Ông Biden: Arab Saudi phải chịu hậu quả vì giảm sản lượng dầu
Ông Biden tuyên bố Arab Saudi sẽ chịu hậu quả vì quyết định giảm sản lượng dầu của OPEC+, trong khi Nhà Trắng nói sẽ xét lại quan hệ với Riyadh.
"Tôi sẽ không đi sâu vào những gì đang cân nhắc và tính toán, nhưng sẽ có hậu quả với Arab Saudi", Tổng thống Mỹ Joe Biden trả lời phỏng vấn CNN hôm 11/10.
Trước đó, John Kirby, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, nói với phóng viên rằng Tổng thống Biden "đã tuyên bố cần phải suy nghĩ lại về mối quan hệ song phương" giữa Washington và Riyadh.
"Trước những diễn biến gần đây và quyết định của OPEC+ về giảm sản lượng dầu, Tổng thống Biden tin rằng chúng ta nên xem xét liệu mối quan hệ với Arab Saudi có đang ở đúng vị trí và phục vụ lợi ích an ninh quốc gia của chúng ta hay không", Kirby cho hay, song không nói rõ động thái cụ thể của Mỹ là gì, đồng thời khẳng định Tổng thống sẵn sàng thảo luận quyết định với quốc hội.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói với phóng viên rằng chính quyền sẽ tham khảo ý kiến quốc hội và đồng minh trong thời gian tới, song không đưa ra mốc thời gian chính xác hoặc ai sẽ phụ trách việc xem xét lại mối quan hệ với Arab Saudi. Theo bà, đây là nỗ lực của toàn thể Nhà Trắng.
"Ngay từ đầu, chúng tôi đã nói cần phải đánh giá lại và có mối quan hệ khác với Arab Saudi, đặc biệt sau quyết định của OPEC+", Jean-Pierre nói, thêm rằng quyết định của OPEC+ là "ích kỷ".
Động thái của Nhà Trắng diễn ra sau khi OPEC+, nhóm gồm Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng đối tác liên minh, trong đó có Nga, ngày 5/10 nhất trí giảm sản lượng 2 triệu thùng dầu mỗi ngày từ tháng 11. Arab Saudi được coi là nước dẫn dắt OPEC và có tiếng nói quan trọng trong quyết định giảm sản lượng dầu.
Khi được hỏi tại sao chính quyền Biden nhắm mục tiêu vào Arab Saudi khi nước này chỉ là một thành viên của OPEC+, ông Kirby nói "rõ ràng Riyadh lãnh đạo tổ chức đó".
Ông Biden chưa bình luận về việc liệu có ủng hộ Mỹ thay đổi căn bản hay cắt quan hệ với Arab Saudi hay không.
Sau quyết định của OPEC+, phe Dân chủ trong quốc hội Mỹ kêu gọi xem xét lại mối quan hệ với Arab Saudi, đặc biệt trong lĩnh vực mua bán vũ khí và công nghệ quốc phòng. Các nghị sĩ cũng đang thúc đẩy thông qua dự luật "NOPEC", cho phép Bộ Tư pháp kiện các nước OPEC+ và công ty dầu khí quốc doanh của họ theo luật chống độc quyền của Mỹ.
Thượng nghị sĩ Bob Menendez, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, hôm 10/10 kêu gọi đóng băng hợp tác với Arab Saudi. Kirby cho biết Nhà Trắng chưa nhận được thông tin nào từ Menendez.
Các nhà phân tích cho rằng quyết định giảm sản lượng của OPEC+ là một thắng lợi với Nga, đồng thời là "đòn giáng ngoại giao" mà Arab Saudi tung vào Mỹ. Ông Biden hồi tháng 7 từng đến Arab Saudi và gặp Thái tử Mohammed bin Salman trong nỗ lực vận động hành lang không giảm sản lượng dầu, nhưng những cố gắng của ông và các cố vấn tại Nhà Trắng đã không thành công.
Sau quyết định của OPEC+, ông Biden nói chuyến thăm "về cơ bản không phải vì dầu mỏ", mà tập trung các vấn đề về Trung Đông, Israel. "Nhưng quyết định của họ gây thất vọng và có vấn đề", Tổng thống Mỹ nói.
Mỹ muốn Arab Saudi trì hoãn kế hoạch tăng sản lượng thêm một tháng, nhưng không được Riyadh đáp ứng. Arab Saudi coi đề nghị của Mỹ là "canh bạc chính trị" của chính quyền Tổng thống Biden nhằm tránh tác động xấu từ giá nhiên liệu tăng trước thềm cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ vào ngày 8/11.
Theo giới chức Mỹ và vùng Vịnh, các đồng minh của Arab Saudi ban đầu phản đối đề xuất cắt giảm sản lượng, lo ngại điều này có thể dẫn đến suy thoái, nhưng cuối cùng vẫn thông qua, nhằm bảo vệ sự đoàn kết trong OPEC+. Các nguồn tin cho hay Washington đã bị sốc trước động thái trên, bởi cho rằng OPEC+ cùng lắm chỉ cắt giảm một triệu thùng mỗi ngày.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận