Ông chủ dự án Kenton Node hơn 7.800 tỷ bị đấu giá là ai?
Sở hữu hệ sinh thái doanh nghiệp nghìn tỷ cùng các dự án lớn, song ít ai biết, ông Vũ Anh Tâm từng là một giảng viên giảng dạy tại trường Giao thông vận tải.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa có thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên. Trong đó tài sản thế chấp là siêu dự án Kenton Node “đắp chiếu” gần 10 năm nay tại cửa ngõ phía nam TP.HCM.
Giá trị khoản nợ đem bán bao gồm toàn bộ số nợ gốc, tiền lãi phát sinh tại thời điểm bán đấu giá (tính đến ngày 29/3/2020) là 4.063 tỷ đồng. Tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án Kenton, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM. Đây là dự án có tổng diện tích 9,1ha, có ba phân khu Plaza, Sky Villa và Residences với 9 block gồm 1.640 căn hộ.
Tài sản này được đồng thế chấp tại nhiều ngân hàng, bao gồm: BIDV, MSB, PVCombank (BIDV chiếm 58% giá trị). Giá trị định giá tài sản là 7.836,7 tỷ đồng, trong đó giá trị tài sản bảo đảm được phân chia, hạch toán tại BIDV là 4.545,5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tài sản bảo đảm còn có các quyền tài sản của mỏ đá thuộc xã Hòa Thạch và Phú Mãn, Huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội với giá trị định giá lần đầu là 885,5 tỷ đồng.
Như vậy, tổng giá trị tài sản mà Tài Nguyên thế chấp để vay vốn tín dụng từ các nhà băng được định giá lên tới 8.722,2 tỷ đồng.
Nhân tố đằng sau 'siêu' dự án Kenton Node
Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên là một doanh nghiệp có tiếng tăm trong ngành xây dựng hạ tầng, với các dự án điển hình là Công trình hầm đường bộ qua đèo Hải Vân, Công trình Đại lộ Hồ Chí Minh, Cao ốc văn phòng Vinatex – Tài Nguyên, Dự án Evergreen, Thành phố Global – Hà Tây,…
Công ty này được thành lập vào tháng 3/1996, trụ sở chính đặt tại 10 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM, hoạt động trong lĩnh vực thi công cơ sở hạ tầng, sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng, chủ yếu là bê tông, đá xây dựng và đá dăm. Chủ tịch kiêm người đại diện theo pháp luật của Tài Nguyên là ông Vũ Anh Tâm.
Từ năm 2001, Tài Nguyên tái cấu trúc mô hình sản xuất, kinh doanh và tập trung nguồn tài lực chính vào đầu tư và kinh doanh bất động sản. Hiện tại, công ty tập trung chủ yếu vào đầu tư và xây dựng khu phức hợp căn hộ và văn phòng cho thuê.
Tháng 9/2018, Tài Nguyên tăng vốn gấp 4 lần lên mức 1.450 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông là ông Vũ Anh Tâm (98,2%), ông Tô Quang Tùng (1,5%) và ông Hoàng Văn Lâm (0,24%). Đến tháng 1/2019, toàn bộ vốn góp của ông Tâm và ông Tùng được chuyển sang cho CTCP Phát triển Bất động sản Tài Nguyên (BĐS Tài Nguyên).
Cổ đông lớn BĐS Tài Nguyên (tên cũ là CTCP Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Gia Quý) được thành lập vào tháng 7/2016, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và quyền sử dụng đất. Trụ sở chính đặt tại 103 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Chủ tịch HĐQT là ông Lâm Quý (SN 1965).
Quy mô vốn ban đầu của BĐS Tài Nguyên là 200 tỷ đồng, trong đó ông Lâm Quý (40%), ông Võ Văn Lộc (30%) và Công ty TNHH Tư vấn và kinh doanh Nhà Đạt Gia (30%). Đáng chú ý, hai cá nhân là ông Lâm Quý và ông Võ Văn Lộc cũng là cổ đông tại Đạt Gia (quy mô vốn 224 tỷ đồng) với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 15% và 74%.
Cuối tháng 1/2019, BĐS Tài Nguyên tăng vốn khủng từ mức 200 tỷ lên 1.646 tỷ đồng, 2 tháng sau, ông Vũ Anh Tâm (SN 1959) lên nắm quyền Chủ tịch HĐQT tại đây.
Doanh nhân Vũ Anh Tâm vốn là một giảng viên giảng dạy tại trường Giao thông vận tải. Theo chia sẻ của ông với báo chí, sau khi dạy học được 10 năm, ông Tâm chuyển qua làm doanh nghiệp. Ngoài Tài Nguyên, ông Tâm còn là chủ sở hữu CTCP Xây dựng và Vật liệu xây dựng Hà Tây (vốn 73,5 tỷ đồng).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận