menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lê Nam

Ông Bùi Kiến Thành: Kinh tế VN đã đi được nửa đường

“Trên con đường phát triển kinh tế, chúng ta đã đi được một nửa. Dù vậy, phải xác định nửa còn lại sẽ không dễ dàng như trước”.

Đến thăm chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành tại căn nhà thuê ở một góc không ồn ã của Hội An, sau vài lời chào hỏi xã giao, câu chuyện lại xoay quanh chủ đề quen thuộc: phát triển kinh tế, hệ thống tài chính ngân hàng. Có nhiều điều ông đã nói, đã nhắc đi nhắc lại trong hàng chục năm nay nhưng không nhận được lời đồng vọng, vậy mà, vị chuyên gia tuổi đã gần 90 này vẫn kiên trì với tâm niệm ‘hãy thắp lên một ngọn đèn’.

PV: - Quả thật, chúng ta đang nhìn thấy ngày càng nhiều hơn những tín hiệu tích cực trong sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, từ quyết tâm chính trị được nhắc lại nhiều lần, khẳng định kinh tế tư nhân là động lực của nền kinh tế tới việc ghi nhận đóng góp khoảng 40% vào GDP của khu vực này. Từ góc độ của một chuyên gia kinh tế, ông nhìn nhận như thế nào về những chuyển động nói trên?
Ông Bùi Kiến Thành: - Qua hơn 30 năm mở cửa, Việt Nam đã thay đổi rất nhiều. Từ chỗ chỉ nhà nước được làm kinh tế, người dân xếp hàng dài để mua gạo, mua thịt theo tem phiếu… đến chỗ doanh nghiệp tư nhân là một thành phần của nền kinh tế, rồi doanh nghiệp tư nhân là động lực của nền kinh tế.

Về đóng góp, trong hai năm 2015 - 2016, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp gần 50% GDP, 33% thu ngân sách nhà nước, 45% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội. Về giải quyết việc làm, trong giai đoạn 2011-2016, khu vực doanh nghiệp tư nhân tạo ra trung bình hơn 500.000 việc làm/năm, chiếm 62% tổng số việc làm trong toàn bộ khối doanh nghiệp.

Đáng lưu ý, tại cuộc đối thoại với các doanh nghiệp tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân mới đây, trước đề xuất tạo điều kiện để kinh tế tư nhân đóng góp trên 50% GDP, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặt mục tiêu xa hơn rằng kinh tế tư nhân nên phấn đấu đóng góp 60% GDP.

Có thể tin tưởng rằng, tư duy sẽ dẫn tới hành động, nghĩa là phải tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Đây là việc đã và đang được thực hiện từ nhiều năm nay nhưng kết quả vẫn chưa được như mong muốn của doanh nghiệp.

Một phần nguyên nhân là do chúng ta thiếu một tổ chức hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, tương tự như Small Business Administratrion của Mỹ. Đây là một tổ chức thuộc liên bang, có nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ cho doanh nghiệp Mỹ, cái nào mới nhớm lên thì giúp họ lựa chọn sản phẩm nào tốt và phù hợp với thị trường, tổ chức thành doanh nghiệp, cho vay vốn đầu tư, cái nào đã tồn tại thì giúp họ tiếp tục tồn tại và phát triển hơn.

Đặc biệt, trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp gặp rất nhiều vấn đề phức tạp hơn, liên quan tới quản trị doanh nghiệp nhưng không phải ai cũng có những kiến thức cần thiết để phòng tránh hay giải quyết. Ví dụ, về quản lý dòng tiền (cash flow), có những doanh nghiệp bán ra ào ạt, giao hàng cho các siêu thị, đại lý nhưng không để ý tới điều kiện thanh toán chậm 2 tháng, 3 tháng hay 4 tháng. Vì đã giao hàng nhưng không nhận được tiền ngay, doanh nghiệp đang phát triển mạnh mà lại chết vì không cân đối được nguồn tiền.

Hay về vấn đề giá cận biên. Khi quy mô sản xuất đã đạt tới mức công xuất tối ưu mà doanh nghiệp không ý thức được vẫn nhận đơn đặt hàng, giá thành sản phẩm sẽ lên rất cao, doanh nghiệp phải chịu lỗ lớn, tự đánh mất đà lớn mạnh, thậm chí, tới bờ vực phá sản.

Trên con đường phát triển kinh tế, chúng ta đã đi được một nửa. Dù vậy, phải xác định nửa còn lại sẽ không dễ dàng như trước.

PV: - Mong muốn có một trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là điều mà ông đã đề cập từ rất nhiều năm trước. Tất nhiên, chúng ta sẽ cần những nhân sự đủ năng lực và một khoản ngân sách nhất định. Thế nhưng, như ông đã nói, đây chỉ là một trong những nguyên nhân. Những ngáng trở khác cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung là gì?
Ông Bùi Kiến Thành: - Khi doanh nghiệp Việt Nam vẫn khó khăn nhiều bề từ vốn, công nghệ tới kinh nghiệm quản lý mà chưa có ‘bà đỡ’, họ lại phải đương đầu với những đối thủ rất mạnh: doanh nghiệp FDI.

Dù đã có nhiều lời hứa hẹn về chuyển giao công nghệ, hợp tác với doanh nghiệp Việt phát triển công nghiệp phụ trợ, có tới hơn 90% linh kiện, phụ kiện trong các ngành sản xuất FDI. Phải nhìn thẳng là họ không có nhu cầu cũng như động lực để giúp đỡ doanh nghiệp Việt, như lời hoa mỹ hợp tác cùng phát triển.

Ông Bùi Kiến Thành: Kinh tế VN đã đi được nửa đường

Ngược lại, FDI là một lực lượng tiêu hao nguồn sống của doanh nghiệp vừa và nhỏ của mình. Ngoài những ưu đãi chính từ phía nhà nước Việt Nam, điều mà chính doanh nghiệp bản địa lại không được thụ hưởng, họ có lợi thế về nguồn vốn giá rẻ, kinh nghiệm dày dặn, thị trường nội địa và xuất khẩu lớn hơn. Đặc biệt, họ xây dựng được chuỗi liên kết rộng và bền vững, hỗ trợ nhau cùng lớn mạnh và chiếm lĩnh thị trường của Việt Nam.

Vì vậy, doanh nghiệp Việt bị tước đi cơ hội trên chính sân nhà, một mặt rất khó trồi lên, mà trồi lên được thì cũng khó có thể phát triển thêm.

Trách nhiệm của phía quản lý nhà nước là phải để tâm tới vấn đề này. Chúng ta có chủ quyền về kinh tế và phải sử dụng quyền đó để từ chối những doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam để làm hại môi trường, cạnh tranh và tiêu hao sự tồn tại của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thậm chí, có doanh nghiệp trong nước mới lớn lên thì đã bị doanh nghiệp FDI thâu tóm rồi xóa sổ. Ở vai trò quản lý, tại sao chúng ta lại để điều đó xảy ra?

Khi trải thảm đỏ với doanh nghiệp nước ngoài, đồng thời phải xây dựng được các điều kiện ràng buộc với họ. Làm sao phải khiến doanh nghiệp nước ngoài phải hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, giúp doanh nghiệp trong nước bắt kịp công nghệ và trình độ sản xuất tiên tiến, lần lần vững mạnh hơn, vươn ra được thị trường thế giới? Nếu không làm được điều đó, khối FDI sẽ ngốn sạch tài nguyên, gây hại cho doanh nghiệp Việt.

PV: - Gần đây, cân nhắc nên hay không nên hỗ trợ những doanh nghiệp tư nhân lớn, một mặt giúp họ tăng sức cạnh tranh, thâm nhập thị trường quốc tế, mặt khác, nâng đỡ, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ trong nước đang được thảo luận khá sôi nổi. Thưa ông, liệu doanh nghiệp tư nhân trong nước có đủ tiềm lực và thiện chí gánh vác sứ mệnh này? Quan điểm của ông như thế nào?
Ông Bùi Kiến Thành: - Đây là một mô hình đã có lịch sử, tương tự như chaebol của Hàn Quốc hay keiretsu của Nhật Bản. Tuy nhiên, cách thức phát triển này có phù hợp với Việt Nam hay không?

Đầu tiên, phải trả lời câu hỏi Việt Nam đã có những doanh nghiệp đủ nội lực và động lực nâng đỡ những doanh nghiệp nhỏ và vừa hay chưa?

Ở khía cạnh nội lực, chúng ta chưa xây dựng được các ngành công nghiệp nền tảng (foundation). Vì thế, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo của Việt Nam mạnh nhờ tham gia vào chuỗi gia công và lắp ráp, hoặc phải nhập linh kiện, thiết bị nước ngoài để sản xuất ra sản phẩm mang thương hiệu của mình.

Trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và bất động sản, doanh nghiệp Việt phát triển tốt nhờ biết tận dụng thị trường trong nước, chỉ có thể mở rộng sang các thị trường lân cận mà khó vươn xa tầm thế giới. Ví dụ với mặt hàng sữa, làm sao mình có đủ diện tích đất để chăn nuôi quy mô lớn như Mỹ hay Australia. Khung của người ta lớn hơn khung của mình nhiều nên lợi thế của mình là nhập từ họ, cố gắng bán sang một số nước trong ASEAN chứ cạnh tranh với châu Âu và Mỹ thì chẳng khác gì con ếch cố phình ra như một con bò.

Như vậy, dù có nhận trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, khả năng tác động của nhóm doanh nghiệp tư nhân lớn nói trên tương đối hạn chế.

Xét về động lực, chính trong nhóm các doanh nghiệp tư nhân lớn, chưa có hệ thống liên kết giữa giữa họ với nhau và với nền kinh tế. Điều này dẫn đến tình trạng doanh nghiệp phát triển theo các tính toán lợi ích ngắn hạn, không tương trợ mà có thể còn giẫm chân lên nhau.

Mặt khác, không có cam kết tương hỗ giữa những nhà đại tư bản với nền kinh tế, theo cách thức, họ được hỗ trợ điều gì và họ sẽ đạt được những mục tiêu gì. Ở Hàn Quốc thời Park Chung Hee, những ông lớn ngồi lại với nhau, phân chia các lĩnh vực mà họ có thể làm tốt nhất và có cam kết với nhà nước về hiệu quả kinh doanh. Đổi lại, nhà nước sẽ hỗ trợ tối đa để doanh nghiệp phát triển.

Vì vậy, theo tôi, ở một mức nào đó, chúng ta vẫn khuyến khích phát triển các doanh nghiệp tư nhân lớn, làm trụ đỡ cho nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu muốn nền kinh tế lớn mạnh, tác động tích cực đến đời sống dân chúng thì phải mở rộng hơn bằng cách có hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Phải có vườn ươm, có hệ thống tài chính hỗ trợ cho họ. Trên thực tế, Viêt Nam đã có những cơ quan được phân trách nhiệm này, như Ngân Hàng Phát Triển Đầu Tư (BIDV), Ngân hàng Phát triển Việt Nam (BDV), nhưng các tổ chúc này chưa phát huy hết tiềm năng và nhiệm vụ. Tất nhiên, đi kèm với đó là nhân sự được đào tạo bài bản, biết thẩm định, đánh giá dự án, chí công, vô tư, để nguồn lực đến được với những doanh nghiệp có khả năng tồn tại và lớn mạnh hơn.

PV: - Với độ mở rất lớn của nền kinh tế Việt Nam, chúng ta sẽ phải cạnh tranh trong một thị trường phẳng dẹt. Vậy thì, vấn đề xác định lợi thế so sánh để lựa chọn ưu tiên đầu tư nên được đặt ra như thế nào? Chúng ta đã nói nhiều về vấn đề này chưa, thưa ông?
Ông Bùi Kiến Thành: - Nguyên tắc về phát triển kinh tế là phải biết cái gì chúng ta làm tốt hơn người ta thì lựa chọn. Trong trường hợp xác định mình có lợi thế tuyệt đối, lựa chọn là đương nhiên.

Khi chưa đạt được lợi thế nhưng trong viễn cảnh 10 năm nữa, nền kinh tế lại có ưu thế, lựa chọn đầu tư cần tính tới các bước đi cụ thể, thích hợp với lợi thế so sánh từng thời kỳ. Nhà quản lý phải nắm rõ vấn đề lợi thế so sánh này để điều chỉnh chính sách cho phù hợp. Tuy nhiên, đây vẫn là khái niệm chưa mấy quen thuộc với các nhà hoạch định chính sách tại Việt Nam.

Tóm lại, dù với nhiệm vụ nào, chúng ta vẫn cần giải quyết vấn đề nhân sự. Không thể chấp nhận tình trạng có vị lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước làm sai thì nói là vì không biết quản lý kinh tế. Quy trình bổ nhiệm đặt những người không có kiến thức kinh tế vào vị trí quản lý kinh tế phải được điều chỉnh.

Và khi chọn được người tài, phải có cách thức quản trị để người tài có thể phát huy sở trường của họ. Sẽ cần nhiều hơn nữa những nhà quản lý có tâm, có tài và có tầm cho nền kinh tế Việt Nam.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại