Ông lớn thương mại điện tử lớn hơn cả Shopee, Lazada, Tiki
Với tính chất miễn phí và phù hợp với hình thức cá nhân bán hàng, Facebook có thể làm tăng cạnh tranh đối với các hình thức bán hàng qua mạng xã hội và sàn thương mại điện tử.
Kết thúc năm 2019, nhóm "tứ đại gia" của thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam được xác định là Shopee, Lazada, Tiki, Sendo. Quy mô thị trường đạt tới 5 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng 81% - nhanh thứ 2 tại Đông Nam Á.
Còn theo Sách trắng TMĐT Việt Nam 2019 được Cục Thương mại điện tử và kinh tế số phát hành, mức tăng trưởng của thị trường Việt Nam cao nhất trong 3 năm trở lại đây.
Đóng góp vào sự tăng trưởng thần tốc của TMĐT Việt Nam là thói quen tiêu dùng đang chuyển đổi rõ rệt của người Việt - từ offline truyền thống lên online. Bên cạnh đó là sự phát triển của các thiết bị điện thoại, máy tính, hạ tầng kĩ thuật và mạng Internet.
Khảo sát của Sapo.vn gần đây chỉ ra, mạng xã hội và sàn TMĐT hiện là kênh bán hàng phổ biến và hiệu quả nhất trên mạng. So với các cửa hàng truyền thống, các đơn vị có sử dụng các kênh mạng xã hội bán hàng đem về doanh thu cao hơn, từ 25-50%.
Trong đó, Facebook được đánh giá là kênh bán hàng phổ biến và hiệu quả nhất. Mặc dù, Facebook không tự nhận là một sàn TMĐT, nhưng về lâu dài "ông vua mạng xã hội" được dự báo sẽ gây sức ép lên những cái tên như: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo...
Cuối năm 2016, Facebook ra mắt thử nghiệm mô hình Marketplace - không gian mở cho việc mua bán trực tuyến giữa người dùng với người dùng (C2C). Chỉ hơn 3 năm sau đó, Facebook Marketplace chính thức có mặt tại Việt Nam.
Anh Minh Đức (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, ngay sau khi nắm được thông tin Facebook đưa ra mô hình bán hàng như một chợ online, anh đã thử đăng bán sản phẩm của mình là các mẫu điện thoại xách tay.
Facebook Marketplace vừa chính thức có mặt tại Việt Nam
Theo đánh giá của giới chuyên gia, với tính chất miễn phí và phù hợp với hình thức cá nhân bán hàng, Facebook có thể làm tăng cạnh tranh đối với các hình thức bán hàng qua mạng xã hội và sàn thương mại điện tử.
Tuy nhiên, đây mới là dạng chợ "tự phát", có nghĩa là việc bán hàng dễ dàng nhưng lại thiếu quy định để xác minh, bảo đảm chất lượng hàng hóa và nhiều vấn đề khác liên quan đến quy trình bán hàng giống như một sản phẩm TMĐT thông thường.
Ngoài ra, việc Facebook chưa thành lập trụ sở chính thức tại Việt Nam nên cơ quan quản lý chưa có cơ sở cũng như cách thức để quản lý việc thu thuế, giám sát việc đảm bảo chất lượng hàng hóa, quyền lợi của người mua và bán.
Ông Trần Hải Linh, CEO sàn TMĐT Sendo cho hay: "Do Marketplace cho phép bất cứ ai trên Facebook đăng bán bất cứ thứ gì nên Marketplace đang hoạt động giống một trang rao vặt hơn là một chợ trực tuyến. Marketplace chưa cho thấy họ có mô hình hợp lý để đánh giá những người bán uy tín và hỗ trợ người mua trong việc chọn lựa và đánh giá sản phẩm. Trong giai đoạn ra mắt, đã có những báo cáo về việc có người thử bán ma túy, súng, hay động vật sống trên Facebook Marketplace".
Còn theo ông Huỳnh Lâm Hồ - CEO Haravan, trước mắt, các sàn TMĐT tại Việt Nam có lẽ chưa bị ảnh hưởng nhiều từ Facebook Marketplace. Còn định hướng phát triển của ứng dụng sau này như thế nào thì chưa thể đánh giá được.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận