Ông Biden gắng sức giúp châu Âu mua thêm khí đốt nhưng kết quả chẳng đến đâu
Hoạt động thương mại khí đốt ngày càng lớn mạnh giữa Qatar và châu Á đang làm phiền lòng Tổng thống Joe Biden, giữa lúc ông chủ Nhà Trắng đang dốc sức giúp châu Âu chuẩn bị nguồn cung khí đốt phòng trường hợp Nga dùng năng lượng để ép buộc châu Âu.
Phương Tây tất bật giúp đỡ châu Âu
Dù đã bố trí hơn 100.000 binh lính, vũ khí, đạn dược và thậm chí là nguồn cung máu tươi dọc biên giới với Ukraine, Điện Kremlin vẫn nhiều lần phủ nhận ý định muốn xâm lược nước láng giềng.
Hơn nữa, Moscow cũng khẳng định Nga sẽ không cắt nguồn cung khí đốt sang châu Âu trong trường hợp xảy ra xung đột với Ukraine và phương Tây, mọi lo ngại đều "không đáng có".
Song, các quan chức phương Tây vẫn khẩn trương tìm kiếm nguồn cung bổ sung cho châu Âu - khu vực nhập khẩu hơn 30% lượng khí đốt tự nhiên từ Nga và chứng kiến giá năng lượng tăng vọt trong nhiều tháng qua do nguồn cung khan hiếm nghiêm trọng.
Chẳng hạn, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã thảo luận cùng một số nhà sản xuất khí đốt lớn như Qatar về khả năng cung ứng thêm nguồn hàng cho châu Âu nếu Nga động binh với Ukraine và gây gián đoạn dòng chảy khí đốt sang lục địa già.
Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đứng đầu bộ phận chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho biết hai bên đang làm việc cùng nhau để bảo vệ nguồn cung năng lượng của châu Âu khỏi những cú sốc trong tương lai.
Cũng tuần trước, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda thông tin Nhật Bản - nhà nhập khẩu khí LNG lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, sẽ chuyển lượng khí đốt "dư thừa" sang châu Âu, Nikkei Asia đưa tin.
Tháng 1 năm nay, Australia cho biết họ cũng đã đề nghị cung cấp thêm khí đốt hóa lỏng (LNG) cho châu Âu, nếu như Nga cắt đứt nguồn cung hòng gây sức ép lên châu Âu.
Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực của phương Tây, các chuyên gia hàng hóa cho biết Qatar khó có thể đơn phương cung ứng thêm LNG cho châu Âu, vì phần lớn sản lượng của nước này đã được sắp xếp để giao tới châu Á.
Một Qatar không thể lấp đầy khoảng trống
Chia sẻ với Nikkei, bà Laura Page, nhà phân tích cấp cao tại hãng dữ liệu Kpler, cho biết Qatar đang chiếm khoảng 20% nguồn cung LNG toàn cầu nhưng hiện quốc gia vùng Vịnh Ba Tư đã hết công suất dự phòng.
Hơn nữa, khoảng 90 - 95% nguồn cung từ Ras Laffan - cơ sở chế biến và xuất khẩu khí đốt lớn nhất của Qatar, cũng đã nằm trong các hợp đồng dài hạn với khách hàng ở châu Á, bà Page cho hay.
"Châu Á đang trong mùa nhu cầu cao điểm, do đó trong thời gian tới, tôi nghĩ rằng Qatar không thể bán thêm khí đốt sang châu Âu được", vị chuyên gia của Kpler nhấn mạnh với Nikkei.
Trong hai năm qua, tập đoàn năng lượng nhà nước QatarEnergy đã ký kết các hợp đồng dài hạn với một loạt khách hàng châu Á như Trung Quốc đại lục và Đài Loan nhằm mở rộng tỷ trọng xuất khẩu của Qatar tại khu vực này. Châu Á cũng sẵn lòng trả giá giao ngay cao hơn cho các lô hàng xuất khẩu không nằm trong hợp đồng.
Kết quả là, xuất khẩu LNG của Qatar sang châu Âu (bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ) đã giảm sút đáng kể, trong khi lượng khí đốt vận chuyển sang châu Á tăng cao, đặc biệt là vào thời điểm nhu cầu đạt đỉnh theo mùa.
Ông Siamak Adibi, trường nhóm phân tích khí đốt tại hãng tư vấn FGE, nói thẳng rằng "Qatar thực sự không thể giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu" vì nguồn sẽ rất eo hẹp.
Chính phủ Qatar cũng khẳng định không một quốc gia nào có thể một mình giải quyết nhu cầu khí đốt của châu Âu. Trao đổi với Reuters, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Qatar cho biết nước này hiện chưa liên hệ với các khách hàng châu Á về việc phân phối một phần khí đốt cho châu Á sang châu Âu.
Đồng quan điểm với các chuyên gia nêu trên, Giám đốc cấp cao Anne Katrin Brevik tại Refinitiv lưu ý rằng dù Qatar có thể chuyển một phần công suất dư thừa đến châu Âu, lượng khí đốt này vẫn không đủ để bù đắp cho sự gián đoạn nguồn cung từ Nga.
"Qatar chủ yếu bán khí đốt theo các hợp đồng dài hạn, tức là họ phải giao hàng theo đúng hợp đồng. Nếu Qatar không thực hiện đúng nghĩa vụ giao hàng, danh tiếng của nước này sẽ chịu tổn hại, chưa kể còn thiệt hại về tài chính nữa", bà Brevik giải thích thêm.
Theo bà Page của Kpler, Mỹ có thể vẫn là nhà cung ứng khí LNG lớn nhất cho châu Âu vì siêu cường này có đủ khả năng tăng sản lượng. Một số nước khác như Algeria, Nigeria và Trinidad & Tobago có công suất dự phòng nhưng lại gặp khó khăn khi tăng sản lượng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận