Ổn định thị trường cho mặt hàng hải sản
Việc kiểm định chất lượng an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu cho hải sản vẫn chưa được chú trọng
Phập phù thông tin
Ngay sau câu chuyện sản phẩm mực khô của ngư dân Quảng Nam cần phải “giải cứu”, như Thời báo Ngân hàng đã có bài phản ánh, tiếp theo các ngư dân ở Quảng Ngãi cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Và mới đây nhất, việc hàng nghìn tấn cá khô của bà con ngư dân ở Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị cũng bị ứ đọng trên thị trường, do không xuất khẩu được đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự phập phù của thị trường xuất khẩu hải sản.
Cụ thể, ngay sau Quảng Nam khoảng từ đầu tháng 8/2019 đến nay, nhiều sản phẩm mực khô của bà con ngư dân Quảng Ngãi cũng bị dồn ứ. Nguyên nhân chính, do trước đây việc tiêu thụ mực khô trên địa bàn chủ yếu được thương lái mua, xuất bán sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Tuy nhiên, từ tháng 5/2019 đến nay, phía Trung Quốc chỉ chấp nhận tiêu thụ qua đường chính ngạch. Việc mực bị tồn đọng, không tiêu thụ được trên thị trường đã khiến không chỉ ngư dân mà các cơ sở thu mua cũng gặp nhiều khó khăn. Chỉ tính riêng tại xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, nơi được xem là “thủ phủ” của nghề câu, bắt và chế biến mực khô ở Quảng Ngãi, lúc cao điểm số lượng mực khô tồn đọng trong nhà ngư dân lẫn các cơ sở chế biến lên đến khoảng hơn 2 nghìn tấn.
Trong khi đó, nghề khai thác, chế biến, hấp sấy cá để xuất khẩu là nghề truyền thống ở địa phương, giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Tại xã Gio Việt, huyện Gio Linh có đến 35 cơ sở hấp sấy cá, 26 kho đông lạnh, hàng năm thu mua khoảng 15 nghìn tấn cá tươi, chủ yếu là cá nục, để hấp sấy... Nhìn rộng ra, tại huyện Gio Linh hiện huyện có 171 tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ, hoạt động ở các ngư trường dồi dào tiềm năng. Hàng năm, địa phương có sản lượng thủy sản khai thác đạt khoảng 15 nghìn tấn, chiếm đến 60% tổng sản lượng hải sản trên toàn tỉnh.Sau các sản phẩm mực khô, mới đây đến lượt các sản phẩm cá khô, cá sấy ở Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị cũng cần được “giải cứu” trên thị trường. Trong đó, chỉ tính riêng tại Quảng Trị hơn 1 tấn cá nục khô của 19 kho hàng ở xã Gio Việt và thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh bị tồn kho, không xuất khẩu được. Thậm chí, có những lô hàng đã được chuyển lên biên giới, song không nhập hàng được đã trả về và đứng trước nguy cơ bị hư hỏng nặng nề. Ông Hoàng Minh Thảo, chủ một cơ sở hấp sấy cá ở huyện Gio Linh cho biết, do không xuất được, hàng tồn đọng nhiều. Chi phí kho bãi tăng cao, chỉ tính riêng tiền điện cho các kho lạnh cũng lên đến hàng chục triệu đồng/tháng. Chủ cơ sở không thu mua nữa, ngư dân khai thác vào không biết bán cho ai, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều lao động ở địa phương.
Cũng như mực khô, nguyên nhân chính khiến việc xuất khẩu cá sấy khô của bà con ngư dân Quảng Trị gặp khó khăn, do thời gian gần đây phía Trung Quốc bất ngờ thay đổi phương thức nhập khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch. Đồng thời, phía đối tác yêu cầu phải truy xuất nguồn gốc sản phẩm, có tem nhãn, bảo đảm chất lượng của sản phẩm. Do yêu cầu của đối tác khá bất ngờ, nên nhiều cơ sở xuất khẩu lâu nay thường xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, thiếu thông tin nên trở tay không kịp. Xuất khẩu không được sản phẩm hàng hóa bị dồn ứ cũng là điều dễ hiểu.
Ngư dân cần được hỗ trợ
Đứng trước những khó khăn của thị trường, cơ quan chức năng ở các địa phương đã có nhiều nỗ lực để hỗ trợ bà con cũng như các cơ sở thu mua, vượt qua thời điểm khó khăn như hiện nay. Để “giải cứu” mực khô, trước đó UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn gửi Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản... về việc đề nghị hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm mực khô của ngư dân địa phương. Sau đó, các cơ quan chức năng đã đàm phán với phía Trung Quốc để sản phẩm mực phơi khô của Quảng Nam được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong thời gian sớm nhất.
Trong khi đó, tại Quảng Trị để tìm thị trường, giải quyết tạm thời đầu ra cho các sản phẩm cá sấy khô, các cơ quan chức năng ở địa phương đã đứng ra kết nối với một số cơ sở thu mua thủy sản ở TP. Đà Nẵng và các địa phương lân cận. Kết quả, khoảng hơn 500 tấn cá khô của bà con ngư dân Quảng Trị đã được tiêu thụ trên thị trường. Tuy nhiên, theo nhiều người đây mới chỉ là những giải pháp mang tính tình thế, “chữa cháy”. Bởi, về lâu dài các mặt hàng hải sản khô như mực, cá... khi xuất khẩu cần phải có giấy đăng ký chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đặc biệt là vấn đề truy xuất nguồn gốc.
Việc xuất khẩu các sản phẩm hải sản theo đường tiểu ngạch gặp trục trặc, đã gióng lên những hồi chuông cảnh báo đối với từng ngư dân, cơ sở thu mua lẫn các cơ quan chức năng. Theo ông Nguyễn Đức Chính - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, qua việc xuất khẩu mặt hàng cá sấy khô gặp khó cho thấy, lâu nay việc kiểm định chất lượng an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chưa được chú trọng. Cơ quan chức năng và địa phương có một phần lỗi vì đã không sớm hướng dẫn người dân làm thủ tục về xuất xứ hàng hóa, nguồn gốc sản phẩm. Bởi vậy, chính quyền địa phương sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát, thực hiện đầy đủ, đúng các quy định để các sản phẩm hải sản của người dân đủ điều kiện để xuất khẩu, tránh bị động như mặt hàng cá sấy khô vừa qua.
Bên cạnh những nỗ lực của cơ quan chức năng, về phía các ngư dân cũng cần có sự chủ động, để tránh rơi vào hoàn cảnh khó khăn như hiện nay. Cụ thể, bà con cần tuân thủ nghiêm túc quy định ghi nhật ký khai thác, kê khai rõ ràng sản lượng đánh bắt thủy sản, nguồn gốc thủy hải sản. Bên cạnh đó, cần có sự kết nối chặt chẽ với các doanh nghiệp bảo đảm số lượng cũng như chất lượng thủy hải sản khi được thu mua vào. Trong khi đó, các doanh nghiệp, cơ sở thu mua cũng đóng vai trò hết sức quan trọng để hướng đến việc xuất khẩu hải sản bền vững. Theo đó, các cơ sở cần nâng cao năng lực chế biến, bảo đảm an toàn thực phẩm; Sản phẩm có đầy đủ bao bì, nhãn mác đảm bảo truy xuất nguồn gốc theo quy định từ phía nhà nhập khẩu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận