24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trọng Tình
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Ổn định thị trường xăng dầu: Phải thanh lọc, xử lý từ gốc

Sau cuộc họp kín của Bộ Công Thương với các doanh nghiệp đầu mối với sự tham gia của đại diện Bộ Tài chính, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, ‘đau’ vì mất vốn quá nhiều, đại diện một số doanh nghiệp tiếp tục vạch ra những vấn đề nóng của ngành xăng dầu hiện nay mà họ chưa nói ra hết.

Cơ quan quản lý điều hành kém

Lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối khẳng định, là doanh nghiệp trong bất cứ ngành nghề gì, không ai dám qua mặt cơ quan quản lý. Nhưng sau nhiều lần ‘nuốt nước mắt’ và rút gan ruột để đề xuất các giải pháp tháo gỡ thị trường từ đầu năm đến giờ, không ít doanh nghiệp xăng dầu lâm cảnh ‘không còn gì phải ngại ngần mà không nói sự thật’.

Theo vị này, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đều có trách nhiệm trong việc để tình hình xăng dầu gặp rối loạn, đứt gãy nguồn cung như thời gian qua. Là cơ quan quản lý khi thị trường xăng dầu có những diễn biến bất thường như năm nay, cơ quan quản lý phải tìm hiểu và xắn tay vào xử lý cho doanh nghiệp thay vì văn bản qua lại rồi đến hơn 3 tháng sau khi doanh nghiệp kiệt quệ sức lực, nguồn cung đứt gãy thì vấn đề chi phí định mức mới được điều chỉnh.

“Những doanh nghiệp bị Bộ Tài chính nêu đích danh không nhập khẩu xăng dầu cũng góp phần gây rối loạn nguồn cung. Vậy trách nhiệm của Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng lúc này cần công khai kiểm điểm việc quản lý cũng như minh bạch việc vì sao để tình trạng đó xảy ra”. Chủ tịch một doanh nghiệp xăng dầu

“Trong điều kiện bình thường phụ phí dao động từ 1 đến 3 USD/thùng. Nhưng thời gian qua, phụ phí đã nhảy vọt lên tới 12 USD. Trong khi mức phụ phí vẫn tính theo cách tính của năm 2021. Các doanh nghiệp Nhà nước, vì nhiệm vụ chính trị, nên vẫn phải cắn răng nhập hàng về bán còn các doanh nghiệp đầu mối tư nhân, đặc biệt những doanh nghiệp mới cấp phép vài năm trở lại đây bỏ luôn, không thực hiện theo quota. Đầu mối giảm nhập, hệ thống lập tức thiếu hàng. Khi tình hình căng, các cây xăng đổ xô sang cây xăng nhà nước nhưng lúc này mọi chuyện đã quá muộn, thế nên mới vỡ trận như vừa rồi’, vị này nói.

Làm rõ vai trò của các đầu mối và thương nhân phân phối

Chủ tịch một doanh nghiệp xăng dầu cho rằng, việc hàng loạt doanh nghiệp xăng dầu tư nhân, tập trung nhiều ở khu vực miền Trung và phía Nam vừa yếu về tiềm lực tài chính và kinh nghiệm kinh doanh xăng dầu, nhưng vẫn được cấp giấy phép xăng dầu đầu mối và thương nhân phân phối khiến không ít doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng hết sức ngạc nhiên.

Theo tiết lộ của vị này, nhiều doanh nghiệp xăng dầu đầu mối tư nhân bị mắc kẹt trong bất động sản, không còn tiền nhập hàng khi bị lỗ, để lại khoản trống trong thị trường xăng dầu, là nguyên nhân chính của việc thị trường bị rối loạn vừa qua. Việc 7 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối bị các đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương rút giấy phép từ 1 đến 2 tháng (chưa kể 5 doanh nghiệp còn treo quyết định chưa rút giấy phép) đã cho thấy những mặt tối bị bỏ ngỏ trong việc cấp phép và quản lý thị trường xăng của chính Bộ Công Thương.

“Hiện có khoảng hơn 6.000 cây xăng thuộc các thương nhân phân phối, tổng đại lý trên cả nước. Nhưng khi thị trường có vấn đề, vai trò của các thương nhân phân phối không thấy đâu trong khi họ được phép mua từ nhiều nguồn để phân phối ra thị trường. Nhật Bản thị trường lớn và nhu cầu xăng dầu lớn gấp 3 lần Việt Nam mà cũng chỉ có 5 doanh nghiệp đầu mối. Họ vẫn quản lý tốt và rất cạnh tranh. Việt Nam có 36 đầu mối và hơn 300 thương nhân phân phối mà thị trường rối loạn như thế này, Bộ Công Thương nghĩ gì? Phải chăng có lợi ích nhóm?”, vị này đặt vấn đề.

Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia ngành Công Thương cũng khẳng định việc cần xóa bỏ nấc trung gian trong chuỗi kinh doanh xăng dầu (thương nhân phân phối) là việc cần làm sớm để thanh lọc thị trường. Đây mới là giải pháp gốc rễ để xử lý vấn đề sau khi Bộ Công Thương vừa công bố 8 giải pháp cho đảm bảo nguồn cung từ ngày 12/10.

Vị này cũng đặt câu hỏi về tính minh bạch trong quản lý của Bộ Công Thương với thị trường xăng dầu trong thời gian tới sau khi ‘khủng hoảng’ qua đi. Theo vị chuyên gia này, Bộ Công Thương chỉ có thể tạo dựng được lòng tin với người dân khi ‘số hóa’ công khai toàn bộ danh sách các doanh nghiệp đầu mối đã thực hiện và không thực hiện nhập xăng dầu để cung ứng ra thị trường theo từng giai đoạn để tất cả cùng giám sát.

Một nguồn tin của PV Tiền Phong cho rằng, có tình trạng Vụ Thị trường trong nước không kiểm soát được việc nhập khẩu của doanh nghiệp đầu mối. Sau lần ‘trả giá’ này, gốc rễ của việc để thị trường xăng dầu ổn định bền vững là phải mạnh tay tổ chức lại thị trường, thừa nhận những sai lầm trong cấp giấy phép cho những doanh nghiệp không đủ điều kiện. “Vì sao doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện về kho chứa, bến bãi, điều kiện về số cây xăng trực tiếp, đại lý nhượng quyền lại được cấp phép. Bộ Công Thương phải làm rõ cả việc trước khi các doanh nghiệp đầu mối bị rút giấy phép họ có những vi phạm gì, các vi phạm đã được khắc phục ra sao khi được trả giấy phép”, vị này nói.

Nguồn tin này cũng cho rằng, Bộ Công Thương nói doanh nghiệp thua lỗ, mất vốn nhưng phải làm rõ mất vốn không còn tiền nhập xăng dầu do thua lỗ bao nhiêu, do kẹt vốn đầu tư lĩnh vực khác thế nào. Doanh nghiệp nào làm tốt thì tăng quota, không nhập khẩu thì giảm và tiến tới rút giấy phép. Như vậy mới ổn.

“Nếu Bộ Công Thương không làm rõ được toàn bộ hoạt động của các doanh nghiệp xăng dầu, có thể mời thêm Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước cùng vào làm rõ những vấn đề gốc rễ của thị trường xăng dầu hiện nay”, vị này nói.

Rà soát, sửa đổi quy định về kinh doanh xăng dầu

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 326/TB-VPCP ngày 12/10 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp về tình hình quản lý và điều hành xăng dầu cho thị trường trong nước. Thông báo nêu rõ, thời gian vừa qua có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung tại một số tỉnh, thành phố.

Trước tình trạng trên, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ động bám sát tình hình thực tiễn, diễn biến thị trường, khẩn trương triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu và các hành vi vi phạm khác trong kinh doanh xăng dầu. Đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung xăng dầu và an ninh năng lượng quốc gia. Văn Kiên
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả