Ông chủ SoftBank nợ gần 5 tỷ USD vì chơi cổ phiếu công nghệ
Cá nhân nhà sáng lập kiêm CEO của công ty đầu tư công nghệ Nhật Bản SoftBank, Masayoshi Son, đang nợ công ty này gần 5 tỷ USD vì thua lỗ gia tăng từ những khoản đầu tư vào các doanh nghiệp công nghệ. Số nợ này khiến cho giá trị cổ phần của ông Son trong quỹ đầu tư mạo hiểm Vision Fund 2 gần như không còn giá trị.
Nghĩa vụ nợ cá nhân của tỷ phú Son ngày càng gia tăng trong bối cảnh SoftBank - nhà đầu tư công nghệ lớn nhất thế giới - điêu đứng vì xu hướng lao dốc kéo dài trong 1 năm qua của giá cổ phiếu công nghệ và định giá của những công ty cổ phần tư nhân mà SoftBank rót vốn.
Tuần trước, Son, 65 tuổi, nói sẽ rút khỏi việc điều hành công việc hàng ngày của SoftBank. Ông nói rằng trọng tâm chính của ông sẽ Arm - công ty con thuộc SoftBank, có trụ sở ở Anh và chuyên về lĩnh vực con chip. Tuyên bố này được đưa ra sau khi SoftBank báo khoản lỗ đầu tư 10 tỷ USD trong quý 3.
Thua lỗ chồng chất ở các bộ phận đầu tư của SoftBank đã khiến cho số nợ của Son đối với công ty, liên quan đến các vụ đặt cược công nghệ, tăng thêm hàng tỷ USD. Đó là bởi SoftBank cấp vốn cho Son để rót vào các quỹ đầu tư công nghệ, và thời hạn để ông hoàn trả những khoản vay này cho công ty là nhiều năm.
Giá trị cổ phần 17,25% của Son trong Vision Fund 2 - quỹ có quy mô 56 tỷ USD - đến cuối tháng 9 vừa qua đã bị cuốn phăng gần như hoàn toàn. Trong quý vừa rồi, cổ phần này chỉ còn được định giá ở mức 682 triệu USD.
Hồi cuối năm 2021, cổ phần của Son trong quỹ này đạt mức 2,8 tỷ USD. Đó là thời điểm mà mức định giá hấp dẫn của nhiều startup đã cho phép SoftBank bán ra cổ phiếu của một số công ty trong danh mục đầu tư như WeWork và AutoStore.
SoftBank hiện chưa thu lại số tiền 2,8 tỷ USD mà ông Son mắc nợ liên quan đến cổ phần của ông trong Vision Fund 2. Son cũng nợ SoftBank 669 triệu USD trong một thoả thuận tương tự tại một quỹ đầu tư mạo hiểm chuyên thị trường Mỹ Latin. Tổng số tiền mà Son nợ công ty đang là 4,7 tỷ USD.
Câu chuyện về Son nợ công ty hàng tỷ USD bị lộ ra trong bối cảnh cổ đông SoftBank đặt nhiều câu hỏi về việc công ty đẩy mạnh tốc độ mua lại cổ phiếu trong những tuần gần đây. Việc mua lại này đã đẩy giá cổ phiếu SoftBank lên mức cao nhất 12 tháng trong tháng này, bất chấp tình trạng thua lỗ tại các quỹ Vision Fund.
Cá nhân Son đã gánh 1/3 số lỗ tại Northstar, quỹ phòng hộ “làm mưa làm gió” trên thị trường cổ phiếu công nghệ Mỹ hồi năm 2020. Tổng thua lỗ từ đầu tư của Northstar tính đến cuối tháng 9 năm nay đã tăng lên mức gần 6 tỷ USD, trong khi quỹ tiếp tục thanh lý tài sản. Nếu quỹ này có lãi, Son bỏ túi 1/3 lợi nhuận.
Tương tự, nếu các vụ đầu tư của Vision Fund 2 vào các công ty công nghệ có lãi, Son đã kiếm được những khoản lớn cho dù không phải bỏ tiền túi để đầu tư. Tuy nhiên, do thua lỗ, vị tỷ phú giàu nhất Nhật Bản sẽ mất vài tỷ USD trong khối tài sản ròng cá nhân.
Trái với quỹ Vision Fund 1 có quy mô 100 tỷ USD, trong đó có hàng chục tỷ USD từ các quỹ đầu tư quốc gia ở vùng Vịnh, quỹ Vision Fund 2 không có nhà đầu tư bên ngoài. Hai nhà đầu tư duy nhất của quỹ này là SoftBank và Son.
Vision Fund 2 là một trong số những nhà đầu tư lớn bút toán giảm giá trị tài sản do vụ sụ đổ của sàn tiền ảo FTX vào tuần trước. Tổng thua lỗ của SoftBank trong vụ này ước tính khoảng 100 triệu USD.
Cả trong Vision 2 và quỹ đầu tư Mỹ Latin, Son đều dùng cổ phần của ông trong quỹ và một phần cổ phần của ông trong SoftBank làm tài sản thế chấp vay tiền từ SoftBank. Ngoài ra, ông cũng cung cấp sự đảm bảo cá nhân cho việc vay tiền này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận