24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thành Chung
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Ông lớn nhà nước thấp thỏm chờ chốt phương án thoái vốn

Dự thảo Quyết định sửa đổi bổ sung Quyết định 1232/QĐ-TTg cùng danh mục các doanh nghiệp thực hiện thoái vốn đến hết 2020 đang được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét với phương án thoái vốn tại hàng loạt “ông lớn” được điều chỉnh theo kiến nghị của nhiều bộ, ngành.

Trong số 11 doanh nghiệp thuộc danh sách doanh nghiệp do các bộ thực hiện thoái vốn đến hết năm 2019 không hoàn thành được chuyển giao về SCIC, có 3 cái tên rất đáng chú ý thuộc quản lý của Bộ Công thương.

Đó là Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), Tổng công ty Thiết bị công nghiệp và Tổng công ty Rượu - bia - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Hai doanh nghiệp đầu đều có tên trong danh mục thuộc kế hoạch thoái vốn năm 2019 - 2020 theo Quyết định 1232 của Thủ tướng Chính phủ với tỷ lệ vốn nhà nước còn phải thoái đến hết năm 2020 của VEAM là 88,47% và của Tổng công ty Máy và thiết bị công nghiệp lên tới 99,54%, tức là thoái toàn bộ vốn nhà nước nắm giữ.

Theo cập nhật mới đây của Bộ Tài chính, hai tổng công ty này đến nay vẫn chưa thực hiện xong việc quyết toán cổ phần hóa.

Gần đây, Bộ Công thương có động thái rất đáng lưu tâm là đề xuất tiếp tục thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại 2 doanh nghiệp này sau giai đoạn 2020, không đưa vào danh mục doanh nghiệp phải thoái vốn đến hết năm 2020 và danh mục doanh nghiệp chuyển giao về SCIC, nhưng không nêu rõ lý do, từ đó khiến dư luận đặt ra câu hỏi về mục đích bộ này muốn giữ vai trò chủ quản đối với doanh nghiệp sau giai đoạn 2020.

Liên quan đến hai trường hợp này, trong báo cáo tổng hợp rà soát ý kiến các bộ ngành tại dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 1232 đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ trước đó, tỷ lệ vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần thoái vẫn được giữ nguyên.

Song với đề xuất của Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Chính phủ có ý kiến chỉ đạo đối với đề xuất này.

Đối với trường hợp Sabeco, theo đề xuất của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công thương và SCIC, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp thu để bổ sung vào danh sách doanh nghiệp thuộc đối tượng chuyển giao về SCIC trong trường hợp không hoàn thành thoái vốn trước 31/12/2019. Bộ Công thương cũng đã có công văn đề nghị bổ sung danh mục thoái vốn đến hết năm 2020.

Cũng trong danh mục này, phương án thoái vốn nhà nước của một loạt doanh nghiệp thuộc quyền quản lý của Bộ Xây dựng không chỉ khiến chính “người trong cuộc” thấp thỏm chờ đợi, mà còn thu hút sự quan tâm từ phía các nhà đầu tư.

Tổng công ty Viglacera là một trong những cái tên được mong chờ nhất trong số này, với tỷ lệ vốn thoái được Bộ Xây dựng đề xuất giữ nguyên mức 38,58% đến hết năm 2020 như tại Quyết định 1232.

Tính đến thời điểm hiện nay, tỷ lệ vốn nhà nước tại Viglacera đã hoàn thành thoái theo lộ trình tại Quyết định 1232 là 18,04%.

Theo đề xuất mới nhất từ Bộ Xây dựng, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện các hạng mục xác định giá trị doanh nghiệp và xây dựng phương án thoái vốn theo kế hoạch đồng thời sẽ triển khai hoàn thành việc thoái vốn trong năm 2020.

Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam IDICO - doanh nghiệp thuộc danh mục bổ sung sắp xếp giai đoạn 2017 - 2020 với tỷ lệ vốn nhà nước cần thoái đến hết 2020 được đề xuất là 36%, cũng là đối tượng rà soát chuyển giao về SCIC, Bộ Xây dựng cũng đề nghị tiếp tục giữ lại để thực hiện thoái vốn.

Để đẩy nhanh tiến độ thoái vốn trong năm nay, bộ này cho biết đã thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp và kiến nghị giao cho Bộ thực hiện thoái vốn hoàn thành trong năm nay.

Với trường hợp Tổng công ty Lắp máy Việt Nam, Bộ Xây dựng đề nghị giữ lại phần vốn nhà nước tiếp tục duy trì 51% sau năm 2020.

Theo lý giải của Bộ Xây dựng, đây là doanh nghiệp lắp máy lớn, thực hiện các công trình trọng điểm quốc gia, do đó tỷ lệ vốn thoái đến hết năm 2020 được bộ này kiến nghị trong phương án mới nhất là 46,88%, giảm 51% phần vốn đề nghị giữ lại so với tỷ lệ thoái 97,88% theo quy định tại Quyết định 1232.

Với đề xuất này của Bộ Xây dựng, khả năng giảm tỷ lệ vốn thoái là hoàn toàn có thể được Chính phủ cân nhắc với lý do trên.

Một ông lớn khác cũng được chờ đợi là Tổng công ty Dược Việt Nam (thuộc Bộ Y tế) với tỷ lệ vốn nhà nước thoái trong năm 2020 tiếp tục được đề xuất phương án thoái 29%, thay vì 65% như tại Quyết định 1232 với lý do duy trì việc điều phối cung ứng thuốc chữa bệnh, dự trữ quốc gia để bình ổn giá thuốc.

Nếu phương án này được cân nhắc thì Tổng công ty Dược sẽ tiếp tục giữ lại 36% vốn nhà nước sau năm 2020.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả