Ông Biden kêu gọi quốc hội thông qua thỏa thuận trần nợ
Tổng thống Biden cho biết thỏa thuận nâng trần nợ công đã sẵn sàng và kêu gọi lưỡng viện nhanh chóng bỏ phiếu thông qua nó.
"Tôi nghĩ đây là một bước tiến thực sự quan trọng", Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 28/5 trả lời phóng viên, đề cập đến thỏa thuận nâng trần nợ công mà ông đã đạt được với Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy cuối tuần qua. "Nó loại bỏ mối đe dọa vỡ nợ thảm khốc, bảo vệ đà phục hồi kinh tế lịch sử và rất khó khăn mới có được của chúng ta".
"Tôi tha thiết kêu gọi lưỡng viện thông qua thỏa thuận đó", ông chủ Nhà Trắng nói thêm.
Sau nhiều tuần đàm phán, Chủ tịch Hạ viện McCarthy và Tổng thống Biden đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ nhằm nâng trần nợ công vào cuối ngày 27/5.
Thỏa thuận sẽ ngăn chặn một vụ vỡ nợ gây bất ổn về kinh tế, nếu nó được quốc hội thông qua trước khi Bộ Tài chính rơi vào cảnh không còn ngân sách để chi trả cho tất cả các nghĩa vụ của mình. Bộ Tài chính hôm 26/5 cảnh báo kịch bản này sẽ xảy ra nếu vấn đề trần nợ không được giải quyết trước ngày 5/6.
Nội dung chi tiết chưa được công bố nhưng thỏa thuận sẽ bao gồm nâng trần nợ trong hai năm, hạn chế chi tiêu trong thời gian đó, thu hồi quỹ Covid-19 chưa sử dụng, tăng tốc cấp phép một số dự án năng lượng và tăng thêm điều kiện với các chương trình dành cho người nghèo.
Thỏa thuận đã bị các đảng viên Cộng hòa theo đường lối cứng rắn và các đảng viên Dân chủ tiến bộ chỉ trích, nhưng ông Biden và McCarthy tin rằng họ sẽ có đủ phiếu bầu từ những người ôn hòa ở cả hai đảng.
Các thành viên nhóm Tự do Hạ viện theo đường lối cứng rắn của đảng Cộng hòa tuyên bố họ sẽ ngăn thỏa thuận được thông qua tại Hạ viện trong một cuộc bỏ phiếu dự kiến vào ngày 31/5.
"Chúng tôi sẽ cố gắng", Hạ nghị sĩ Cộng hòa Chip Roy, thành viên nổi bật của nhóm Tự do Hạ viện, viết trên Twitter.
Tuy nhiên, ông McCarthy đã bác bỏ các mối đe dọa chống đối trong chính đảng của mình, nói rằng hơn 95% đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện "hết sức hào hứng" về thỏa thuận này.
"Đây là một dự luật rất tốt mà đa số đảng viên Cộng hòa sẽ bỏ phiếu thông qua", ông nói với các phóng viên tại tòa nhà quốc hội Mỹ.
Về phía đảng Dân chủ, Hạ nghị sĩ Pramila Jayapal, thành viên nhóm Tiến bộ Quốc hội, cho hay bà không hài lòng với một số vấn đề trong thỏa thuận nâng trần nợ.
Lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện Hakeem Jeffries cho biết ông hy vọng đảng của mình ủng hộ thỏa thuận này song từ chối ước tính có bao nhiêu thành viên trong đảng sẽ bỏ phiếu thông qua nó.
Những đảng viên Dân chủ cấp tiến ở cả lưỡng viện đã tuyên bố họ sẽ không ủng hộ bất kỳ thỏa thuận nào đặt ra thêm yêu cầu công việc đối với các chương trình chăm sóc sức khỏe và thực phẩm của chính phủ. Một số nguồn tin cho biết thỏa thuận mới đạt được sẽ bổ sung các yêu cầu đối với viện trợ lương thực cho những người từ 50 đến 54 tuổi.
Tình trạng bế tắc kéo dài trong đàm phán đã khiến thị trường tài chính lao đao, gây áp lực lên thị trường chứng khoán và buộc Mỹ phải trả lãi suất cao kỷ lục cho một số đợt bán trái phiếu. Các nhà kinh tế cho rằng vỡ nợ sẽ gây hậu quả nặng nề hơn nhiều, có khả năng đẩy quốc gia vào suy thoái kinh tế, làm rung chuyển nền kinh tế thế giới và tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến.
Lần gần nhất Mỹ trên bờ vực vỡ nợ là vào năm 2011, khi tổng thống và Thượng viện cũng thuộc đảng Dân chủ và Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát. Quốc hội cuối cùng ngăn chặn được tình trạng vỡ nợ, nhưng nền kinh tế phải chịu những cú sốc nặng nề, trong đó có việc Mỹ lần đầu tiên bị hạ xếp hạng tín nhiệm và một đợt bán tháo cổ phiếu lớn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận