24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thanh Thùy
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Ông Đỗ Cao Bảo: Hạn chế giờ làm thêm là đi ngược mong muốn của con người

“Lẽ ra phải truyền cho toàn dân tinh thần chăm chỉ thì dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi lại dẹp bớt tinh thần chăm chỉ...”

Đó là nhận định của ông Đỗ Cao Bảo, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT.

Quốc gia nào muốn thoát nghèo đều phải làm việc chăm chỉ

Bình luận về quy định giờ làm thêm trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang được dư luận quan tâm hiện nay, ông Đỗ Cao Bảo cho rằng rất nhiều người đang hiểu sai.“Làm thêm giờ là quyền của người lao động chứ không phải nghĩa vụ. Trong xã hội có nhiều người thích làm thêm, ngoài ra còn có những người muốn làm thêm vì nhu cầu kinh tế”, ông Bảo đánh giá.

Theo ông Bảo, có rất nhiều người như văn nghệ sĩ, giáo viên, vận động viên, kiến trúc sư, lập trình viên, người kinh doanh… muốn làm thêm vì đam mê, muốn tạo ra sản phẩm tốt cho xã hội, họ yêu nghề nghiệp. "Ấy thế mà ta lại khống chế, không cho họ làm. Đó là đi ngược với mong muốn của con người”, ông Bảo nói.

Theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FPTnếu nhà nước muốn bảo vệ cho những người không muốn làm thêm giờ thì nên tìm cách khác chứ không nên quy định cứng như trong dự luật.

Vị doanh nhân đánh giá, sở dĩ cộng đồng doanh nghiệp muốn nâng số giờ làm thêm trong năm là do bản chất của hoạt động kinh doanh, do nhu cầu của thị trường chứ không phải là doanh nghiệp muốn bóc lột người lao động. Ngành nghề nào cũng có thời kỳ cao điểm và thấp điểm: cao điểm cần nhiều lao động, thấp điểm cần ít lao động. Doanh nghiệp không thể duy trì số lượng lao động ngang với thời kỳ cao điểm hoặc thấp điểm mà phải duy trì ở mức độ trung bình.

"Sở dĩ doanh nghiệp phải duy trì số lượng lao động ở mức độ trung bình vì 2 nguyên do chính: một, doanh nghiệp phải trữ quân, lúc cao điểm sẽ có người làm; hai, doanh nghiệp không dễ tăng quân số vì có những việc phải giỏi nghề mới làm được. Bên cạnh đó, việc duy trì số lao động trung bình còn liên quan đến các yếu tố: kĩ năng của người lao động và chi phí lao động dư thừa", ông Bảo nói.

Vị này phân tích: “Nếu duy trì số lao động trung bình thì lúc ít việc, doanh nghiệp có thể đào tạo để nâng cao kỹ năng cho người lao động, còn nếu duy trì ít thì lao động suốt ngày, không có thời gian đào tạo. Ngoài ra, việc duy trì số lượng lao động lớn đồng nghĩa với chi phí lao động dư thừa sẽ tăng cao”.

Theo ông Bảo, một cá nhân muốn thoát nghèo thì ngoài kỹ năng, kiến thức cần có sự chăm chỉ. “Chả ông nào thoát nghèo, dù giỏi mấy, mà không cần chăm chỉ. Quốc gia cũng vậy, nước nghèo muốn giàu mà người dân không chăm chỉ thì chẳng có cách nào khác. Công nghệ, vốn… đến đâu mà không chăm chỉ cũng không giàu được. Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan đều vậy, còn ông nào không trải qua đều nghèo”.

“Lẽ ra, chúng ta phải truyền cho nhau khát vọng đất nước nhất định giàu, trong khát vọng đó phải thể hiện tinh thần chăm chỉ, tại sao lại có luật cấm chăm chỉ? Một luật ngớ ngẩn. Lẽ ra phải truyền cho toàn dân tinh thần chăm chỉ thì dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi lại dẹp bớt tinh thần chăm chỉ? Không muốn lao động mà muốn giàu có, muốn giàu có lại muốn ít làm, muốn ít làm lại đòi cuộc sống cao, làm gì có chuyện đó được!", ông Bảo nói.

Ông Bảo cũng phản bác quan điểm “người có kỹ năng tốt làm thêm giờ thì người không có kĩ năng tốt sẽ thất nghiệp”. Ông cho rằng ngoài tinh thần làm giàu, tinh thần khởi nghiệp cũng phải truyền cho thế hệ trẻ.

Có lẽ Việt Nam không muốn hoá rồng

“Chúng ta quy định 200 giờ làm thêm/năm, tức là cứ 8 giờ làm việc sẽ được làm thêm 4 giờ. Lẽ ra người càng nghèo thì càng phải lao động, nước càng nghèo càng phải chăm chỉ. Trên thế giới, quốc gia nghèo cho người lao động làm thêm thoải mái, miễn là ông chủ và người lao động thỏa thuận tự nguyện với nhau. Khi đã giàu lên rồi họ mới quy định số giờ làm thêm mà cũng bắt đầu với con số rất cao", ông Bảo nói.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT dẫn chứng: "Quan sát các cuộc tranh luận trên nghị trường, trên báo chí và trên mạng xã hội, tôi có cảm tưởng rằng có lẽ Việt Nam chúng ta không muốn hoá rồng và không thể hoá rồng, có lẽ Việt Nam chúng ta sẽ không thể trở thành quốc gia giàu có. Hãy xem người Nhật Bản, người Singapore, người Hàn Quốc, người Đài Loan, những quốc gia/vùng lãnh thổ châu Á giàu có nhất, từng từ đói nghèo đi lên giàu có và văn minh, những con rồng châu Á họ đang lao động và làm việc thế nào?

Theo ông Đỗ Cao Bảo, Nhật Bản là cường quốc kinh tế số ba thế giới, đã vươn lên vượt nhiều quốc gia Âu Mỹ từ 30-40 năm nay, hiện tại số giờ làm thêm của họ đang là 45 giờ một tháng, 360 giờ một năm.

Số giờ làm thêm tối đa của Đài Loan là 54 giờ một tháng, 648 giờ một năm. Hàn Quốc vừa mới giảm số giờ làm thêm một tuần từ 28 giờ xuống 12 giờ một tuần (tức giảm từ khoảng 1.200 giờ xuống 550 giờ một năm).

Singapore, quốc gia giàu có thứ hai châu Á, thứ bảy thế giới thế mà số giờ làm thêm tối đa của họ vẫn đang là 72 giờ một tháng, hơn 800 giờ một năm.

"Đất nước chúng ta đang nghèo hơn Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore rất nhiều, con người không thông minh hơn họ, bước vào kinh tế thị trường sau họ, năng lực cạnh tranh quốc gia thua xa họ, thế mà số giờ làm thêm mới chỉ bằng 25% đến 55% của họ, nay muốn nâng lên có 35% đến 80% của họ thôi mà đã không thể nâng nổi", ông Bảo nêu.

Vị doanh nhân này cho biết:"Cách đây hơn ba năm khi tôi viết bài nói người Việt Nam lười lao động, rất nhiều bạn phản đối quyết liệt, cố chứng minh rằng người Việt Nam chăm chỉ lắm. Chăm chỉ gì mà thời gian làm việc thêm mới chỉ làm bằng 1/4, 1/2 họ đã kêu mệt, kêu cần nghỉ ngơi, cần tái tạo sức lao động. Đấy chưa kể là trong giờ làm việc chính còn ngồi tán gẫu, đọc báo, đi uống cà phê".

Thực tế cuộc sống đã chỉ ra rằng hầu hết những người thành đạt, giàu có đều là những người làm việc chăm chỉ nhất, cường độ cao nhất. Rất nhiều người trong số đó, làm việc 12 giờ, thậm chí 14 giờ một ngày, 7 ngày trong tuần, hoàn toàn tự nguyện, trong suốt nhiều năm liền, không cần trả công. Đối với họ làm việc là một niềm hứng khởi, một niềm vui, một niềm đam mê, họ làm việc quên cả thời gian, quên cả ngày tháng.

Lịch sử cũng đã chứng minh rằng những quốc gia đi từ đói nghèo lên thịnh vượng, những quốc gia châu Á hoá rồng đều phải trải qua giai đoạn dăm chục năm, thậm chí cả trăm năm lao động chăm chỉ nhất, với cường độ cao nhất.

"Giàu nghèo phần lớn là do cách nghĩ, thái độ với lao động, thái độ với các vấn đề xã hội của mỗi người mà ra cả. Với cách nghĩ ấy, với thái độ ấy mà mong muốn Việt Nam hoá rồng, Việt Nam trở thành quốc gia giàu có thì tôi không tin", ông Bảo nêu quan điểm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả