Ông Đinh La Thăng: 'Việc quy kết tôi tạo điều kiện cho Định Ngọc Hệ chiếm đoạt tài sản là không có căn cứ'
Trình bày trước tòa, cựu Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho rằng: Việc quy kết tôi tạo điều kiện cho Đinh Ngọc Hệ chiếm đoạt tài sản là không có căn cứ”.
Sáng 17/12, phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng, cựu Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) cùng 19 đồng phạm trong vụ đấu thầu thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương bước vào ngày làm việc thứ 4.
Tại phiên xét xử này, các luật sư bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng, Đinh Ngọc Hệ cùng 18 bị cáo sẽ thẩm vấn thân chủ của mình xoay quanh các hành vi về đề án thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Theo đó, trả lời câu hỏi của luật sư Trương Trọng Nghĩa (Đoàn luật sư TP.HCM, một trong 6 luật sư bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng) về cáo buộc bị cáo Đinh La Thăng đã tạo điều kiện cho Đinh Ngọc Hệ chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, đối với câu hỏi này, bị cáo Thăng cho biết, bị cáo tôn trọng ý kiến của Viện kiểm sát (VKS) là đã làm theo quy định pháp luật nhưng bị cáo Thăng không công nhận lời cáo buộc trong cáo trạng vì suy diễn, quy buộc không khách quan, không phù hợp với thực tế. "Việc quy kết tôi tạo điều kiện cho Hệ chiếm đoạt tài sản là không có căn cứ”, bị cáo Thăng nói.
Theo bị cáo Đinh La Thăng, hồ sơ vụ án và lời khai các bị cáo khác đều khẳng định bị cáo Thăng không hề có bất kỳ tác động nào, hay dùng ảnh hưởng của mình tác động đến cá nhân nào để làm sai lệch quá trình triển khai dự án bán quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Tiếp trả lời tiếp câu hỏi của luật sư Nghĩa, về trách nhiệm của mình ở Bộ GTVT khi để xảy ra tình trạng sai lệch trên, bị cáo Đinh La Thăng trình bày, bị cáo phải chịu toàn bộ trách nhiệm của ngành giao thông trên tất cả các lĩnh vực, trước Đảng, trước Chính phủ. Tuy nhiên, bị cáo chỉ chịu trách nhiệm chung về chính trị, hành chính và những vấn đề này bị cáo đã xử lý.
"Giờ bị cáo không còn là Bộ trưởng nữa, nên việc quy trách nhiệm về mặt hình sự cho bị cáo là không có căn cứ", bị cáo Thăng trả lời.
Để làm rõ về thiệt hại trong vụ án, luật sư Trương Trọng Nghĩa (bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng) hỏi đại diện Bộ Tài chính về việc định giá quyền thu phí là 2.004 tỉ đồng có hợp lý không? Đại diện Bộ Tài chính khẳng định Bộ đã có văn bản quy định về các chỉ tiêu và các văn bản này đã gửi đến Bộ GTVT. Còn Bộ Tài chính không có thẩm quyền để đánh giá số tiền định giá đó là cao hay thấp.
Luật sư Nghĩa tiếp tục đặt câu hỏi, trong vụ án này, Bộ Tài chính có văn bản nào xác định số tiền bán quyền thu phí 2.004 tỷ đồng là cao hay thấp không?, đại diện Bộ Tài chính cho hay, sau khi vụ án xảy ra, Cơ quan điều tra không có trao đổi, và bộ Tài Chính cũng không có văn bản nào khẳng định việc định giá như vậy là cao hay thấp.
Tiếp đó, luật sư Trương Trọng Nghĩa hỏi đại diện Bộ GTVT (bị hại của vụ án) về việc số tiền mà công ty Yên Khánh trả để mua quyền thu phí là 2.004 tỷ đồng Bộ GTVT đã nhận được chưa?.
Đại diện Bộ GTVT cho biết, đến nay đã nhận đủ, tuy nhiên, công ty Yên Khánh trả tiền chậm nên có lãi chậm trả đối với số tiền này. Còn về thiệt hại trong vụ án là bao nhiêu thì đến nay Bộ này cũng chưa biết tính thế nào nên chờ phán quyết của toà.
Trước đó, trả lời luật sư bào chữa về việc ký văn bản gửi Thủ tướng, bị cáo Đinh La Thăng cho biết, thời điểm đó bị cáo về Bộ GTVT vừa được 3 tháng, đang họp Quốc hội thì được trình văn bản này và được biết là dự án này Thủ tướng giao bán quyền thu phí nhưng rất lâu rồi mà không bán được, hiện đã làm công văn xin trả lại.
"Trách nhiệm của Bộ GTVT với phát triển hạ tầng GTVT cả nước, đặc biệt là khuc vực Đồng bằng sông Cửu Long nhưng chỉ đầu tư được 54 km đường cao tốc, nên bị cáo thấy rất có lỗi với đồng bào khu vực này. Trong khi dự án lại được đầu tư với lộ trình từ TP.HCM về đến Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ. Do đó, anh em chuẩn bị cho bị cáo văn bản báo cáo Thủ tướng là đồng ý tiếp nhận lại dự án này để tiếp tục đầu tư hoàn thành. Ngoài ra, không có động cơ mục đích nào khác", bị cáo Đinh La Thăng nói.
Bên cạnh đó, bị cáo Thăng cũng cho biết thêm, khi về làm Bộ trưởng, tình hình lạm phát rất căng thẳng, vốn của Bộ GTVT đã bị ứng trước mấy năm không còn, nên phải huy động các nguồn lực khác từ trong dân, doanh nghiệp để tiếp tục đầu tư, nên việc bán quyền thu phí là để có vốn thực hiện dự án.
"Văn bản 217 ngày 2/2/2012 của Thủ tướng đồng ý chuyển giao nguyên trạng dự án cho Bộ GTVT bị cáo không nhận được, do Thứ trưởng nhận và xử lý. Mỗi ngày bộ có 500-700 công văn đến, đi. Nên bị cáo phải phân công cho các Thứ trưởng nhân danh Bộ trưởng giải quyết các công việc Bộ trưởng giao và chịu trách nhiệm trước pháp luật và Bộ trưởng", bị cáo Đinh La Thăng trình bày.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận