăng cường một cách có hệ thống các cuộc đối đầu giữa Washington và Moscow, tiếp tục theo đuổi chính sách trừng phạt chống đối với Nga. Mỹ mong muốn loại bỏ Nga ra khỏi thị trường năng lượng và giảm thiểu tương tác ngoại giao”, ông Medvedev tuyên bố.
Ông Medvedev nói thêm rằng, ông Trump “liên tục nói về mong muốn hòa hợp” với Nga. Tuy nhiên, lời nói của nhà lãnh đạo Mỹ không có nghĩa lý gì, bởi “các biện pháp hạn chế tại Quốc hội Mỹ đều được cả đảng Dân chủ và Cộng hòa ủng hộ”.
Cùng ngày, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga cho biết, những lời hứa của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden về việc gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) nghe có vẻ “rất lạc quan”. Ông Medvedev cho rằng, Mỹ đang cố gắng khôi phục hình ảnh của mình như một đối tác chiến lược đáng tin cậy.
Theo ông Medvedev, Tổng thống đắc cử Mỹ Biden ủng hộ việc cắt giảm vũ khí và đã tham gia xây dựng Hiệp ước loại bỏ tên lửa tầm trung, tầm ngắn từ thời Liên Xô. Đồng thời, một trong những chủ đề của chiến dịch tranh cử của ông Biden là việc Washington không chấp nhận rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở (OST), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Hiệp định Khí hậu Paris.
Ông Medvedev lưu ý, việc Mỹ rút lại chữ ký và dự kiến gia nhập Hiệp định Paris mới là “một trong những ví dụ rõ ràng nhất và gần đây nhất về việc đi tắt đón đầu tong chính trị”. Đại diện của Hội đồng An ninh Liên bang Nga tin rằng hiện tại những thay đổi mang tính kiến tạo đang diễn ra trên chính cơ sở của hoạt động kinh tế, một trật tự kinh tế mới đang được hình thành, các quốc gia và công ty cá nhân đang xây dựng lại mô hình trung lập, các nhà đầu tư đang sửa đổi chiến lược và các tổ chức quốc tế đang tạo ra các tiêu chuẩn mới.
Trước đó, hôm 7/1, Quốc hội Mỹ trong phiên họp chung đặc biệt của lưỡng viện đã chính thức xác nhận ông Joe Biden là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11/2020 và sẽ trở thành Tổng thống hợp hiến thứ 46 của Mỹ.
Hôm 14/12, cử tri đoàn đã bỏ phiếu xác nhận ông Biden giành chiến thắng trước đương kim Tổng thống Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Cụ thể, ông Biden đã giành chiến thắng với 306 phiếu đại cử tri, trong khi đó Tổng thống Donald Trump giành được 232 phiếu đại cử tri.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận